Vài năm gần đây, việc có con trai thông qua phương pháp mang thai hộ đã được những người đồng tính nam tại Trung Quốc sử dụng như cách làm hòa với cha mẹ sau khi công khai xu hướng tính dục thật.

Câu chuyện cảm động về hành trình sinh con trên đất Mỹ của đôi đồng tính nam Trung Quốc (P.1)

Chí Thiện - bài | 29/02/2020, 23:35

Vài năm gần đây, việc có con trai thông qua phương pháp mang thai hộ đã được những người đồng tính nam tại Trung Quốc sử dụng như cách làm hòa với cha mẹ sau khi công khai xu hướng tính dục thật.

Trước khi Qiguang Li lần đầu đặt chân lên đất Mỹ, anh ta đã bị cách lytrong 3 tiếng. Chuyện đó diễn ra vào tháng 9 năm 2015, sau một chuyến bay dài từ Thượng Hải đến Los Angeles. Li đi cùng với một người đàn ông khác, Wei Xu, và đã hỏi một sĩ quan trực thuộc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ rằng: “Chúng tôi có thể đi qua biên giới hay không?”. “Mối quan hệ của hai người là gì?”, sĩ quan này hỏi. “Bạn bè”, Li đáp. “Nếu vậy thì không thể”, sĩ quan nói.

Xu đã vượt qua khâu kiểm tra còn Li thì không. Mặc dù vậy, anh ta đã quên một điều quan trọng: tài liệu du lịch của Li nằm trong túi của anh. Li nói tiếng Anh kém hơn cho nên đã không thể giải thích chính xác cho cảnh sát những gì đã xảy ra. Sau một thời gian chờ đợi hồi hộp, Xu quay lại trạm kiểm soát để tìm Li, vẫn không biết về lỗi lầm của mình và cả hai được gửi đến một phòng khác để kiểm tra bổ sung.

Một sĩ quan hỏi họ tại sao tài liệu của người này lại nằm trong túi người kia. Xu tiếp tục trả lời cả hai là bạn cho đến khi sĩ quan đặt câu hỏi thẳng thắn: “Hai người là bạn đời của nhau đúng không?”. “Phải…”, Xu đáp.

Và rồi mọi thứ thay đổi. Xu biết rằng nếu thẳng thắn ngay từ đầu, họ đã được phép thông quan sớm hơn và tránh mọi rắc rối không đáng có. “Tuy nhiên, chúng tôi đã cảm thấy xấu hổ”, Xu nhớ lại.

Ảnh do Xu chụp trong lần đầu đến sân bây Los Angeles

Sự cố với Cục Hải quan là rào cản cuối cùng trong kế hoạch chi tiết của Li và Xu có thể thoát khỏi quê nhà để đến một nơi thừa nhận mối quan hệ của họ. Họ quen nhau từ năm 2007 và ngay sau khi rời khỏi sân bay Los Angeles vào năm đó, họ đã kết hôn vào hai ngày sau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là giờ đây họ đã có thể hoàn thành ước mơ làm bố của mình.

Những trường hợp như Xu và Li tại Trung Quốc không hiếm. Họ không ngần ngại bay nửa vòng Trái Đất và chi hàng ngàn USD để thỏa ước nguyện bao năm.

Xu và Li gặp nhau tại Thượng Hải vào ngày 15 tháng 11 năm 2007. Cả hai đã lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc trước khi chuyển đến thành phố lớn. Họ trò chuyện trực tuyến từ trước nhưng khi gặp nhau, đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Năm 2014, họ sở hữu hai căn hộ cùng nhau và bắt đầu việc kinh doanh, một công ty giặt ủi. Bởi vì các cặp đồng tính nam không được phép kết hôn hoặc nhận con nuôi ở Trung Quốc, họ bắt đầu nghĩ về phương án mang thai hộ ở nước ngoài. Khi ấy, Li đã 36 tuổi còn Xu vừa tròn 30.

Từ năm 2015 đến 2018, Li và Xu đã thực hiện 4 chuyến đi xuyên Thái Bình Dương. Họ đã đi gần 50.000 dặm, chi hơn 200.000 USD và đã trải qua không biết bao nhiêu ngày đau khổ. Tất cả để thực hiện ước mơ có gia đình riêng của mình.

Xu và Li trong ngày cưới ở thành phố Los Angeles

Hầu hết những người đồng tính nam Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến việc có con trong giai đoạn từ 30 đến 40 tuổi. Họ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi dấn thân vào một quy trình rắc rối và đòi hỏi nhiều công sức như mang thai hộ. Đặc biệt, họ thừa nhận truyền thống Nho giáo vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn lên mình. Đó là phải có con để duy trì danh dự của gia tộc và chăm sóc bản thân khi về già.

