Bị tòa tuyên buộc phải trả phần đất ruộng bị lấn chiếm, vợ chồng bà Hồng căm tức, phá lúa chủ đất cho bõ ghét!

Chiếm đất không được thì… phá ruộng lúa!

Một Thế Giới | 02/12/2015, 11:01

Bị tòa tuyên buộc phải trả phần đất ruộng bị lấn chiếm, vợ chồng bà Hồng căm tức, phá lúa chủ đất cho bõ ghét!

Thấy đất là… chiếm

Theo trình bày của ông Đỗ Văn Trung (SN 1980), ngụ tại ấp Lao Vên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: Ngày 22.3.2012, ông tham gia đấu giá mua tài sản do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Đề bán là số đất ruộng diện tích 25.000m2 tại ấp Lao Vên với giá 676 triệu đồng. Diện tích đất này vốn là của bà Lý Thị Duông (ngụ cùng địa phương) bị phát bán đấu giá.

Thực hiện xong hợp đồng mua bán, ông Trung được UBND huyện Trần Đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất nói trên. Sau đó, vì nghèo khó, bà Duông xin ông Trung nhượng lại cho bà 5.000m2 để sinh sống và được ông Trung đồng ý. Như vậy ông Trung còn lại 20.000m2.

Tháng 9.2012, khi ông Trung đang quản lý, sử dụng diện tích đất nói trên thì vợ chồng ông Võ Xuân Lộc và bà Trịnh Thị Cẩm Hồng (ngụ cùng địa phương) ngang nhiên vào chiếm dụng khoảng 13.000m2 đất của ông Trung, với lý do đất này họ mua của… bà Duông (nhưng không có giấy tờ chứng minh). Thấy hai người trên dễ dàng chiếm đất ông Trung, nên bà Duông cũng chiếm luôn 7.000m2 còn lại với lý do đất gốc của là bà ta, dù trước đó ông Trung đã tử tế cho bà 5.000m2.

Phát hiện, ông Trung khởi kiện đến TAND huyện Trần Đề. Ngày 17.11.2014, TAND huyện Trần Đề xét xử, tuyên buộc ông Võ Xuân Lộc, bà Trịnh Thị Cẩm Hồng phải có trách nhiệm giao trả 13.000m2 đất cho ông Trung; bà Lý Thị Duông phải trả cho ông Trung 7.000m2. Đồng thời tòa cũng tuyên buộc vợ chồng ông Lộc, bà Hồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Trung sối tiền 43.987.000đ; bà Lý Thị Duông phải bồi thường cho ông Trung 23.625.000đ.

Ông Lộc, bà Hồng và bà Duông kháng cáo bản án. Ngày 14.4.2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm và tuyên không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Trần Đề.

Ngày 30.10.2015, cơ quan Thi hành án dân sự huyện Trần Đề đã tiến hành cưỡng chế buộc ông Lộc- bà Hồng giao đất cho ông Trung. Tiếp đó, ngày 13.11.2015, tiếp tục cưỡng chế buộc bà Duông giao đất cho ông Trung.

Chiếm không được thì phá

Ông Trung bức xúc cho biết: “Sau khi nhận đất do cơ quan chức năng bàn giao, ngày 1.11, tôi xuống giống lúa thì bị ông Lộc và bà Hồng ra phá hoại bằng cách đưa máy ngang nhiên ra trục, khiến 13.000m2 đất đã xuống giống của tôi bị hư hoàn toàn, thiệt hại khoảng gần 10 triệu đồng. Sau đó, tôi lại xuống giống thì phía bà Hồng tìm cách không cho tôi bơm nước vào ruộng. Hiện nay lúa tôi sạ được 17 ngày nhưng không có nước nên bị chết rất nhiều”.

