Ngày 21.11, tại cuộc họp giao ban Ban Cán sự Đảng - Thành viên UBND tỉnh do Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long chủ trì đã đồng ý phương án BOT cho dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái với tổng mức đầu tư là 14.000 tỉ đồng.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đầu tư 14.000 tỉ đồng theo phương án BOT

Trí Lâm | 22/11/2016, 05:35

Ngày 21.11, tại cuộc họp giao ban Ban Cán sự Đảng - Thành viên UBND tỉnh do Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long chủ trì đã đồng ý phương án BOT cho dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái với tổng mức đầu tư là 14.000 tỉ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, Liên danh Cái Mép – Thái Sơn – VINACONEX E&C – BRJSC12 – Khánh An – Cienco1, chủ đầu tư dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cho biết dự án có chiều dài khoảng 91,17km. Điểm đầu dự án tại Km59+556,36 - nút giao Đoàn Kết, thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn; điểm cuối tại Km150+725,03 - giao đường tỉnh 335, trùng với điểm đầu dự án cầu Bắc Luân, thuộc địa phận TP.Móng Cái. Dự án đi qua 5 địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Nhà đầu tư đưa ra 3 phương án với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là gần 14.000 tỉ đồng và được triển khai trong vòng 3 năm, thời gian thu phí 25 năm.

Nghe và cho ý kiến đối với các phương án mà nhà đầu tư đưa ra trong dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái bằng hình thức BOT, ông Nguyễn Đức Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnhđồng tình với hướng tuyến, quy mô dự án mà chủ đầu tư đã nghiên cứu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Long cũng đề nghị đơn vị tư vấn phải lưu ý, khảo sát thêm địa bàn TP.Móng Cái trên tinh thần hạn chế thấp nhất việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

Cùng với đó, ông Long cũng đề nghị nghiên cứu cụ thể vị trí các nút giao đi qua các địa phương Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên; đồng thời, nghiên cứu lại phương án tài chính cho sát với thực tế, đảm bảo không tăng so với tổng mức đầu tư mà chủ đầu tư đã đề xuất.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối, phối hợp với nhà đầu tư,đơn vị tư vấn, các cơ quan chuyên môntính toán lại các phương án để dự án có thể phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Ngoài ra, Liên danh nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn chỉnh lại phương án đầu tư dự án, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Dự án này cũng khiến dư luận xôn xao một thời bởi liên quan đến việc vay vốn từ Trung Quốc khoảng 7.000 tỉ đồng. Chính các bộ, ngành và các chuyên gia cũng có những ý kiến trái chiều nhau về dự án này.

Vào hồi tháng 8, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ là trước năm 2020.

Trước đó, Quảng Ninh đã có văn bản thống nhất với đề xuất giao Bộ GTVT thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư.

Quan điểm củaBộ GTVT muốn áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ khoản tín dụng ưu đãi bên mua từ Trung Quốc cho dự án. Hiểu nôm na, nếu đồng ý vaytiền thì sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công.

Theo bộ này, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng vốn đầu tư khoảng 382 triệu USD, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc dự kiến cho vay 304,9 triệu USD (6.800 tỉ đồng). Tuyến đường này có chiều dài khoảng 96km. Giai đoạn 1 đường cao tốc sẽ có nền đường bốn làn xe, mặt đường hai làn xe, vận tốc thiết kế 80-100 km/h. Thời gian thực hiện 48 tháng.

Bộ GTVT cho rằng, nếu bổ sung đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn để dùng vốn trong nước, thì khả năng hoàn vốn của cả hai đoạn cao tốc không còn khả thi. Nhưng nếu tách riêng đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án BOT độc lập cũng rất khó thu xếp vốn vì tổng mức đầu tư quá lớn.

Bộ KH-ĐT lại nhận định, việc huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để sử dụng cho dự án là phương án thích hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD nêu trên “chưa đủ ưu đãi” để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ GTVT. Vì vậy Bộ KH-ĐT cho rằng chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng bày tỏ sự băn khoăn khi các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay “có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của Trung Quốc”.

Do đó, bộ này cho rằng cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng dự án. Trường hợp vẫn sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cần cân nhắc xác định rõ chủ đầu tư dự án phù hợp với cơ chế sử dụng vốn vay của dự án (cho vay lại toàn bộ, không cấp phát hoặc không vay để đầu tư dự án này).

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đầu tư 14.000 tỉ đồng theo phương án BOT