Nếu là ‘fan trung thành’ của thể loại phim kinh dị, và đã quá quen với những tên tuổi lớn như John Carpenter, Dario Argento, Alfred Hitchcock hay Val Lewton, có lẽ bạn sẽ muốn thưởng thức thứ gì đó mới mẻ hơn trong mùa lễ Halloween năm nay.

Những bộ phim kinh dị ‘độc-lạ’ đáng xem trong mùa Halloween

30/10/2019, 08:20

Nếu là ‘fan trung thành’ của thể loại phim kinh dị, và đã quá quen với những tên tuổi lớn như John Carpenter, Dario Argento, Alfred Hitchcock hay Val Lewton, có lẽ bạn sẽ muốn thưởng thức thứ gì đó mới mẻ hơn trong mùa lễ Halloween năm nay.

Một vài tác phẩm lý thú dưới đây phản ánh nỗi sợ hãi theo cách thật khác lạ, nhờ kịch bản dị biệt, lối dựng phim ấn tượng cùng diễn xuất đáng nhớ của nhiều nghệ sĩ tài năng. Ít nhất, ở khía cạnh giải trí, chúng có thể khiến bạn khó rời mắt khỏi màn ảnh.

The Black Pit of Dr.M (1959)

The Black Pit of Dr.M in đậm dấu ấn series phim kỳ ảo nổi tiếng The Twilight Zone. Tất cả tình tiết giật gân được tập hợp trong dự án có một không hai mang màu sắc siêu thực.

Tiến sĩ Mazali (Rafael Bertrand) dò hỏi người đồng nghiệp đang hấp hối một phương thức để du hành đến thế giới bên kia , và trở về tường thuật lại cuộc hành trình. Yêu cầu dường như quá khó đáp ứng, nhưng khi qua đời, linh hồn nhà khoa học đã sắp xếp tạo nên một chuỗi sự kiện dị thường, biến lời thỉnh cầu ghê rợn trên thành sự thật. Những nhân vật tiến sĩ M gặp gỡ tiếp sau giúp trả lời mọi câu hỏi ông có xoay quanh sự sống lẫn cõi chết. Tuy nhiên, cái giá phải trả là gì?

Kịch bản phim tựa vòng xoắn ốc mà chính người xem có thể mường tượng trước kết cục bi thảm chờ đón nhân vật chính. Phong cách dựng cảnh khéo léo, khai thác tốt hiệu ứng ánh sáng, gợi nhớ đến những tác phẩm đầu tay của bậc thầy làm phim người Mỹ Orson Welles. Với độ dài 71 phút, \\The Black Pit of Dr.M phác họa một câu chuyện rùng rợn nhưng cũng hoàn thiện và nên thơ đến lạ.

Let’s Scare Jessica to Death (1971)

Mô tả nỗi trúc trắc nơi những bất ổn tâm lý, cảm nhận trói buộc vô hình của đời sống xã hội hiện đại, Let’s Scare Jessica to Death là biểu trưng thú vị cho dòng phim kinh dị điển hình thập niên 1970, với nhóm nhân vật đa sắc thái, tinh thần giải phóng phụ nữ, kỷ nguyên LSD (trào lưu sử dụng thuốc lắc) cùng cảnh quang ngoại ô tuyệt đẹp.

Minh tinh Zohra Lampert vào vai Jessica, một phụ nữ tìm cách hồi phục chấn thương tinh thần kéo dài bằng việc chuyển đến sống cùng chồng và người bạn tại một hòn đảo hẻo lánh. Cô sớm nghi ngờ có gì đó rất bất ổn về chỗ ở mới, khi Jessica nhận ra hàng loạt ảo ảnh còn đang tiếp diễn trong đầu không đơn thuần xuất phát từ chứng bệnh tâm lý của cô.

Nếu nhiều tác phẩm kinh dị Hollywood ra đời vào thập niên 1970 tập trung khai thác những mảng tối đáng sợ trong tâm trí con người, Let’s Scare Jessica to Death là một đề cử phim đặc biệt huyền ảo, ghê rợn.

Seven Deaths in the Cat’s Eye (1973)

Ngôi sao gốc Anh Jane Birkin với mái tóc dài nâu đen óng ả như tơ, tương tự vai diễn Corringa, bà hóa thân trong dự án phim thần bí Seven Deaths in the Cat’s Eye. Corringa đến điều tra những sự việc kỳ lạ xảy ra bên trong biệt thự của người dì - mô tuýp kịch bản khá tiêu biểu ở thể loại phim giật gân kỳ ảo. Những âm mưu tinh vi, hận thù và chuỗi án mạng ám ảnh nối tiếp đều được quan sát bởi một con mèo lông vàng kỳ dị không kém từng nhân vật trên phim.

Không hẳn là một tác phẩm nổi bật vì yếu tố hù dọa , Seven Deaths in the Cat’s Eye tạo nên sức hút riêng thông qua lối dựng phim tài hoa, đậm nét mỹ cảm của Carlo Carlini, cùng bộ sưu tập nhạc nền được đầu tư biên soạn và thể hiện trau chuốt bởi cố nhạc sĩ gạo cội người Ý Riz Ortolani.

