Với các chính sách giảm thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy giáo dục và hỗ trợ thị thực nhập cảnh một cách cởi mở chưa từng thấy. Fukuoka, có lẽ sẽ là một bài học quý đối với những thành phố đang chậm chân hơn trong cuộc chạy đua để trở thành trung tâm khởi nghiệp toàn cầu.

Chiến lược phát triển Startup: Việt Nam có thể học hỏi gì từ người Nhật và Fukuoka?

Nhàn Đàm | 30/03/2017, 09:05

Với các chính sách giảm thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy giáo dục và hỗ trợ thị thực nhập cảnh một cách cởi mở chưa từng thấy. Fukuoka, có lẽ sẽ là một bài học quý đối với những thành phố đang chậm chân hơn trong cuộc chạy đua để trở thành trung tâm khởi nghiệp toàn cầu.

Nhật Bản, một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với sự thống trị của các tập đoàn lớn nổi tiếng toàn cầu dường như đã đứng ngoài làn sóng khởi nghiệp (startup) đang diễn ra sôi động trên khắp thế giới. Nhưng, điều đó đang thay đổi một cách triệt để: ở thời điểm hiện tại, mọi startup của Nhật Bản cũng như nước ngoài đang đổ xô về thành phố ven biển ở phía Tây nước này là Fukuoka, và đang biến nơi đây thành một trong những trung tâm khởi nghiệp lớn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể sánh ngang với những trung tâm startup lớn khác như Seattle, Barcelona hay London, dù sự khởi đầu của Fukuoka chậm hơn đáng kể. Fukuoka có lẽ sẽ là một bài học quý đối với những thành phố đang chậm chân hơn trong cuộc chạy đua để trở thành trung tâm khởi nghiệp.

Ở thời điểm hiện tại, Fukuoka đang là thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Nhật Bản ngoại trừ khu vực phát triển nhất xung quanh thủ đô Tokyo. Nó đang trở thành một thành phố năng động chưa từng thấy ở bất cứ đâu tại Nhật Bản, với các chính sách giảm thuế và hỗ trợ thị thực nhập cảnh một cách cởi mở chưa từng thấy.

Từ văn phòng startup trên tầng 5 tòa nhà ven biển, Kazz Watabe có thể nghe thấy tiếng sóng ở ngoài vịnh trong khi làm việc với trang web câu cá của mình trong tiếng nhạc Jazz. Đó có thể là cảnh được bắt gặp ở bất cứ đâu tại những trung tâm khởi nghiệp ven biển hàng đầu thế giới hiện nay như Seattle, Tel Aviv, Barcelona hay Sydney; nhưng thực ra đó lại là điều đang diễn ra tại công ty khởi nghiệp Umbebe của Watabe tại Nhật Bản, cách rất xa khu vực trung tâm phát triển nhất nước là Tokyo, ở thành phố cảng phía cực Tây là Fukuoka. Watabe, năm nay 30 tuổi, chuyển từ Tokyo đến Fukuoka vào cuối năm 2013 để phát triển các ứng dụng và phần mềm trên smartphone giúp những người ưa thích câu cá, cho biết: “Không phải là một ý tưởng tồi khi bắt đầu khởi nghiệp theo cách trước tiên bạn nghĩ đến môi trường thích hợp nhất cho khả năng phát triển ý tưởng của mình”.

Câu chuyện của Watabe cũng giống như hầu hết các startup đang đổ xô về thành phố ven biển phía Tây Nhật Bản này. Fukuoka hiện đang là thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Nhật Bản, chỉ sau Tokyo. Trong rất nhiều năm, Fukuoka là một thành phố tương đối bình lặng, hầu hết nhân lực và tài năng đều đổ về những thành phố lớn hơn như Tokyo hay Osaka. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Làn sóng startup cùng các cơ hội mà nó mang lại đang giúp hồi sinh những lợi thế vốn có của Fukuoka đã bị ngủ quên trong nhiều năm. Ở thời điểm hiện tại, Fukuoka với vị trí trung tâm giữa các thành phố phát triển nhất khu vực Đông Bắc Á như Thượng Hải, Hồng Kông (TQ), Tokyo và Seoul đang hứa hẹn trở thành trung tâm startup lớn nhất tại Nhật Bản, thu hút giới khởi nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Chìa khóa quan trọng nhất cho tham vọng của Fukuoka là vị trí địa lý, khi nó nắm giữ vị trí có thể xem như trung tâm và cửa ngõ của khu vực Đông Bắc Á. Từ Fukuoka, có thể nhanh chóng di chuyển bằng máy bay tới các trung tâm phía Nam như Hồng Kông (TQ), Singapore, Đài Loan (TQ), và phía Bắc như Tokyo hay Seoul. Vị trí của Fukuoka cho phép các startup có thể bao phủ một thị trường lên tới 800 triệu dân xung quanh chỉ bằng một chuyến bay kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Bản thân Fukuoka cũng đang chuyển mình trở thành một thành phố quốc tế: các bảng chỉ dẫn di chuyển bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố, từ các ga tàu điện ngầm đến ga xe lửa chính và sân bay chính của thành phố.

