Một người nhập cảnh dù đã hoàn thành 21 ngày kiểm dịch nhưng vẫn bị xác định có thể là nguồn gây bùng phát đợt dịch bệnh mới. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chiến lược zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Chiến lược chống COVID-19 bằng phong tỏa của Trung Quốc khó duy trì lâu dài trước Delta

Anh Tú | 14/09/2021, 10:00

Một người nhập cảnh dù đã hoàn thành 21 ngày kiểm dịch nhưng vẫn bị xác định có thể là nguồn gây bùng phát đợt dịch bệnh mới. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chiến lược zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Đợt bùng phát mới ở tỉnh Phúc Kiến đã khiến hơn 60 người bị nhiễm bệnh, trong đó có 15 học sinh tiểu học. Đáng chú ý, đợt bùng phát mới xuất hiện chỉ hai tuần sau khi Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát coronavirus được coi là tồi tệ nhất trong hơn một năm. Điều này làm nổi bật thách thức ngày càng tăng do biến thể Delta rất dễ lây lan - ngay cả đối với một quốc gia có các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nhất, sâu rộng nhất thế giới.

Các ca nhiễm mới nhất lần đầu tiên được phát hiện ở hai anh em học sinh trong một cuộc kiểm tra COVID định kỳ tại một trường tiểu học ở huyện Tiên Du (thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến), hôm 7.9. Một học sinh khác và ba phụ huynh cũng có kết quả dương tính vào ngày hôm sau.

Theo giới chức y tế, một nam phụ huynh mới trở về từ Singapore - có khả năng là nguồn bùng phát dịch bệnh, mặc dù người đàn ông này đã hoàn thành đợt kiểm dịch kéo dài khi về Trung Quốc.

Người đàn ông nhập cảnh thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, vào ngày 4.8, nơi anh ta trải qua 14 ngày kiểm dịch bắt buộc tại khách sạn. Sau đó, anh ta đã trải qua thêm 7 ngày nữa trong điều kiện cách ly tập trung tại một địa điểm được chỉ định ở huyện Tiên Du, trước khi trở về nhà để theo dõi sức khỏe thêm một tuần nữa.

Anh ta đã xét nghiệm âm tính 9 lần trong 21 ngày cách ly, trước khi xét nghiệm dương tính vào 10.9 - 37 ngày sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc.

Các hạn chế trong nhập cảnh của Trung Quốc và yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với người nhập cảnh là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Kể từ khi ngăn chặn đợt bùng phát ở Vũ Hán hồi năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã đổ lỗi cho mọi đợt bùng phát là do lây truyền từ nước ngoài - thông qua khách du lịch hoặc hàng hóa nhập khẩu.

Các nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ khi nào, ở đâu hoặc bằng cách nào người đàn ông này đã nhiễm vi rút, nhưng thời gian ủ bệnh dài hơn 21 ngày là rất bất thường.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông phát hiện ra rằng biến thể Delta có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, so với trung bình là 6 ngày đối với chủng ban đầu.

Một số người đã đặt câu hỏi trên mạng xã hội rằng liệu người đàn ông có nhiễm vi rút sau khi anh ta trở về Tiên Du hay không.

Tính đến chiều 12.9, Phủ Điền đã báo cáo 32 trường hợp được xác nhận và 32 trường hợp nhiễm vi rút không có triệu chứng (đối tượng không được Trung Quốc coi là bệnh nhân COVID).

Đợt dịch bệnh mới cũng đã lây lan sang các thành phố khác trong tỉnh Phúc Kiến. Hôm 13.9, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết 6 ca lây nhiễm tại địa phương đã được báo cáo ở Tuyền Châu và một trường hợp khác ở Hạ Môn.

Trước đó, một đợt bùng phát khác do biến chủng Delta vào cuối tháng 7 ở tỉnh Giang Tô, đã lan ra hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc và lây nhiễm cho hơn 1.200 người. Các ca lây nhiễm gia tăng được coi là thách thức lớn nhất đối với chính sách kiên quyết không khoan nhượng của Trung Quốc đối với COVID-19.

Trong đợt lây nhiễm hồi tháng 7, chính quyền tỉnh Giang Tô đã phản ứng bằng cách tiến hành phong tỏa khu vực có hàng chục triệu cư dân, thực hiện các chiến dịch xét nghiệm, truy vết quy mô lớn và hạn chế việc đi lại trong nước. Đến cuối tháng 8, các quan chức y tế thông báo rằng đợt bùng phát đã "được kiểm soát một cách hiệu quả."

Mặc dù chiến lược zero-COVID dường như đã phát huy tác dụng, nhưng các chuyên gia cho rằng các nhà chức trách Trung Quốc giờ đây phải mất nhiều thời gian hơn các đợt trước, để đưa số lây nhiễm trở về 0.

Huang Yanzhong, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết chiến lược này đang đối mặt với vấn đề hiệu quả khi xử lý biến thể Delta có khả năng lây truyền cao.

Ông nói: “Sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn để duy trì cách tiếp cận đó, về mặt thời gian, năng lượng tổ chức cùng những khó khăn về tài chính và kinh tế để đưa các ca nhiễm về 0. Cho dù các giới hạn đi lại có nghiêm ngặt đến đâu, bạn sẽ tiếp tục có các ca nhập cảnh và làm bùng phát dịch trong nước".

Các quốc gia như Úc và Singapore đã chuyển sang một cách tiếp cận mới để học cách sống chung với vi rút sau một thời gian dài dựa vào chiến lược zero-COVID để ngăn chặn dịch bệnh Tại Úc, công chúng ngày càng phẫn nộ với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, với các cuộc biểu tình chống phong tỏa nổ ra ở các thành phố lớn nhất bất chấp các ca gia tăng trong tháng trước.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã tăng gấp đôi các nỗ lực ngăn chặn nghiêm ngặt của mình, vốn được giới cầm quyền ca ngợi là bằng chứng về tính ưu việt được cho là của hệ thống chính trị chuyên chế của họ.

Tại Phủ Điền, chính quyền đã ra lệnh cho 2,9 triệu cư dân không được rời khỏi thành phố trừ khi thực sự cần thiết. Những người có lý do chính đáng để rời thành phố phải xuất trình xét nghiệm coronavirus âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ qua. Rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, quán bar và thư viện đã đóng cửa, trong khi các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học bị đóng cửa và được lệnh tổ chức các lớp học trực tuyến.

Tại huyện Tiên Du, các dịch vụ giao thông công cộng và taxi đã bị đình chỉ hoạt động, xe buýt và xe lửa rời huyện cũng vậy.

Ở Trung Quốc, các biện pháp hạn chế như vậy vẫn phổ biến, một phần vì trong mỗi lần áp dụng thì chỉ một bộ phận nhỏ trong số 1,4 tỉ người bị ảnh hưởng, trong khi phần lớn người dân cảm thấy yên tâm trong khuôn khổ.

Huang Yanzhong, chuyên gia y tế toàn cầu cho biết: "Điều này là tự nhiên. Khi bạn không phải là nạn nhân của vụ phong tỏa, bạn sẽ ủng hộ bất kỳ biện pháp nào giúp bạn an toàn. Ngay cả khi bạn bị phong tỏa, bạn vẫn thấy đó là điều có thể chấp nhận được vì nó rất hiếm khi xảy ra’.

Nhưng ông cảnh báo rằng sự ủng hộ và chịu đựng của công chúng có thể bị hao mòn nếu đại dịch kéo dài. Ông nói: "(Chính quyền Trung Quốc) sẽ liên tục áp đặt các biện pháp phong tỏa mới. Tôi nghĩ rằng cuối cùng, sự ủng hộ của công chúng sẽ bị suy giảm".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
một giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược chống COVID-19 bằng phong tỏa của Trung Quốc khó duy trì lâu dài trước Delta