Đặng Lệ Quân là một ca sĩ Đài Loan và là một trong “5 diva châu Á tuyệt vời” của những năm 1970 và những năm 1980, cùng với Ông Thiến Ngọc (Judy Ongg), Trần Mỹ Linh (Agnes Chan), Âu Dương Phi Phi (Ou-Yang FeiFei) và Vưu Nhã (Yu Yar).
Đặng Lệ Quân sinh ngày 29.1.1953 và không may mất khi chỉ 42 tuổi, vào ngày 8.5.1995, lên cơn hen suyễn trong khi đi nghỉ mát ở Thái Lan. Cô vẫn là một trong những ca sĩ thành công nhất trong giới nói tiếng Quan Thoại. Đặng Lệ Quân sinh ra trong một gia đình nhập cư, một trong nhiều gia đình định cư ở Đài Loan sau thất bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc. Tiếng hát của cô đã đem đến cho cô nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tài năng từ khi còn nhỏ và cô nghỉ học sớm để trở thành ngôi sao nhạc pop.
Đặng Lệ Quân trong những năm 1970
Chất giọng của Đặng Lệ Quân phù hợp với các bài hát dân gian cổ điển và những bản ballad đương đại, ngọt ngào nhưng mạnh mẽ. Phong cách của cô cũng phản ánh đặc tính xuyên quốc gia. Cô hát những bài hát dân ca truyền thống với sự hòa âm của phong cách phương Tây. Nhiều bài hát bằng tiếng Quan Thoại của Đặng Lệ Quân được dịch từ những bài hát có tiếng của Nhật Bản.
Cô cũng thu âm các bài hát bằng tiếng Phúc Kiến Đài Loan, Quảng Châu, Nhật Bản, Indonesia và Anh; một cách tiếp cận đa ngôn ngữ đã góp phần rất lớn cho việc mở rộng đối tượng khản giả của cô. Đặng Lệ Quân vốn nổi tiếng khắp Đông Nam Á và danh tiếng của cô lan đến Trung Quốc trong những năm 1970 và 1980 dù bị kiểm duyệt. Là con của gia đình quân đội, cô thường biểu diễn cho quân đội và nổi tiếng là “người yêu của lính”.
Một trong những bài hát thịnh hành nhất của Đặng Lệ Quân là Ánh trăng nói hộ lòng tôi, lần đầu tiên được ca sĩ Đài Loan Trần Phân Lan thu âm vào năm 1973. Khi Đặng Lệ Quân tái thể hiện bài hát vào năm 1977 và trình làng ca khúc như một phần trong album, bài hát thành công rực rỡ và kể từ đó, được nhiều ca sĩ Hoa ngữ và quốc tế hát lại.
Em chỉ quan tâm anh cũng thành công, lần đầu tiên được ra mắt bằng tiếng Nhật Bản vào năm 1986 và bằng tiếng Quan Thoại một năm sau đó, năm 1987.
Sự thịnh hành và tầm quan trọng của bài hát này đã được chứng minh khi nó thường được các nghệ sĩ thế hệ sau hát lại. Nghệ sĩ nhạc rap Đài Loan MC HotDog đã đưa một đoạn Em chỉ quan tâm anh vào bài hát thành công của anh Women 27 năm 2015.
Đặng Lệ Quân hát tại một doanh trại vào năm 1981
Tuy nhiên, sự mến mộ Đặng Lệ Quân có phần bị cản trở do bị kiểm duyệt. Bài Ngày nào anh trở lại 何日君再來 bị cấm ở Đài Loan từ năm 1964 cho đến năm 1988 thì được hát lại vì các nhà chức trách xem cụm từ ri jun (日君), nghĩa là nhật quân, âm Hán Việt nhật có nghĩa là ngày nhưng Nhật Bản (日本) cũng là Nhật, quân có nghĩa là quân tử (君), đồng âm với chữ quân trong quân đội (軍). Cụm từ ri jun (日君) nghĩa là "ngày, anh" đồng âm với rijun (日軍), quân đội Nhật Bản. Âm nhạc của cô cũng bị cấm tại Trung Quốc đại lục và bị lên án là “suy đồi”, “tư sản” và “khiêu dâm”.
Cái chết của Đặng Lệ Quân vào năm 1995 ít ảnh hưởng đến danh tiếng của cô. Để đáp ứng người hâm mộ cô, gia đình cô đã thành lập Công viên tưởng niệm Đặng Lệ Quân, nơi người ta vẫn dâng hoa và tỏ lòng thành kính cô cho đến ngày nay. Các bài hát của cô được nhiều ca sĩ hát lại và có mặt trong các bộ phim khác nhau.
