Mỹ đã chính thức đề nghị các quốc gia châu Âu cung cấp đề xuất chi tiết về vũ khí, lực lượng gìn giữ hòa bình và các cam kết an ninh nhằm bảo vệ Ukraine trong giai đoạn hậu chiến, theo Financial Times.
Đây là một phần trong nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh cho Kyiv sau khi đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.
Yêu cầu từ Washington
Báo Financial Times dẫn lời bốn quan chức phương Tây cho biết yêu cầu đã được gửi đến các lãnh đạo châu Âu trong tuần qua. Động thái này diễn ra trong bối cảnh những nhà lãnh đạo châu Âu muốn đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Yêu cầu này là cách để chúng tôi đảm bảo rằng châu Âu có tiếng nói trong tiến trình đàm phán", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một bảng câu hỏi đến các chính phủ ở châu Âu nhằm thu thập thông tin về khả năng hỗ trợ quân sự và an ninh cho Ukraine trong giai đoạn hậu chiến. Bảng câu hỏi yêu cầu các nước châu Âu cung cấp chi tiết về loại vũ khí họ có thể cung cấp, số lượng quân đội sẵn sàng triển khai hỗ trợ an ninh, các hình thức bảo đảm an ninh mà họ sẵn sàng tham gia.
Đây được coi là một bước quan trọng trong việc xác định vai trò của châu Âu trong tiến trình bảo vệ Ukraine sau cuộc chiến, đồng thời giúp Washington đánh giá mức độ cam kết của các đồng minh đối với sự ổn định của khu vực.
"Bức điện tín đặt ra một số câu hỏi chung, nhưng trọng tâm là thu thập các đề xuất cụ thể về cách thức châu Âu có thể đóng vai trò trung tâm trong việc bảo đảm an ninh cho Ukraine", một quan chức Mỹ cho biết.
Trong nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã mời một số nhà lãnh đạo châu Âu đến Paris để thảo luận về khả năng tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Cuộc họp này dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới.
Phản ứng của NATO và các nước châu Âu
Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh rằng bất kể yêu cầu của Mỹ là gì, châu Âu cũng cần chủ động xây dựng một chiến lược thống nhất. "Tôi nghe các nước châu Âu phàn nàn rằng họ không có vị trí ngay lập tức trên bàn đàm phán. Nhưng trước tiên, chúng ta cần tự tổ chức lại, tranh luận và làm rõ những gì châu Âu có thể đóng góp", ông Rutte nói.
Yêu cầu của Washington được đưa ra trước chuyến thăm châu Âu của Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine của chính quyền Trump. Chuyến công du này sẽ bắt đầu tại Brussels vào tuần tới.
Tại Hội nghị An ninh Munich, phái viên của ông Trump, Keith Kellogg, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian, Nga và Ukraine là hai bên chính trong đàm phán. Khi được hỏi về sự tham gia của châu Âu, ông cho rằng điều đó "khó có thể xảy ra", mặc dù ông trấn an rằng lợi ích của họ vẫn sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu không đồng ý với việc bị gạt ra ngoài.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb khẳng định không thể đàm phán về Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu và kêu gọi khu vực này hành động mạnh mẽ hơn thay vì chỉ lên tiếng phản đối.
Châu Âu đang xem xét cách phản ứng với tình hình. Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi các nước châu Âu đưa ra các đề xuất cụ thể thay vì chỉ phàn nàn về việc bị loại khỏi đàm phán. Trong khi đó, Pháp và Ba Lan đang thúc đẩy tổ chức các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo châu Âu để bàn thảo về cách thức hỗ trợ Ukraine. Mỹ cũng đang tìm cách tập trung các cuộc đàm phán vào vấn đề nhượng bộ lãnh thổ và kiểm soát doanh thu dầu mỏ của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong một bài phát biểu, nhấn mạnh rằng châu Âu không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ và cần thành lập một đội quân chung để đảm bảo an ninh khu vực. Ông cũng khẳng định Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được thực hiện mà không có sự tham gia của nước này. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu vẫn do dự với ý tưởng về một lực lượng quân sự riêng, cho rằng NATO đã đảm nhiệm vai trò này.
Dù vậy, một số dấu hiệu tích cực cho hợp tác vẫn xuất hiện khi các bộ trưởng ngoại giao G7, gồm cả Mỹ, đã thống nhất cam kết tiếp tục làm việc để đạt được một thỏa thuận hòa bình bền vững cho Ukraine, với các đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ các đồng minh.
Vai trò thực sự của ông Keith Kellogg
Keith Kellogg, một trong những cố vấn an ninh quốc gia thân cận của Tổng thống Trump, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng một giải pháp an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, ông không nằm trong danh sách 4 đại diện Mỹ tham gia đàm phán trực tiếp với Nga, điều này khiến các quan chức châu Âu và Ukraine đặt câu hỏi về vai trò thực sự của ông trong tiến trình hòa bình.
Tại Hội nghị An ninh Munich, ông Kellogg khẳng định rằng các cuộc thảo luận là "quá trình hai chiều" và ông vẫn đang tiếp tục trao đổi với các quốc gia châu Âu.
Một quan chức Mỹ nhấn mạnh: "Ông ấy không chỉ là một phần của nhóm như Nhà Trắng tuyên bố. Lịch trình ngoại giao của ông ấy tại Munich, Brussels và chuyến thăm sắp tới tới Kyiv cho thấy ông vẫn giữ vai trò quan trọng trong tiến trình này".
"Kellogg tập trung vào cách châu Âu có thể bảo đảm an ninh cho Ukraine, thay vì những nhượng bộ tài chính từ Kyiv. Điều này khiến Nga không mấy quan tâm đến việc đối thoại với ông ấy", một quan chức phương Tây cho biết:
Financial Times dẫn 3 nguồn thạo tin từ Nga tiết lộ Điện Kremlin đang tập trung vào các nhân vật có mối liên hệ trực tiếp hơn với ông Trump, như Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên về Trung Đông Stephen Witkoff. Điều này khiến Moscow coi vai trò của Kellogg mang tính nghi lễ hơn.
Một cựu quan chức cấp cao của Điện Kremlin bình luận: "Nếu ông ấy là đặc phái viên, ông ấy nên xây dựng quan hệ ngay lập tức với cả Nga và Ukraine. Witkoff đã thể hiện sự nhạy bén hơn trong việc này".
Dù vai trò của Kellogg vẫn còn gây tranh cãi, các quan chức phương Tây nhận định rằng ông vẫn có thể đóng góp quan trọng vào tiến trình hòa bình. Một quan chức NATO nhận xét: "Một số lãnh đạo châu Âu không coi trọng Kellogg, nhưng điều đó có thể là sai lầm. Ông ấy vẫn có khả năng ảnh hưởng đến tiến trình này".