Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở biển bắc miền Trung, một số tỉnh đã chậm trễ vào cuộc khiến Trung ương cũng bị chậm trong việc điều tra nguyên nhân cá chết.

Chậm trễ vào cuộc vụ cá chết ở biển miền Trung

Lê Đình Dũng | 22/04/2016, 12:42

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở biển bắc miền Trung, một số tỉnh đã chậm trễ vào cuộc khiến Trung ương cũng bị chậm trong việc điều tra nguyên nhân cá chết.

Sáng 22.4, tại Thừa Thiên-Huế, đoàn chuyên gia của Bộ NN-PTNT đã vào làm việc với tỉnh này để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền Trung trong thời gian qua. Đoàn do bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản làm trưởng đoàn cùng chuyên gia, cán bộ các đơn vị như: Viện nghiên cứu hải sản, cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Vụ khai thác thủy sản…

Theo bà Phương Dung, đoàn sẽ bắt đầu làm việc với địa phương mới xuất hiện cá chết (Thừa Thiên-Huế) rồi đi ngược ra các địa phương đã có cá chết từ trước như Quảng Bình, Hà Tĩnh. “Đoàn bây giờ mới bắt đầu triển khai. Nhiệm vụ là làm việc với các tỉnh lấy hết thông tin để báo cáo với Bộ, Tổng cục thủy sản để có hướng chỉ đạo. Đồng thời,tiến hành lấy mẫu để tìm ra nguyên nhân cá chết”.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết toàn tỉnh đến thời điểm nàycó 11 hộ nuôi cá lồng thiệt hại tổng cộng 5.906 con (cá vẩu, mú, giò). Theo Sở này, cá tự nhiên (cá đuối, cá ong căn, cá nhói xanh…) chết tại khu vực ven biển và cửa biển thị trấn Lăng Cô, ven biển và cửa biển sông Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc); cá nuôi lồng (chủ yếu cá giò, cá vẩu) chếttại khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, vị trí gần cửa biển).

Cũng theo ông Hùng, ở Thừa Thiên-Huế phát hiện cá chết từ ngày 15.4 và rộ lên đến ngày 18.4. Cá chết ở biển được phát hiện trước khi có cá chết ở các lồng, bè nuôi. Đặc biệt, trong ngày 15.4 cá được phát hiện chết hàng loạt rất nhanh trong vài tiếng đồng hồ, trùng với hiện tượng được phát hiện ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Khi đoàn công tác đề nghị tỉnh này cung cấp ước lượng số cá tự nhiên chết dạt vào bờ biển, đại diện của Sở này nói không nắm và ‘cái này khó mà biết lắm’. Sở này cũng cho rằng, cá chết trên địa bàn là do nước nhiễm nguồn độc gì đó chứ không phải bệnh dịch vì cá chết không có dấu hiệu bệnh lý, mang sạch và tươi.

Đặc biệt, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TNMT Thừa Thiên-Huế) cho biết đơn vị đã lấy mẫu nước và trầm tích cách bờ khoảng 2 hải lý ở vùng cá chết và phát hiện có kim loại nặng; tuy nhiên đơn vị vẫn phải kiểm tra lại để có kết quả chính xác.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, sau khi phát hiện cá chết vào ngày 15.4, Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huếđã cử người xuống hiện trường và lấy mẫu phân tích để có báo cáo sớm nhất. Ông Hùng cũng đề xuất với đoàn công táccần có báo cáo lênBộ NN-PTNT để có sự chỉ đạo đồng bộ xuống các địa phương vùng ảnh hưởng cần phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng hơn nữa. Ông này cho rằng, một số địa phương như Hà Tĩnh phát hiện cá chết từ lâu nhưng chậm trễ vào cuộc nên ở Trung ương không nắm được tình hình để đến bây giờ mới đi điều tra nguyên nhân cá chết.

PGĐ Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế cho rằng có sự chậm trễ của các địa phương khi hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có công văn hỏa tốc gửi đến các tỉnh có hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Theo đó, yêu cầu Tổng cục thủy sản và các đơn vị thuộc Bộ lập đoàn công tác đến các địa phương lấy mẫu giám sát tìm ra nguyên nhân và tác nhân làm thủy sản chết hàng loạt một cách bất thường.

Công văn nghiêm cấm người dân sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Đối với các địa phương, cần khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang, hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi. Bộ cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí kinh phí để xử lý; áp dụng các chính sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có).

Lê Đình Dũng

Ảnh: Một con cá vẩu tự nhiên nặng chừng 20kg được phát hiện chết trôi nổi trên cửa biển Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chậm trễ vào cuộc vụ cá chết ở biển miền Trung