Giới chức hàng đầu của châu Âu đã cáo buộc Mỹ kiếm bộn tiền từ 9 tháng chiến tranh tại Ukraine trong khi các nước EU lại chịu hậu quả nhiều nhất.

Châu Âu đã sai khi cáo buộc Mỹ trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine?

Hoàng Vũ | 30/11/2022, 14:20

Giới chức hàng đầu của châu Âu đã cáo buộc Mỹ kiếm bộn tiền từ 9 tháng chiến tranh tại Ukraine trong khi các nước EU lại chịu hậu quả nhiều nhất.

Châu Âu đã trở nên phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn so với kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, một tình huống có thể thúc đẩy cả sự oán giận và lẫn trách móc.

Ở Đức, một cuốn sách có tên gọi Ami, đã đến lúc phải đi! (Ami là tiếng lóng của người Đức dành cho người Mỹ) đã trở thành sách bán chạy nhất. Tác giả là Oskar Lafontaine, cựu bộ trưởng tài chính từng lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Đức.

“Chúng ta phải tự giải phóng mình khỏi sự giám hộ của Mỹ”, Lafontaine viết, mô tả Mỹ là gốc rễ của hầu hết những điều "xấu xa" và lập luận rằng châu Âu cần phải đi theo con đường của riêng mình.

Sau 9 tháng chiến tranh tại Ukraine, nhiều quan chức hàng đầu của châu Âu đang rất bực tức với chính quyền Tổng thống Joe Biden và đã cáo buộc Mỹ kiếm được nhiều tiền từ cuộc chiến, trong khi các nước EU chịu nhiều thiệt hại.

“Thực tế, nếu nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia đang hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến ở Ukraine là Mỹ vì Washington đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn, và họ cũng đang bán nhiều vũ khí hơn”, một quan chức cấp cao (giấu tên) của Liên minh châu Âu (EU) nói với Politico tuần trước.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, có một thực tế rằng Ukraine sẽ thua từ nhiều tháng trước nếu Mỹ không can thiệp. Bên cạnh đó, việc thu lời từ bán khí đốt tự nhiên và vũ khí chỉ là phần nhỏ trong nền kinh tế trị giá 26.000 tỉ USD/năm của Mỹ.

Mỹ năm nay thậm chí đã xuất khẩu ít hơn 10% sản lượng khí đốt tự nhiên so với năm ngoái. Vào năm 2021, trị giá của những mặt hàng xuất khẩu ước tính khoảng 27.000 tỉ USD.

Do châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga nên mới dẫn tới tình trạng chênh lệch giá khí đốt như hiện nay. Theo giới chức Mỹ, trong hầu hết các trường hợp, sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu không thuộc về các nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, mà là các công ty bán lại khí đốt trong EU. Chẳng hạn, công ty lớn nhất châu Âu nắm giữ các hợp đồng khí đốt dài hạn của Mỹ là TotalEnergies của Pháp.

Ngoài ra, trong số khoảng 30 tỉ USD hỗ trợ quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine cho đến nay, phần lớn là viện trợ không hoàn lại. Trong khi các nhà thầu quốc phòng của Mỹ được hưởng lợi từ nhu cầu chế tạo vũ khí mạnh mẽ hơn từ các đồng minh NATO, thì các nhà thầu quốc phòng châu Âu cũng kỳ vọng tương tự. Tuy nhiên, việc đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng vốn chưa đạt hiệu quả cao đã khiến nhiều quốc gia châu Âu chỉ chú trọng mua hàng “Made in USA”.

Chẳng hạn, quyết định gần đây của Đức mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ được thúc đẩy bởi một thực tế đơn giản là không có lựa chọn thay thế nào của châu Âu. Một kế hoạch của Pháp, Đức và Tây Ban Nha nhằm phát triển một “hệ thống không quân chiến đấu trong tương lai” đã được ấp ủ vào năm 2001 nhưng vẫn chưa được triển khai trong bối cảnh đấu đá nội bộ dai dẳng. Sự cạnh tranh chính trị ở một số quốc gia châu Âu đối với việc xuất khẩu vũ khí đã làm cho ngành công nghiệp vũ khí của khu vực này trở nên “còi cọc” hơn.

Lấy ví dụ về xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Krauss-Maffei của Đức sản xuất và được nhiều người coi là tốt nhất thế giới. Bất chấp danh tiếng đó, người Đức đã thua Hàn Quốc khi để đồng minh NATO là Ba Lan gần đây đã đặt hàng gần 1.000 xe tăng mới của phía đối tác người Hàn.

Một điểm nóng khiến quan hệ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đi xuống thời gian gần đây liên quan tới đến một loạt các khoản trợ cấp xanh do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra nhằm mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào tuần này sẽ là giảm bớt các điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của ông Biden. Đây là một gói hỗ trợ thuế, khí hậu và chăm sóc sức khỏe khổng lồ, đã khiến lo ngại về một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương một lần nữa lên cao trong các chương trình nghị sự chính trị của EU.

Các quan chức châu Âu đã mô tả gói hỗ trợ mới của Mỹ như một sự tái sinh của đạo luật Smoot-Hawley, một danh mục thuế quan mà Washington đưa ra vào năm 1930 vốn được cho là làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế thời đó.

Theo các chuyên gia, các nước châu Âu đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi các công ty của họ đầu tư trong nước bởi các chính phủ chỉ chú trọng nhiều đến việc trợ cấp hóa đơn khí đốt cho các hộ gia đình hơn là giúp ngành công nghiệp của khu vực vượt qua khủng hoảng.

Có một thực tế đáng buồn là chính quyền Tổng thống Biden có lẽ đã không tính đến châu Âu khi quyết định ban bố gói trợ cấp trên. Vấn đề không phải là châu Âu không quan trọng đối với Mỹ, mà chỉ là người châu Âu đang kỳ vọng quá nhiều.

“Châu Âu không có khả năng cạnh tranh về chi phí trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi nói đến chi phí điện và khí đốt. Nếu chúng a không thành công trong việc nhanh chóng hạ giá năng lượng ở Đức và cả ở châu Âu, thì việc đầu tư vào sản xuất sử dụng nhiều năng lượng hoặc cho các nhà máy sản xuất pin mới ở Đức và khắp EU sẽ không còn khả thi nữa”, Thomas Schafer, người điều hành thương hiệu Volkswagen, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội khi chỉ trích chính sách công nghiệp của châu Âu.

“Dù Mỹ đang theo đuổi một chính sách công nghiệp lớn với xu hướng bảo hộ, không nên cho rằng chính sách kinh tế của Washington đang nhắm vào người châu Âu”, Lars Klingbeil, đồng lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nói với Die Welt tuần trước.

Bài liên quan
Aston Villa cứu bóng đá Anh khỏi cảnh sạch bóng tại châu Âu
Aston Villa đã giúp cho bóng đá xứ sở Sương mù thoát khỏi cảnh sạch bóng tại Cúp châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu đã sai khi cáo buộc Mỹ trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine?