Viễn cảnh đưa quân vào Ukraine đang dần thu hút sự chú ý khi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm kiếm vai trò trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow, những cuộc đối thoại có thể định hình lại an ninh của cả lục địa.
Quốc tế

Châu Âu muốn Mỹ hậu thuẫn việc triển khai một lữ đoàn tại Ukraine

Hoàng Vũ 17/02/2025 23:12

Viễn cảnh đưa quân vào Ukraine đang dần thu hút sự chú ý khi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm kiếm vai trò trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow, những cuộc đối thoại có thể định hình lại an ninh của cả lục địa.

Khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang lên chiến lược gửi quân vào Ukraine theo thỏa thuận ngừng bắn, họ cũng đang tích cực trao đổi với đội ngũ của Tổng thống Donald Trump về loại hình hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ mà họ có thể nhận được. Washington cũng đang tìm kiếm câu trả lời về các trang bị và lực lượng mà các nước châu Âu có thể cam kết cung cấp.

linh-duc.png
Các binh lính thuộc biên chế quân đội Đức - Ảnh: Getty

Châu Âu muốn tham gia đàm phán

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đang vội vàng tìm kiếm vị trí trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột – một quá trình mà trước đây họ đã bị loại ra – ngay khi các cuộc đàm phán có khả năng thay đổi bối cảnh an ninh của châu lục. Viễn cảnh có quân đội vào Ukraine càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo châu Âu khi chính quyền Trump nhanh chóng tiến tới đàm phán trực tiếp với Moscow, với sự gặp gỡ dự kiến giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Ả Rập Saudi vào hôm 18.2.

Tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tổ chức một cuộc họp với những nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu hôm 17.2, nhằm thúc đẩy việc lập kế hoạch cụ thể hơn cho sự hỗ trợ của châu Âu đối với Ukraine và xây dựng sự đồng thuận về khả năng triển khai quân đội.

Mặc dù Washington đã loại trừ việc đưa quân Mỹ vào Ukraine, các quan chức châu Âu cho biết rằng đội ngũ Trump không loại trừ khả năng hỗ trợ một lực lượng quân đội châu Âu – và đã đặt câu hỏi về mức độ hỗ trợ từ phía Mỹ cần thiết. Theo đó, các yêu cầu từ châu Âu bao gồm khả năng thu thập tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như khả năng cung cấp che chắn trên không hoặc hỗ trợ phòng không để bảo vệ lực lượng.

Trước đó, một loạt câu hỏi do Mỹ gửi tới các lãnh đạo châu Âu, liên quan đến lực lượng và trang bị mà họ có thể dành ra cho Ukraine, cũng đã kích thích những suy nghĩ nghiêm túc hơn về khả năng này trong những ngày gần đây.

Báo Washington Post dẫn lời các quan chức EU giấu tên cho biết kế hoạch mới nhất của châu Âu dự kiến hình thành một lực lượng “đảm bảo” hoặc “ngăn chặn” gồm một vài lữ đoàn, có thể dao động từ 25.000 đến 30.000 binh sĩ. Những binh sĩ này sẽ không được đóng quân dọc theo đường tiếp xúc mà sẽ sẵn sàng thể hiện sức mạnh nếu lực lượng Nga tái khởi động cuộc chiến. Họ cũng có thể được hỗ trợ thêm từ các lực lượng bên ngoài Ukraine nếu cần tăng cường và di chuyển nhanh chóng.