David Wang - một người đồng tính độc thân 28 tuổi sống ở tỉnh Tứ Xuyên - nói rằng phải mất nhiều năm để cha mẹ anh chấp nhận xu hướng tính dục của mình kể từ khi anh công khai vào năm 2011. Tuy nhiên, khi ý tưởng mang thai hộ được đưa ra, họ sẵn sàng chi trả chi phí để anh thực hiện điều đó càng sớm càng tốt.

“Quan điểm của cha mẹ là không muốn tôi già đi một mình”, Wang nói. Cuối cùng, anh đã đồng ý. Tháng 2 năm 2019, Wang và mẹ đã bay tới Atlanta để sinh con trai và đưa đứa bé trở về nhà.

Guy Ringler - một bác sĩ của trung tâm California Fertility Partners – đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Trung Quốc để tư vấn về việc mang thai hộ. Khách hàng của anh ta gồm một trong những nhân vật đồng tính có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc: Ma Baoli - người sáng lập ứng dụng hẹn hò đồng tính lớn nhất thế giới Blued.

“Tôi có một vài khách hàng nói với tôi rằng họ công khai với cha mẹ sau khi đã có con”, Ringler nói. ”Họ nói rằng điều đó dễ dàng hơn bởi vì cha mẹ không còn quan tâm việc họ yêu ai nữa. Họ đã có cháu, nên nó không còn là vấn đề lớn nữa”.

Xu và Li từng ở trong tình huống tương tự. Li có một người anh trai, giúp giảm bớt đáng kể áp lực từ gia đình, nhưng Xu thì không. Do đó, họ đã quyết định đứa con đầu lòng sẽ là một đứa con trai cho Xu.

Xu công khai với cha mẹ trong khi đang theo đuổi việc mang thai hộ. Anh cảm thấy đã không thể che giấu điều đó thêm được nữa. Mặc dù vậy, mọi chuyện diễn ra khá trôi chảy. Nguyên nhân là do cha mẹ anh rất háo hức với ý tưởng sớm có cháu nội. Việc có con có chau dường như đã tạo ra sự liên kết giữa hai thế hệ.

Mang thai hộ vẫn còn là một bí ẩn đối với hầu hết cộng đồng đồng tính Trung Quốc khi Xu và Li bắt đầu hành trình vào năm 2014. Không ai trong số bạn bè của họ đã làm điều đó. Không có hướng dẫn. Thứ duy nhất Xu có thể tìm thấy là một bài đăng kinh nghiệm cá nhân trên mạng xã hội. Anh đưa ra một số câu hỏi, nhưng tác giả đã biến mất sau một vài tin nhắn.

Xu nhận trách nhiệm nghiên cứu mọi thứ cần phải làm. Tháng 1.2015, 5 tháng trước khi anh và Li bị giam giữ một cách vụng về bởi hải quan Mỹ, Xu đã thực hiện một chuyến đi đến xứ sở cờ hoa để tìm kiếm một bác sĩ sinh sản người Mỹ gốc Hoa ở California.

5 năm sau, thông tin về việc mang thai hộ đã trở nên dễ dàng truy cập hơn ở Trung Quốc. Bất chấp sự kiểm duyệt dành cho những cụm từ như “mang thai hộ” - vốn bị cấm chính thức ở Trung Quốc, luật pháp không phải lúc nào cũng được thực thi nghiêm ngặt. Các diễn đàn trực tuyến là nơi lý tưởng nhất để chia sẻ kinh nghiệm và tâm sự.

Trên ứng dụng WeChat, các nhóm dành riêng cho những ông bố đồng tính mọc lên như nấm. Xu và Li đã tham gia một nhóm như vậy vào năm 2016 với cái tên “Nhóm dành cho ông bố của những đứa trẻ Mỹ”. Năm 2019, nhóm này đã có hơn 100 thành viên và 10 em bé đã được sinh ra trong năm đó.

Xu và Li đến thăm thành phố San Fransico vào năm 2015

Kể từ năm 2013, các cơ quan hỗ trợ mang thai hộ và phòng khám sinh sản tại Mỹ ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của những khách hàng đến từ đại lục. “Chúng tôi từng chỉ có vài người khách Trung Quốc mỗi năm nhưng kể từ năm 2013, số lượng tăng lên nhanh chóng theo từng tháng”, Joanne Zhou – giám đốc chuyên phụ trách khách hàng Trung Quốc của Trung tâm sinh sản Las Vegas – nói.

“Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc tăng mạnh nhờ vào sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế, bao gồm cả người đồng tính. Và họ có nhu cầu rất lớn cho việc sinh con nối dõi”, Zhijun Hu – một nhà hoạt động quyền LGBT nổi tiếng tại Trung Quốc – cho biết.

Nhu cầu này đã thu hút nhiều cơ quan và phòng khám của Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động sang Trung Quốc thông qua quảng cáo và tư vấn ngoại tuyến. Nó cũng đã tạo ra một thị trường nội địa mới của Trung Quốc, giúp kết nối cộng đồng LGBT với nguồn lực ở Mỹ.

Rất nhiều người tiên phong đã thành lập các công ty trung gian cung cấp dịch vụ trọn gói – từ dịch thuật đến tài liệu tham khảo, luật sư và bảo mẫu – cho những ai có nhu cầu. Chưa bao giờ mà việc có một em bé ngoại quốc lại trở nên dễ dàng đến như vậy cho những người đồng tính nam trung lưu tại Trung Quốc.

Một ngày sau khi họ làm thủ tục hải quan, Xu và Li đã đến trung tâm sinh sản HRC Pasadena để lấy tinh trùng. Vào thời điểm đó, họ đã chuẩn bị sẵn một người hiến trứng và đang làm việc theo hợp đồng pháp lý.

Mang thai hộ thường liên quan đến hai phụ nữ: người hiến trứng và người mang thai hộ. Trứng được thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó phôi được chuyển vào tử cung của người mang thai hộ. Người hiến trứng đôi khi được các bậc cha mẹ Trung Quốc gọi là “luanmei”, hay còn gọi là cô gái trứng, mặc dù thuật ngữ này hiện được một số người coi là xúc phạm. Để tìm được một người hiến trứng phù hợp, mọi yếu tố như màu da, sắc tộc, tuổi, lịch sử y tế, giáo dục… đều được đưa ra tham khảo và lựa chọn cẩn thận.

Theo một số trung tâm sinh sản, các cặp vợ chồng dị tính người Trung Quốc luôn chọn người hiến trứng là người châu Á để giả vờ em bé được thụ thai tự nhiên. Trong khi đó, hầu hết các cặp đồng tính nam không có mối quan tâm này. Đôi khi, họ còn muốn có con lai nhằm có được ngoại hình nổi trội hơn. Điều này khiến quy trình nhanh gọn hơn và giảm chi phí bởi nhu cầu tìm người hiến trứng gốc Á ở Mỹ vượt xa nguồn cung.

Xu và Li đã ký hợp đồng với một người hiến trứng gốc Latinh đang theo học đại học và có mái tóc sẫm màu và đôi mắt đen. “Cô ấy trông ít giống người phương Tây hơn”, Xu nói. Họ đã gặp cô ấy trong chuyến đi đến bang California vào năm 2015. Một năm sau, 28 quả trứng đã được lấy ra từ tử cung của cô và 17 quả được thụ tinh thành công. 13 trong số 17 phôi thai đã sống sót đến ngày thứ 5 trong phòng thí nghiệm và được xét nghiệm di truyền. 8 phôi khỏe mạnh đã vượt qua bài kiểm tra. Họ hy vọng rằng một trong số đó sẽ trở thành đứa trẻ mà mình hằng mơ ước.

Xét nghiệm di truyền đắt tiền nhưng không bắt buộc và nó không chỉ cho phép cha mẹ ngăn ngừa phôi có khả năng mắc bệnh di truyền cao hơn đồng thời cho phép họ thấy trước giới tính.

Lựa chọn giới tính, mặc dù hợp pháp tại Mỹ, bị cấm ở Trung Quốc - nơi phân biệt đối xử giới tính là vấn nạn xưa nay cộng thêm chính sách một con của chính phủ đã khiến cân bằng giới tính bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc có tỷ số giới tính nữ so với nam khi sinh là 0,885 - cứ 1.000 trẻ nam chỉ có 885 trẻ nữ - xếp hạng cuối cùng trong số 153 quốc gia được nghiên cứu.

Nhiều cơ quan và phòng khám tại Mỹ thừa nhận cha mẹ đồng tính người Trung Quốc có sở thích chọn con trai. Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy điều đó ở mọi cặp đôi đồng tính với đủ quốc tịch.

Câu chuyện cảm động về hành trình sinh con trên đất Mỹ của đôi đồng tính nam Trung Quốc (Phần cuối)

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện cảm động về hành trình sinh con trên đất Mỹ của đôi đồng tính nam Trung Quốc (P.1)