Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm.

Cạnh tranh lãi suất huy động gay gắt, hiệp hội ngân hàng kêu gọi áp trần 9,5%

Hoài Lam | 15/12/2022, 18:10

Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm.

Ngày 15.12, Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng hội viên nhằm đồng thuận lãi suất huy động, thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, nhờ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ, tỷ giá bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

Hơn nữa, theo hiệp hội ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022.

Việc này làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Trước tình hình đó, ngày 7.12.2022, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất). Điều này nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

ngan-hang.jpg
Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết thêm, sau cuộc họp ngày 7.12.2022, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt các ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ.

Đại diện các tổ chức tín dụng đều thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng trong việc đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm, bởi một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng. Một số ngân hàng cũng đã có những kiến nghị giải pháp để ổn định lãi suất, tăng thanh khoản hệ thống.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Công Ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho biết, do đặc thù công ty tài chính không được phép huy động vốn dân cư mà chỉ được huy động vốn của doanh nghiệp và các tổ chức khác nên lãi suất đầu vào sẽ cao. Chính vì thế, các các ty tài chính tài chính mong muốn Ngân hàng Nhà nước không áp trần lãi suất huy động để tạo điều kiện trong hoạt động kinh doanh của công ty.

Phía các công ty tài chính cũng cam kết thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước và hưởng ứng kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc ổn định lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng kêu gọi các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước.

Bài liên quan
Chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng 0 đồng: Bước đầu thuận lợi cho chặng đường tiếp theo
Việc chuyển giao bắt buộc với GPBank và DongA Bank đã đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi cho các ngân hàng, tạo cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại, đóng góp vào sự an toàn và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cạnh tranh lãi suất huy động gay gắt, hiệp hội ngân hàng kêu gọi áp trần 9,5%