Trong 6 tháng đầu năm, một trong những điểm nổi bật trong tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam chính là tỷ lệ gạo xuất khẩu đạt chất lượng cao đang gia tăng.
Xuất khẩu gạo chất lượng cao "khởi sắc"
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 6.2016, lượng gạo xuất khẩu ước tính đạt 450.000 tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu đạt 2,732 triệu tấn với giá trị khoảng 1,2 tỉ USD.
Đáng chú ý, trong cơ cấu gạo xuất khẩu, tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine tăng từ 22% trong năm ngoái lên 29% sau 6 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ gạo nếp cũng tăng từ 6,58% năm 2015 lên 16% tổng lượng gạo xuất khẩu.
VFA dự báo 6 tháng cuối năm, xuất khẩu gạo sẽ đạt khoảng 2,97 triệu tấn, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Philippines và Indonesia... sẽ tiếp tục ổn định. Trong khi đó, qua cân đối tình hình sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông năm 2016, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm chỉ khoảng 3,9 triệu tấn.
Dự kiến cả năm 2016, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo. Đáng chú ý, giá mua lúa cũng như giá gạo xuất khẩu đang có chiều hướng gia tăng.
Lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu
Thực tế chỉ ra, mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, song vị trí này vẫn chưa thật bền vững vì có sự bấp bênh trong thu nhập của người làm ra lúa gạo và chất lượng của sản phẩm chưa cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường thế giới với loại gạo chất lượng cao ngày càng tăng, nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Thời gian tới, ưu điểm về giá sẽ không còn là lợi thế với VNbởi lượng gạo tồn kho của Thái Lan rất lớn. Ngoài ra, lợi thế về địa lý cũng đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh, cạnh tranh gay gắt với gạo Việt ở một trong những thị trường lớn là châu Phi.
Tuy nhiên, những lo ngại trên đang dần được dịu bớt vì trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ gạo chất lượng cao xuất khẩu đang có xu hướng tăng dần, đến nay đã chiếm khoảng 27% trong tổng lượng gạo xuất khẩu.
Trong thời gian tới, để xuất khẩu gạo của Việt Nam được phát triển bền vững cả về giá trị và chất lượng, các chuyên gia đề xuất doanh nghiệp phải bám sát vào nhu cầu thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao. Từ đó, tương lai ngành lúa gạo sẽ không chỉ mang về lợi nhuận cao hơn mà còn dễ dàng xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững.
Để làm được điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệtcần thay đổi tư duy xuất khẩu và tăng cường tìm kiếm các thị trường không lớn nhưng mang lại giá trị cao.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong bối cảnh thị trường lúa gạo hiện nay, việc xây xựng và sản xuất thương hiệu gạo cao cấp là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, công việc này không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai mà phải xử lý hết từ cơ cấu giống đến thủy lợi, quy trình canh tác.
Ông Lê Văn Bành, Cục trưởng Cục chế biến nông-lâm-thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, hiện nay, gạo chất lượng cao của Việt Nam chiếm 27% sản lượng xuất khẩu. Để mở rộng đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Australia… các doanh nghiệp và người nông dân cần phải đầu tư nhiều cho giống lúa, chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.
Đây là hướng đi phù hợp để tổ chức lại sản xuất lúa gạo, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Tuyết Nhung