Theo ông Trung, thì trước đây bà Hồng đã mua đứt mương nước (rộng khoảng 1m, tính luôn bờ là khoảng 2m - PV) của một người dân, chạy sát ruộng ông Trung, mục đích không cho ông lấy nước vào ruộng. Thấy tình cảnh khốn khó của ông Trung, 1 người dân gần đó đã cho ông Trung bơm nước từ kênh thủy lợi vào ruộng của hộ này, sau đó bơm chuyển tiếp vào ruộng của ông Trung. Nhưng rồi không thể được, vì ruộng của hộ dân này cũng nằm sát mương nước bà Hồng vừa mua, nên bà này không cho ông Trung đặt ống nước vắt qua mương nhà bà.

chiem dat, TAND, lua chet kho 
Mương nước này cũng bị người chiếm đất mua để làm khó chủ ruộng
Ông Dương Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Viên Bình cho biết: “Sự việc xảy ra như ông Trung trình bày là có. Chúng tôi đã mời cả hai bên lên để hòa giải nhưng không thành khiến cho phía ông Trung bức xúc vì thiệt hại trước mắt là quá rõ. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mời bà Hồng lên làm việc, nếu không xong sẽ chuyển hồ sơ lên cấp trên”.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch UBND xã Viên Bình nói thẳng: “Lúa của ông Trung bị hư vì không có nước chúng tôi cũng xót xa lắm nhưng mương nước thuộc chủ quyền của bà Hồng nên bà ta có cho ông Trung gác ống nước qua mương hay không là quyền của bà ta, chính quyền không thể can thiệp, kể cả việc ông Trung cho ống nước đi trên không gian đó cũng là không gian nằm trên đất của bà Hồng. Dù chúng tôi cũng khẳng định việc ông Trung gác ống nước qua mương của bà Hồng không hề ảnh hưởng hay hư hại gì tới lúa của bà Hồng. Nhưng pháp luật không có quy định nào về việc xử lý không cho gác đường ống nước qua mương cả”.

Trao đổi với PV, ông Ngô Hùng, Bí thư Huyện ủy Trần Đề, nhấn mạnh: “Không có lý do gì ngăn cản ông Trung đưa nước vào ruộng khi việc đặt ống nước không ảnh hưởng gì, không gây thiệt hại gì cho bà Hồng. Chính quyền nói không thể can thiệp là không đúng, không thỏa đáng. Tôi sẽ cho kiểm tra và giải quyết ngay”.

Nhưng ngày 30.11 và 1.12, ông Trung tiếp tục vào bơm nước thì bị phía người nhà của bà Hồng ra ngăn cản, tắt máy bơm, vứt bỏ ống nước không cho bơm. Quá bức xúc, ông Trung đến Phòng Tiếp công dân huyện Trần Đề kêu cứu thì được 1 cán bộ tiếp dân hướng dẫn: “Khởi kiện ra tòa án để được giải quyết”.

Một người dân ở địa phương cho biết: “Gia đình bà Hồng là đại gia, kinh doanh vật tư nông nghiệp nên nhiều tiền, có thể vì vậy mà hành vi của gia đình bà này không ai dám xử lý? Chúng tôi khẳng định, bà Hồng dùng chiêu không cho đưa nước vào ruộng không ngoài mục đích ép cho gia đình ông Trung lâm vào thế khó phải bán ruộng với giá rẻ thì bà Hồng sẽ mua chứ không ai dám mua, bởi mương nước đã bị bà ta mua đứt rồi”.

Bà Lê Thị Thu Hằng (vợ ông Trung) chỉ vào ruộng lúa chết “khát” nói trong nước mắt: “Nông dân chúng tôi sống nhờ cây lúa, vậy mà 6 vụ vừa qua gia đình tôi không sản xuất được vì bị vợ chồng ông Lộc, bà Hồng và bà Duông chiếm đoạt mà không ai dám làm gì họ. Tòa tuyên buộc phải bồi thường cho gia đình tôi nhưng cho đến nay họ không bồi thường vẫn không ai làm gì họ cả. Nay ruộng của chúng tôi lúa chết vì không có nước mà chưa ai can thiệp cả”.

Trước tình hình căng thẳng đó, ngày 2/12, ông Ngô Hùng cho biết: “Huyện ủy đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu chính quyền địa phương phải có biện pháp giải quyết dứt điểm, không thể để nông dân khóc vì lúa chết do không có nước như vậy. Chúng tôi đã lập tổ công tác do 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn xã Viên Bình xuống làm việc để tháo gỡ cho gia đình ông Trung”.

Một cán bộ Công an huyện Trần Đề cũng cho biết công an huyện đang tiến hành điều tra xử lý vụ “hủy hoại tài sản” đối với những người đã làm thiệt hại diện tích lúa đã xuống giống của ông Trung.

Sóc Trăng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếm đất không được thì… phá ruộng lúa!