“Chúng ta chỉ nhìn thấy điều mình sẵn lòng nhìn thấy.” - Ralph Waldo Emerson
Nhiều năm trước, khi còn là chàng thanh niên tuổi đôi mươi, tôi phụ trách công việc bán hàng cho một công ty sản xuất đàn dương cầm ở St. Louis. Chúng tôi bán hàng khắp cả nước thông qua những mẩu quảng cáo trên các báo địa phương. Mỗi lần đăng quảng cáo ở khu vực sản xuất bông vải vùng Đông Nam Missouri, chúng tôi đều nhận được một bưu thiếp đặt hàng với nội dung “Làm ơn bán cho tôi một cây dương cầm bằng gỗ gụ đỏ để làm quà cho cháu gái. Mỗi tháng tôi sẽ trả anh mười đô-la từ tiền bán trứng”.
Dĩ nhiên, chúng tôi không thể bán một cây dương cầm theo kiểu trả góp mười đô-la mỗi tháng. Không công ty tài chính nào đồng ý thực hiện hợp đồng mua trả góp với khoản thanh toán thấp như thế, vậy nên chúng tôi phớt lờ mấy tấm bưu thiếp của bà ấy.
Thế rồi một ngày nọ, tôi tình cờ đến khu vực đó giao hàng, và vì hiếu kỳ nên tôi quyết định ghé thăm nhà bà cụ.
Khá giống với những gì tôi tưởng tượng, bà cụ sống trong căn chòi nhỏ giữa cánh đồng bông vải. Tôi có thể nhìn thấy vài chỗ thủng trên mái nhà. Cháu gái bà khoảng mười tuổi, đi chân đất và đeo cái túi vải đựng thức ăn cho gà.
Tôi giải thích với bà cụ rằng chúng tôi không thể bán một chiếc dương cầm mới theo kiểu trả góp mười đô một tháng và khuyên bà từ bỏ ý định mua đàn. Thế nhưng lời khuyên của tôi không có tác dụng. Cứ mỗi sáu tuần chúng tôi lại nhận được bưu thiếp của bà, nói rằng bà hứa sẽ trả đủ mười đô tiền mua đàn mỗi tuần.
Vài năm sau, tôi mở một công ty sản xuất đàn dương cầm của riêng mình, và khi tôi đăng quảng cáo tại Đông Nam Missouri, những tấm bưu thiếp ấy lại được gửi đến tôi. Thế nhưng suốt nhiều tháng, tôi phớt lờ chúng đi.
Nhưng rồi một ngày nọ, tôi bất ngờ đổi ý. Dù biết mình sắp đưa ra một quyết định kinh doanh tồi tệ, tôi vẫn đồng ý giao chiếc đàn dương cầm bằng gỗ gụ đỏ cho bà cụ và chấp nhận cho bà trả góp mười đô-la mỗi tháng, không tính lãi. Như vậy nghĩa là bà phải thanh toán năm mươi hai lần tất cả. Tôi đưa chiếc đàn vào nhà và đặt nó ở nơi ít dột nhất. Tôi nhắc hai bà cháu giữ lũ gà tránh xa cây đàn và ra về, trong lòng chắc mẩm mình vừa để mất một cây dương cầm mới toanh.
Nhưng thật bất ngờ, những khoản thanh toán được gửi đến đều đặn trong suốt năm mươi hai tuần, đôi khi dưới dạng những đồng xu kèm một mẩu giấy nhắn bỏ trong phong bì. Thật ngoài sức tưởng tượng!
Tôi quên bẵng chuyện đó này cho đến tận hai mươi năm sau, khi tôi đến Memphis lo công việc. Sau khi dùng bữa tối tại quán trọ Holiday trên đường Levee, tôi đến quầy rượu tại phòng khách và chợt nghe thấy tiếng đàn tuyệt diệu vang lên. Tôi quay lại nhìn thì trông thấy một cô gái khả ái đang chơi một cây đại dương cầm tuyệt đẹp.
Tôi như ngây người trước sự điêu luyện trong tiếng đàn của cô gái nên quyết định cầm ly rượu và di chuyển đến chiếc bàn gần cô để tiện lắng nghe cũng như quan sát. Cô gái mỉm cười với tôi, và trong giờ giải lao cô bước đến bàn của tôi.
“Ngài có phải là người năm xưa đã bán đàn dương cầm cho bà tôi không?”, cô hỏi.
Tôi chưa hiểu ý cô lắm nên có nhờ cô giải thích rõ hơn. Cô gái bắt đầu kể đầu đuôi câu chuyện và tôi sực nhớ ra. Ôi trời, đúng là cô ấy rồi! Người đang đứng trước mặt tôi chính là cô bé chân trần đeo túi đựng thức ăn cho gà năm nào.
Cô gái ấy tên Elise và vì bà của cô không có tiền cho cô đi học đàn, cô đã tự học chơi đàn qua đài phát thanh. Ban đầu cô chơi đàn cho một nhà thờ cách nơi hai bà cháu sống khoảng năm cây số, sau đó đạt học bổng của nhạc viện. Hiện tại cô đã kết hôn với một luật sư ở Memphis, và anh ấy mua cho cô chiếc đại dương cầm mà cô đang chơi.
“Elise này, ở đây hơi tối nên không biết cây dương cầm của cô màu gì vậy nhỉ?”, tôi hỏi.
“Nó được làm bằng gỗ gụ đỏ”, cô đáp. “Có gì không ạ?”
Tôi không nói được lời nào.
Chính nhờ quyết tâm táo bạo của người bà hết mực yêu thương cháu mà hôm nay chúng ta mới được chứng kiến một tài năng như thế.
“Tôi rất tự hào về cô nhưng xin phép, tôi phải về phòng ngay bây giờ”, cuối cùng tôi cũng lên tiếng.
Tôi không thể ở đây lâu hơn được nữa, vì cũng như tất cả những người đàn ông khác, tôi không muốn khóc ở chỗ đông người.
Theo Còn sống còn ước mơ