Kể từ ngày 8.2.2016, chỉ những ngân hàng có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định mới được thành lập công ty tài chính.

Chỉ ngân hàng mạnh mới được thành lập công ty tài chính

Một Thế Giới | 31/12/2015, 10:33

Kể từ ngày 8.2.2016, chỉ những ngân hàng có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định mới được thành lập công ty tài chính.

Ngày 25.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định về việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng (bao gồm công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
Phải có tổng tài sản trên 100.000 tỉ đồng
Theo thông tư này, để tham gia là cổ đông sáng lập của TCTD phi ngân hàng cổ phần, nếu là doanh nghiệp Việt Nam thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỉ đồng và tổng tài sản tối thiểu phải có là 1.000 tỉ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ và phải tuân thủ việc góp vốn theo quy định của pháp luật liên quan.
Trong khi đó, nếu cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện là có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, ngân hàng này không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN trong năm liền kề trước năm nộp hồ xin cấp giấy phép. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập TCTD phi ngân hàng và không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 2 năm trước liền kề.
Để tham gia làm thành viên sáng lập TCTD phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn, nếu là doanh nghiệp Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỉ đồng và tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỉ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ.
Đối với các TCTD nước ngoài, để tham gia làm thành viên sáng lập công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các ngân hàng này phải kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp giấy phép. Đồng thời, có tổng tài sản trên 10 tỉ USD vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép…
Đáng chú ý, thông tư cũng quy định rõ các TCTD nào không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của TCTD khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Được biết, thời gian hoạt động của các công ty tài chính, cho thuê tài chính theo quy định này có thời hạn hoạt động tối đa là 50 năm. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 8.2.2016.
Cuộc chơi của các "ông lớn"
Theo quy định trên, sẽ có khoảng 20 ngân hàng không đủ điều kiện thành lập công ty tài chính do tổng tài sản không đủ 100.000 tỉ đồng.
Cụ thể, các ngân hàng như TPBank, Bắc Á, VietBank, SeABank, Đông Á, Saigonbank, BaoVietBank, Kienlongbank, VIB, VietCapitalBank, Nam Á, Việt Á, NCB, OCB, An Bình, PVcom Bank, HD Bank và 3 ngân hàng 0 đồng CB Bank, Ocean Bank, GP Bank.
Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã và đang có ý định mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đơn cử, gần đây nhất, ngày 4.12.2015, NHNN đã có văn bản chấp thuận Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC) và chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty này thành Công ty TNHH một thành viên do Maritime Bank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trong khi đó, vào mùa đại hội cổ đông năm 2015, hàng loạt ngân hàng xin ý kiến cổ đông thành lập công ty tài chính, như BIDV xin kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng với 3 phương án là mua lại một công ty tài chính đang hoạt động, hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành công ty tài chính tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện được 2 phương án trên, BIDV sẽ thành lập mới công ty tài chính.
Vietin Bank với kế hoạch sáp nhập PG Bank, Vietin Bank sẽ chuyển một phần PG Bank thành Công ty Tài chính PG Finance. Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến thành lập công ty tài chính với mô hình hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán…
Như vậy, việc thông tư này quy định các ngân hàng thương mại Việt Nam nếu muốn thành lập công ty tài chính phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng sẽ loại không ít ngân hàng nhỏ ra khỏi “sân chơi” này.
Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ ngân hàng mạnh mới được thành lập công ty tài chính