Pháp đã có những kế hoạch quân sự tiên tiến hơn so với các nước khác và ước tính có thể cam kết khoảng 10.000 binh sĩ, mặc dù các đồng minh châu Âu khác cho đến nay vẫn còn khá do dự hoặc gặp khó khăn do lực lượng quân sự hạn chế, theo hai quan chức cho biết.

tt-phap-va-ukraine.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã lần đầu tiên tuyên bố vào hôm 16.2 rằng ông sẵn sàng triển khai quân đội Anh vào Ukraine như một phần của thỏa thuận “nếu cần thiết”. Ông nhấn mạnh rằng quyết định đưa quân lính Anh “vào tình thế nguy hiểm” không hề được xem nhẹ, nhưng ông cũng cho rằng “bất kỳ vai trò nào trong việc giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine đều góp phần đảm bảo an ninh cho cả châu lục”. Điều này dự kiến sẽ tạo sức ép để các nhà lãnh đạo châu Âu khác đưa ra những cam kết tương tự.

Pháp và Anh, hai cường quốc hạt nhân duy nhất ở châu Âu, đang đứng đầu các cuộc thảo luận, với sự tham gia của ít nhất một tá quốc gia khác, bao gồm Ba Lan, Hà Lan, Đức và các nước Bắc Âu cũng như Baltic. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans thông tin với Washington Post rằng kế hoạch này cần nhiều hơn sự ủng hộ về chính trị từ Mỹ. “Chúng ta còn cần có khả năng kiểm soát sự leo thang, nếu căng thẳng gia tăng và nếu có bất kỳ xung đột nào xảy ra… Và chúng ta cần có sự tham gia của Mỹ”, ông nói.

“Đương nhiên, vấn đề này xoay quanh những cam kết an ninh cho Ukraine, nhưng nó cũng liên quan trực tiếp đến quốc phòng và khả năng ngăn chặn trong NATO của chúng ta. Hiện chúng ta đang có những cuộc thảo luận giữa các quốc gia châu Âu và với Mỹ về khả năng đóng góp của mỗi quốc gia. Trong vài tuần tới, cần có những con số cụ thể hơn. Đây là một câu đố lớn, với nhiều mảnh ghép mà chúng ta cần phải sắp xếp lại với nhau”, quan chức Ba Lan nhấn mạnh.

Cảnh báo cho Nga

Khi Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn chiến tranh, các đồng minh châu Âu gần đây đã cởi mở hơn với ý tưởng triển khai quân đội – một bước đi gây xôn xao kể từ lần đầu Tổng thống Pháp Macron đề xuất ý tưởng này vào năm ngoái. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã âm thầm bàn bạc về vấn đề triển khai quân ở Ukraine trong nhiều tháng, tuy nhiên họ vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể, do một số quốc gia còn do dự về việc cam kết quân đội nếu không có sự rõ ràng hơn từ phía Mỹ về ý định hỗ trợ Ukraine.

Kế hoạch của châu Âu càng trở nên cấp thiết hơn khi các quan chức của chính quyền Trump đã đến châu Âu trong tuần này và khẳng định rằng Washington sẵn sàng hành động ngay cả khi không có sự tham gia trực tiếp từ phía châu Âu.

Các đồng minh châu Âu đang chia rẽ về bản chất của một cuộc triển khai có thể xảy ra, bao gồm quy mô, nhiệm vụ của lực lượng và mức độ hỗ trợ cần thiết từ phía Mỹ. Các nỗ lực lập kế hoạch quân sự cũng bị cản trở bởi thực tế là các thông số của thỏa thuận với Nga – chẳng hạn như những ranh giới mà cuộc xung đột có thể tạm dừng – vẫn còn mơ hồ hoặc chưa được đội ngũ Trump trình bày một cách đầy đủ.

Ý tưởng này cũng tập trung vào việc tăng cường cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine, nhằm đảm bảo họ có khả năng duy trì ranh giới ngừng bắn mà người châu Âu hy vọng sẽ không bị phá vỡ. Tuy nhiên, các quan chức đều đồng ý rằng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ đóng vai trò then chốt, và họ hoan nghênh những cảnh báo rõ ràng từ Washington đối với Nga – dù là công khai hay riêng tư – nhằm phản ứng với bất kỳ nỗ lực tấn công hoặc khơi mào lại cuộc xung đột toàn diện nào.