Noritaka Ochiai, CEO của tập đoàn Hàn Quốc LINE chi nhánh Fukuoka chuyên khai thác các ứng dụng trên smartphone hàng đầu tại Nhật Bản, cho biết: “Thật khó có nơi nào khác sở hữu vị trí địa lý thuận lợi hơn Fukuoka”. Công ty của Ochiai đã tuyển thêm khoảng 600 lao động kể từ khi khai trương vào tháng 11.2013 tại đây. Phụ nữ chiếm một nửa số nhân công và 30% giữ các chức vụ quản lý. Khoảng một nửa kỹ sư của công ty là người nước ngoài. Khác với hầu hết các công ty Nhật Bản khác có xu hướng tuyển dụng người Nhật, Ochiai cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh những người có khả năng, phù hợp với văn hóa và nhất là có hứng thú với công việc”. Koji Lin, một kỹ sư người Đài Loan trong công ty của Ochiai, cho biết đã chọn Fukuoka thay vì Tokyo là do ngoài thu nhập thì còn vì ở đây gần với Đài Loan hơn và có thể quay về thăm nhà bất cứ lúc nào chỉ bằng một chuyến bay ngắn.

Còn nhiều yếu tố khác đã đưa Fukuoka trở thành một trung tâm startup đặc biệt: khác với những đô thị khác ở Nhật Bản vốn khá bảo thủ và cầu toàn trong kinh doanh, Fukuoka lại khuyến khích sự rủi ro. Theo báo cáo của trung tâm nghiên cứu đô thị châu Á tại Fukuoka, thì thành phố này có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong số 21 thành phố lớn nhất Nhật Bản, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp ngưng hoạt động thì cũng cao thứ 2 trên toàn quốc. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp ở Fukuoka hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lên tới 90%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 71% tại Nhật Bản. Không chỉ thế, Fukuoka có lẽ còn là thành phố cởi mở nhất ở Nhật Bản, với chính sách giảm thuế và hỗ trợ cung cấp thị thực nhập cảnh một cách cởi mở chưa từng thấy: các startup có thể được miễn thuế tới 6 tháng và được yêu cầu cấp thị thực nhập cảnh cho các nhân viên của mình. Tất cả những điều này được thực hiện bởi Soichiro Takashima – thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử của Fukuoka được bầu vào năm 2010, người muốn biến Fukuoka trở thành một trung tâm khởi nghiệp theo hình mẫu thành phố Seattle.

Giải thích lý do thành công, thị trưởng Fukuoka là Soichiro Takashima cho biết: “Sử dụng tiền làm động lực đã trở nên lỗi thời, không có hiệu quả và cũng sẽ không có tương lai. Điều quan trọng nhất là khuyến khích một môi trường kinh doanh thân thiện và bãi bỏ các quy định cứng nhắc”. Ngoài ra, giáo dục cũng được xem là trụ cột cho việc trở thành một trung tâm startup của Fukuoka: chìa khóa nhằm phát triển đa dạng hóa các lĩnh vực công nghệ là đại học Kyushu, một trong những đại học nổi tiếng nhất Nhật Bản và là 1 trong 13 trường được chọn để đổi mới hoạt động bằng cách chào đón các sinh viên nước ngoài. Năm ngoái, Kyushu có hơn 2.000 sinh viên nước ngoài tập trung tại các lĩnh vực như y học, kỹ thuật và công nghệ thông tin.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
22 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược phát triển Startup: Việt Nam có thể học hỏi gì từ người Nhật và Fukuoka?