Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC), năm 2016, sức ép lên tỷ giá  sẽ mạnh hơn 2015. Do đó, đòi hỏi cần có chính sách linh hoạt, thận trọng.

Năm 2016, sức ép lên tỷ giá sẽ mạnh hơn

Một Thế Giới | 29/12/2015, 17:45

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC), năm 2016, sức ép lên tỷ giá  sẽ mạnh hơn 2015. Do đó, đòi hỏi cần có chính sách linh hoạt, thận trọng.

Ngày 28.12, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế 2016.
Lạm phát ở mức 3%
Trong báo cáo này, UBGSTC dự báo năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2015, ở khoảng 3% và thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, lạm phát ở mức 0,6% - đây là mức thấp nhất kể từ năm 2001. Với mức 0,6% này, UBGSTC cho rằng lạm phát thấp trong năm 2015 không phản ánh tổng cầu yếu khi tiêu dùng gia tăng do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Giá thế giới giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng trong nước, khiến lạm phát (tổng thể) thấp hơn lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản năm 2015 ở mức 2%, cao hơn 1,4% so với lạm phát. Đồng thời, giá thế giới giảm cũng làm giảm chi.
Sức ép lên tỷ giá sẽ mạnh hơn
UBGSTC đánh giá, bước sang 2016, cán cân thanh toán của Việt Nam có một số thuận lợi.
Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) dự báo tăng từ 13,2 tỉ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỉ USD trong năm 2016. Trong khi đó, đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016 do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Không những vậy, đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tăng do tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng lên theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và hoạt động M&A được đẩy mạnh.
Kiều hối được dự báo sẽ đạt 14 tỉ USD trong năm 2016. Thêm vào đó, việc Chính phủ có kế hoạch phát hành 3 tỉ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế cũng là yếu tố thuận lợi.
Mặc dù cán cân thanh toán được đánh giá thuận lợi, song vẫn có những yếu tố không thuận lợi như việc nhập siêu tăng do đầu tư tăng, làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, trong khi tăng trưởng cải thiện làm tăng sức mua của người dân đối với hàng nhập khẩu. Do đó, UBGSTC dự báo, nhập siêu ở mức 4 tỉ USD, tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỉ USD ước cho năm 2015.
Trong khi đó, xu hướng mất giá của đồng tiền các nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.
UBGSTC dự báo, năm 2016, sức ép đối với tỷ giá phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng.
Khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế
Trong báo cáo này, UBGSTC nhận định năm 2016, lãi suất sẽ chịu sức ép từ nhiều yếu tố.
Cụ thể, lạm phát tăng làm tăng kỳ vọng của người dân, qua đó gây áp lực làm tăng lãi suất huy động. Thứ hai là cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành TPCP không giảm. Ba là xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới làm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ. Xu hướng này hạn chế khả năng giảm lãi suất của NHNN để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá. Cuối cùng là nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Với các yếu tố trên, UBGSTC đánh giá năm 2016, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cải thiện nhưng với mức độ cải thiện thấp hơn năm 2015 và đạt mức 6,7-6,8%. Kinh tế vĩ mô có điều kiện tiếp tục duy trì ổn định với lạm phát trong khoảng 2-3%, tạo dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá. Tuy nhiên, chính sách ổn định kinh tế vẫn cần đề phòng các áp lực từ môi trường kinh tế thế giới đối với lãi suất và tỷ giá, cũng như áp lực từ gia tăng nợ công trong nước.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2016, sức ép lên tỷ giá sẽ mạnh hơn