Một câu hỏi quan trọng nữa đối với các quốc gia châu Âu là: Họ sẽ phản ứng ra sao nếu Nga tấn công lực lượng của mình? Một đề xuất là xây dựng điều khoản phòng thủ chung giữa các quốc gia tham gia liên minh châu Âu. Đối với nhiều quốc gia châu Âu, việc triển khai quân cũng đòi hỏi phải có sự ủng hộ từ công chúng trong nước và sự cân nhắc về nguồn lực quân sự vốn đang trong tình trạng căng thẳng. Pháp có nhiều quyền tự chủ hơn các nước khác, bao gồm cả Anh, trong việc huy động quân đội, một phần nhờ vào việc Pháp đã rút quân khỏi các nhiệm vụ ở châu Phi.

Một số quốc gia như Ba Lan hoặc Đức, khi đang tiến hành các cuộc bầu cử quốc gia, lo ngại rằng những động thái quân sự lớn có thể khiến cuộc chiến của Nga ở Ukraine trở nên quá chính trị hóa. Các quốc gia châu Âu cũng e ngại việc phải chấp nhận rủi ro nếu không có sự tham gia lớn hơn từ phía Mỹ. Cụ thể, Hà Lan sẽ cần có sự phê duyệt của quốc hội để triển khai lực lượng của mình.

Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có sẵn sàng chấp nhận việc triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine hay không, phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết đây là “một câu hỏi rất khó” và “chưa có cuộc thảo luận thực chất nào” về vấn đề này. Ông nhấn mạnh rằng: “Thật khó để nói về điều đó vì các quốc gia thành viên NATO và do đó, lực lượng NATO sẽ là lực lượng được triển khai trên lãnh thổ Ukraine”.

Con gà và quả trứng

Keith Kellogg, đặc phái viên của Trump tại Ukraine và Nga, đang có chuyến thăm tới trụ sở NATO và dự kiến sẽ đến một số thủ đô trong tuần này, khi các quan chức châu Âu dự định bàn về việc phân chia nguồn lực với Mỹ tại Ukraine.

Một nhà ngoại giao phương Tây mô tả các cuộc đàm phán với phía Mỹ cho đến nay giống như “trò chơi con gà và quả trứng”, khi mỗi bên đều chờ đợi bên kia tung ra lá bài về nguồn lực mà họ có thể cam kết.

Nhiều người tin rằng kế hoạch này sẽ mang lại cho các quốc gia châu Âu chìa khóa định hình các cuộc đàm phán và củng cố vị thế của Trump, vì ông sẽ không muốn tỏ ra yếu thế nếu lực lượng của mình bị tấn công và thỏa thuận mà ông đặt cược bị phá vỡ. “Nếu họ bị tấn công và Trump không hành động, điều đó sẽ cực kỳ bất lợi đối với ông ấy”, một quan chức phương Tây chia sẻ.

Các quan chức châu Âu cũng cho biết họ đã nhận được nhiều thông điệp trái chiều từ các thành viên trong phe Trump khi cố gắng đánh giá vai trò của từng người và mức độ ảnh hưởng của họ đối với Tổng thống.

“Có nhiều quan điểm khác nhau trong phe Trump... và cuối cùng, ông ấy là người quyết định. Mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong tích tắc, chỉ bằng một bài đăng trên mạng xã hội”, một nhà ngoại giao châu Âu nói thêm.

Bài liên quan
Châu Âu có thể mua vũ khí Mỹ để viện trợ Ukraine
Trang The New Voice của Ukraine đưa tin khi báo giới đặt câu hỏi về khả năng cho phép châu Âu mua vũ khí Mỹ để viện trợ Ukraine, Tổng thống Donald Trump trả lời rằng ông đồng ý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nghiên cứu khoa học cần có chính sách đột phá
6 giờ trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học cần có một chính sách mang tính đột phá, vì hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu muốn Mỹ hậu thuẫn việc triển khai một lữ đoàn tại Ukraine