Việc một số địa phương hai thác triệt để, kiệt quệ quỹ đất để đưa ra bán đấu giá đã gây ra không ít hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là đất đai tập trung vào tay một số ít người, trong khi đa số lại thiếu đất ở, đất sản xuất.

Chỉ cho thuê có thời hạn, không nên bán đất công

ThS Phạm Văn Chung - CTV của bác Xuyên | 11/05/2018, 10:33

Việc một số địa phương hai thác triệt để, kiệt quệ quỹ đất để đưa ra bán đấu giá đã gây ra không ít hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là đất đai tập trung vào tay một số ít người, trong khi đa số lại thiếu đất ở, đất sản xuất.

Đất đai là tài nguyên có hạn, lại có giá trị rất lớn nên việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất cần hết sức thận trọng, chặt chẽ. Nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý đất đai là hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đồng thời phải phát huy hiệu quả của tài nguyên đất, nhất là đất công.

Theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền tạo quỹ đất để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, thực chất là “bán” đứt cho cá nhân, tổ chức sử dụng lâu dài. Việc đấu giá đất mục đích là tăng thu ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện quản lý, sử dụng đất tốt hơn, hiệu quả hơn...

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương, nhất là ở khu vực thành phố, đô thị đã lợi dụng chủ trương được quyền bán đấu giá đất thu ngân sách để bán đất một cách tràn lan. Đặc biệt không ít trường hợp biến đất công thành đất tư qua việc cấu kết, thông đồng để bán, chuyển nhượng với giá “bèo”, rẻ mạt thấp hơn giá thị trường hàng chục, hàng trăm lần gây thất thoát tài sản nhà nước, bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó là việclợi dụng quyền được thu hồi đất theo Điều 62 luật Đất đai năm 2013 để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích công cộng mà một số nơi đã thu hồi đất của người dân một cách tùy tiện, bất hợp lý. Tình trạng thu hồi đất, sau đó lấy lý do sử dụng không hết, thay đổi quy hoạch để phân lô, bán nền ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân đã gây khiếu kiến phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương.

Đặc biệt, để tăng thu ngân sách hoặc thực hiện chủ trương “đổi đất lấy công trình”, cơ sở hạ tầng, một số địa phương đã khai thác triệt để, kiệt quệ quỹ đất để đưa ra bán đấu giá. Điều này đã gây ra không ít hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là đất đai tập trung vào tay một số ít người, trong khi đa số lại thiếu đất ở, đất sản xuất. Thậm chí, việc đưa ra đấu giá ồ ạt, đấu giá theo kiểu “lấy được”, theo kế hoạch ngân sách, năm công tác... nên nhiều mảnh đất được đấu giá với mức thấp so với thực tế, chưa hợp lý.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành cho thuê đất công thay vì bán đứt cho cá nhân, tổ chức tràn lan, ồ ạt như hiện nay. Bởi vì, khi dân số tăng lên, kinh tế - xã hội phát triển cần có quỹ đất đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, vui chơi giải trí, giao thông, cơ sở hạ tầng... Mặt khác, khi cần thiết phải thu hồi, giải tỏa để phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển hạ tầng công cộng cũng dễ dàng, đơn giản hơn, lại không phải bồi thường với giá cao và không nhận được đồng thuận của người dân...

Vì vậy, giải pháp tối ưu là Nhà nước chỉ nên cho thuê đất có thời hạn chứ không bán đất công, nhất là ở khu vực đô thị đất đai khan hiếm. Như vậy, vừa không làm giảm đi quỹ đất hiện có mà vẫn có được nguồn thu ngân sách, đất vẫn được sử dụng hiệu quả, không lãng phí.

Điều này sẽ hạn chế triệt để tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, đất đai tập trong vào tay một số người giàu có; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai khá nghiêm trọng như thời gian qua.

ThS.Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ cho thuê có thời hạn, không nên bán đất công