Messiah of Evil (1976)

Đây là dự án debut ấn tượng của biên kịch hãng Lucasfilm - Willard Huyck, tác gia từng đồng chấp bút cho bản phim Indiana Jones and the Temple of Doom ra mắt năm 1984. Người đẹp truyền hình Mariana Hill vào vai Arletty, cô gái lạnh lùng dấn thân vào cuộc truy tìm dấu vết người cha họa sĩ vừa biến mất bí ẩn.

Luôn tồn tại cảm nhận trầm lặng chết chóc ở Messiah of Evil , tựa cồn sóng cao đều nhịp vỗ bờ nhưng lại ngầm báo hiệu bão dữ. Không có hiệu ứng âm thanh, tiếng động gây kinh hãi. Mỗi nạn nhân chỉ thét lên đau đớn ngay trước lúc đối diện cái chết bất thình lình. Những thủ pháp dựng phim lạ lùng - kết hợp kỹ thuật nhiếp ảnh và mỹ thuật truyền thống, nhịp điệu câu chuyện chuyển tiếp khó ngờ, tạo ra một sản phẩm lôi cuốn hòa lẫn phong cách truyện kinh dị Lovecraft và dòng phim nghệ thuật kinh điển của tượng đài điện ảnh/ Michelangelo Antonioni.

Tourist Trap (1979)

Một nhóm thanh niên đến vùng thôn dã vui chơi, để rồi vô tình vướng phải cái bẫy rùng rợn của một thế lực siêu nhiên khó chịu. Cốt truyện quen thuộc đến mức hẳn bạn từng xem qua đâu đó trên truyền hình hay trước màn ảnh rộng. Do kịch bản tường chừng quá rập khuôn , Tourist Trap dễ bị nhầm lẫn như một dự án kinh dị giải trí thuần túy.

Thế nhưng nếu dành thời gian thưởng thức, bạn sẽ nhận ra, phim không chủ động hút mắt bằng cảnh nóng, khỏa thân hay chi tiết máu me vô nghĩa. Những phân đoạn sợ hãi ở Tourist Trap tạo cảm giác chân thật đến ngỡ ngàng, thể hiện sự chăm chút, tỉ mỉ để khai thác tốt hiệu ứng thị giác. Trong trường hợp này, lằn ranh hình ảnh con người và mannequins - chủ thể gây khiếp đãm trước ống kính - được khéo léo xòa mờ khi mạch phim tiến dần đến cao trào cùng một kết thúc ly kỳ.

Creature (1985)

Sau thành công của phần mở đầu series đình đám ‘Alien’, phát hành đầu thập niên 1980, đã có vô số ‘bản sao’, phần lớn không được đánh giá cao, ăn theo nội dung tác phẩm. ‘Creature’ của đạo diễn William Malone, tuy nhiên, là một trường hợp dị biệt thú vị.

Loạt phân đoạn ngoài không gian được dàn dựng chỉn chu, đi cùng thiết kế phục trang bắt mắt và diễn xuất nổi bật, có chiều sâu của dàn nhân vật chính, cho thấy nỗ lực làm phim đáng trân trọng, đặc biệt ở thể loại điện ảnh vốn thường bị gộp vào dòng phim hạng B thiếu đầu tư.

After Midnight (1989)

Những tác phẩm phim bộ ba (3 phim ngắn xuất hiện tiếp nối trong cùng một dự án điện ảnh, thường do một hay nhiều đạo diễn dàn dựng) có thể tìm thấy đầy rẫy trong thể loại kinh dị, dù không nhận về nhiều sự hưởng ứng. Đa số chúng thiếu liên kết nội dung, sở hữu cốt truyện khá ‘hời hợt’, dễ đoán. Một số ít, chẳng hạn như ‘After Midnight’, dẫu vậy, vẫn đủ khả năng lôi kéo khán giả nhờ series kịch bản sống động, được dàn trải phù hợp cho một tác phẩm kinh dị giải trí.

Ramy Zada vào vai giáo sư tâm lý học Derek, người với lối hành xử lập dị, mời nhóm sinh viên cùng khoa đến nhà trong một đêm ‘kể chuyện kinh dị’. Ba truyền thuyết chốn thành thị gây kinh sợ kết thúc bằng sự sửng sốt của chính những người lắng nghe chúng khi một chuyện bất trắc tương tự xảy đến.

The Oregonian (2011)

Tác phẩm được mô tả như ‘cơn ác mộng phi thực’ này có thể gây ngạc nhiên cho những ai hâm mộ phong cách làm phim kinh dị kỳ ảo của đạo diễn thiên tài David Lynch, Alejandro Jodorowsky, hay Edward D.Wood. ‘The Oregonian’ theo chân một phụ nữ trẻ (Lindsay Pulsipher) trong chuyến đi băng rừng ‘để đời’, khi cô bất đắc dĩ chạm trán hàng loạt nhân vật lạ thường, mà nổi bật là gã đàn ông mặc trang phục ếch xanh không ngừng đeo bám cô.

Không ‘viện’ đến cảnh sex hoặc bạo lực thô thiển, tác phẩm của nhà làm phim, biên kịch táo bạo Calvin Reeder phác họa một câu chuyện kỳ quặc, khó quên và đáng sợ theo cách cũng thật dị biệt.

Như Ý (theo SlantMagazine)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
38 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bộ phim kinh dị ‘độc-lạ’ đáng xem trong mùa Halloween