Tiếp theo Airbus dùng tàu buồm để chở phụ tùng máy bay bằng đường biển, các công ty Pháp, Phần Lan, Đan Mạch… đang thi nhau ứng dụng sức gió trong hàng hải để tiết kiệm chi phí và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo thông báo của công ty Renault, Pháp, nhà chế tạo xe hơi này dự định sẽ giảm 6% lượng khí thải carbon vào năm 2022. Một phần quan trọng của kế hoạch là thay đổi chuỗi cung ứng, chủ yếu 60% xe và phụ tùng sẽ được chở bằng vận tải đường thủy.
Nhà sản xuất xe hơi Renault đã quyết định quay lại dùng vận tải đường biển. Dự án chuyển đổi đội tàu vận tải của Renault sang lực kéo bằng buồm sẽ bắt đầu với việc chạy một con tàu thử nghiệm được thiết kế để vận chuyển xe hơi.
Trên một con tàu dài 135m, sẽ lắp đặt các cánh buồm với tổng diện tích 4.180m2. Con tàu này sẽ có thể vận chuyển 478 xe mỗi chuyến với tốc độ chạy tàu là 20 km/h. Theo tính toán, các con tàu dùng buồm thuộc thế hệ mới sẽ giảm 90% lượng khí thải so với các tàu chở hàng dùng động cơ thông thường. Nhưng công nghệ của các thế kỷ trước đã thu hút không chỉ Renault và đối tác của nó trong dự án này là Neoline. Năm ngoái, một nhóm các kỹ sư của Airbus đã lập công ty Airseas để vận chuyển hàng hóa bằng đường biển hiệu quả hơn với sự trợ giúp của sức gió. Chỉ có điều họ không sử dụng những cánh buồm ở dạng thông thường mà là những cánh diều khổng lồ.
Còn công ty Norsepower của Phần Lan cũng đề xuất phương án tiết kiệm vận tải hàng hải, nhưng bằng các cặp đường ống - một công nghệ được kỹ sư người Đức Anton Flettner đề xuất vào những năm 1920. Một đường ống dựng đứng tạo ra các vùng áp suất thấp và áp suất cao, giúp chạy tàu giống như cánh của máy bay. Tuy nhiên, chỉ đến bây giờ các vật liệu mới xuất hiện, nhờ đó, có thể được chế tạo các đường ống khá nhẹ và công suất mạnh. Công ty vận tải Maerks của Đan Mạch đã trang bị một tàu chở dầu Pelican dài 245m với hai đường ống cao 30m.
Vũ Trung Hương