Một vở nhạc kịch về cuộc đời cô được trình diễn lần đầu tiên ở Hong Kong và sau đó là ở Singapore và Anh. Năm 2013, Đặng Lệ Quân được “hồi sinh” ngắn gọn trong một chương trình âm nhạc của Châu Kiệt Luân nơi cô xuất hiện như ảnh ảo 3 chiều và hát 3 bài hát với Châu Kiệt Luân. Năm 2013, Bảo tàng Madame Tussauds Hong Kong tôn vinh Đặng Lệ Quân với một tượng sáp được tái thiết kế hoàn toàn mới.
5 năm sau đó, Google Doodle kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 của Đặng Lệ Quân. Câu chuyện cuộc đời cô là chủ đề của nhiều chương trình truyền hình, gần đây nhất là Chỉ có em: Đặng Lệ Quân, được phát sóng vào tháng 5.2019 và nhận được nhiều sự tán thành.
Trong bộ phim Hong Kong Điềm mật mật (1996), do Trương Mạn Ngọc và Lê Minh thủ vai chính, có một dòng chữ, “Bất cứ ở đâu có người Hoa, thì ở đó có tiếng hát của Đặng Lệ Quân”
Dưới đây là 5 bài hát thịnh hành nhất của Đặng Lệ Quân
1. Ánh trăng nói hộ lòng tôi
Hầu hết người Hoa đều thuộc lòng bản ballad tình yêu này. Bài hát, do nhạc sĩ Đài Loan Ông Thanh Khê viết, được biểu diễn lần đầu tiên bởi một ca sĩ Đài Loan vào năm 1973. Khi Đặng Lệ Quân tái thể hiện bài hát vào năm 1977 và đưa nó vào album của cô, nó thành công vang dội. Các ngôi sao Hoa ngữ và quốc tế, trong đó có Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương, Hayley Westenra và Katherine Jenkins đều hát lại bài này.
2. Ngọt ngào
Là nét đặc biệt trong album cùng tên năm 1979, ca khúc là phiên bản của bài hát dân ca Indonesia Dayung Sampan. Bài hát sau này được dùng là bài hát chủ đề của bộ phim Điềm mật mật.
3. Em chỉ quan tâm anh
Đặng Lệ Quân trình làng bài hát này bằng tiếng Nhật Bản, do Miki Takashi và Araki Toyohisa viết lời, ở Nhật Bản vào năm 1986. Nó giữ vị trí số 6 trên bảng xếp hạng nhạc pop Nhật Bản Oricon. Năm 1987, Đặng Lệ Quân cho ra mắt phiên bản bằng tiếng Quan Thoại và nó thành công rực rỡ. Vương Phi, Lương Vịnh Kỳ, Bành Linh và Lâm Hựu Gia đều hát lại bài này, nghệ sĩ nhạc rap Đài Loan MC HotDog đã đưa một đoạn trong Em chỉ quan tâm anh vào một trong những ca khúc thành công của anh.
Đặng Lệ Quân tại phi trường Kai Tak, Hong Kong vào năm 1980
4. Nguyện người dài lâu
Với những đoạn trích từ một bài thơ của nhà thơ Tô Thức nhà Tống và âm nhạc được nhạc sĩ Đài Loan Vincent Liang soạn, bài hát được ra mắt vào năm 1983. Vương Phi hát lại ca khúc trong album của cô, Decadent Sound of Faye, nhằm tỏ lòng thành kính Đặng Lệ Quân, ca sĩ yêu thích của cô, vào năm 1995. Bài hát cũng trở thành một trong những bài hát cổ điển của Vương Phi.
5. Tạm biệt người yêu
Đây là một trong những ca khúc thành công trong giai đoạn đầu trong sự nghiệp của Đặng Lệ Quân. Bài hát tình yêu lần đầu tiên được giới thiệu trong album tiếng Nhật Bản của Đặng Lệ Quân vào năm 1974. Bản gốc do ca sĩ kỳ cựu Nhật Bản Ann Lewis thể hiện. Đặng Lệ Quân trình làng phiên bản tiếng Hoa vào năm 1975, ca khúc mô tả tình trạng bơ vơ và nỗi buồn của hai người yêu nhau khi xa nhau. Đặng Lệ Quân nhiều lần rơi nước mắt khi đứng hát trên sân khấu.
Mê Linh (theo SCMP, Taiwan Insight)