Hãng Reuters chỉ ra quan điểm về viện trợ cho Ukraine và an ninh châu Âu của thượng nghị sĩ bang Ohio J.D.Vance giống với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2, giới chức châu Âu trực tiếp nghe thượng nghị sĩ Vance phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời đề nghị lục địa già tự đảm bảo an ninh thay vì phụ thuộc nhiều vào Mỹ.
Đó chỉ là hồi chuông cảnh báo đầu tiên. Hồi chuông thứ hai đến vào ngày 15.7: cựu Tổng thống Trump quyết định chọn thượng nghị sĩ Vance làm đối tác tranh cử. Đồng lãnh đạo đảng Xanh (nằm trong liên minh cầm quyền của Đức) Ricarda Lang cho biết lựa chọn này khiến châu Âu lo lắng. Họ lo rằng cựu Tổng thống Trump nếu quay lại nắm quyền sẽ giảm bớt hoặc ngừng viện trợ Ukraine, ép Kyiv ngồi vào bàn đàm phán trong thế mất đáng kể lãnh thổ.
Nỗi lo trên càng được củng cố bởi lá thư mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban gửi đến các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với nội dung cho biết cựu Tổng thống Trump sẵn sàng đóng vai trò “trung gian hòa bình” ngay khi tái đắc cử.
Ưu tiên châu Á, Trung Đông
Tham dự Hội nghị An ninh Munich, thượng nghị sĩ Vance phát biểu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải mối đe dọa với châu Âu, và cả Mỹ lẫn châu Âu chẳng thể nào cung cấp đủ đạn dược để Ukraine đánh bại Nga. Ông tuyên bố ưu tiên chiến lược của Mỹ nằm ở châu Á và Trung Đông nhiều hơn, Nga có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán và bản thân ủng hộ “hòa bình được thương lượng”.
Quan điểm như vậy hoàn toàn trái ngược với giới chức châu Âu, vốn luôn xác định Nga không định đàm phán nghiêm túc nên chủ trương phương Tây đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine.
Không chỉ phát biểu, thượng nghị sĩ Vance còn bỏ phiếu chống lại dự luật cấp thêm viện trợ Ukraine mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đệ trình lên quốc hội. Trả lời tờ The New York Times về quyết định bỏ phiếu chống, ông nhấn mạnh Washington cùng Kyiv phải bỏ điều kiện khôi phục biên giới Ukraine - Nga năm 1991 thì mới có thể đàm phán.
Qua quan sát thượng nghị sĩ Vance, phát ngôn viên phụ trách chính sách đối ngoại Nils Schmid của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đưa ra kết luận: “Ông ấy có quan điểm về vấn đề Ukraine cứng rắn hơn cả Trump và muốn chấm dứt chiến tranh. Ở chính sách đối ngoại, Vance theo chủ nghĩa biệt lập mạnh hơn cả Trump”.
Không nên quá lo lắng
Một số nhà phân tích cho rằng hiện tại còn quá sớm để kết luận về thượng nghị sĩ Vance. Cố vấn Melinda Haring (tổ chức Razom for Ukraine) nhận định: “Vance là tín đồ Thiên chúa giáo sùng đạo, hoàn cảnh khốn khó thời thơ ấu của ông ấy khiến tôi hy vọng Vance sẽ giống như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, nhận ra viện trợ Ukraine là lựa chọn duy nhất. Vance vẫn chưa nắm giữ chức vụ phó tổng thống, tôi mong quan điểm của ông ấy sẽ thay đổi”.
Một nhà ngoại giao Pháp cũng nhắc nhở châu Âu không nên quá lo lắng: “Trump chưa thắng và Biden chưa thua”.
Từng gặp thượng nghị sĩ Vance tại Hội nghị An ninh Munich, nghị sĩ Ukraine Oleksiy Honcharenko (thuộc phe đối lập) nhận xét chính trị gia người Mỹ thông minh và điềm đạm.
“Chúng tôi vẫn là đồng minh. Ukraine sẽ chứng minh cho Mỹ thấy Ukraine có thể tự giúp mình bên cạnh sự giúp đỡ từ bên ngoài”, nghị sĩ Honcharenko nói với Reuters.