Bây giờ chúng ta quay trở lại với chủ đề nghịch cảnh. Bởi vì phần lớn nghịch cảnh đều phát sinh từ những mối quan hệ không đúng đắn giữa con người với nhau.
Khi thất bại là vận may
H: Làm thế nào để những mối quan hệ không đúng đắn trở nên đúng đắn?
Đ: Bằng cách thay đổi tâm trí của người gây ra mối quan hệ không đúng đắn, hoặc thay đổi người tham gia mối quan hệ. Một vài tâm trí có xu hướng hòa hợp một cách tự nhiên, trong khi những tâm trí khác có xu hướng thích xung đột. Những mối quan hệ con người thành công và bền vững cần những tâm trí có xu hướng hòa hợp tự nhiên, ngoài việc những người trong cuộc cần phải có những mối quan tâm chung giúp họ trở nên hòa hợp với nhau.
Thay vì nói rằng các lãnh đạo doanh nghiệp thành công vì “biết chọn người”, ngươi có thể diễn giải một cách chính xác hơn rằng họ thành công vì họ biết cách liên kết các tâm trí có xu hướng hòa hợp tự nhiên lại với nhau. Điều mấu chốt của việc biết chọn đúng người cho bất cứ mục tiêu xác định nào trong cuộc đời chính là khả năng nhận ra những người có cùng kiểu tâm trí hòa hợp tự nhiên đó.
H: Nghịch cảnh có thể mang lại những lợi ích gì?
Đ: Nghịch cảnh khiến con người giảm bớt tính ích kỷ bằng cách chứng minh rằng không ai có thể thành công nếu không có sự hợp tác của người khác. Nghịch cảnh buộc một cá nhân vào tình cảnh phải thử thách sức mạnh của mình về mặt trí năng, thể chất và tinh thần – nó khiến anh ta phải đối diện với những điểm yếu của mình và tìm ra cơ hội để khắc phục chúng.
Nghịch cảnh buộc con người phải tìm kiếm những phương cách và phương tiện để đạt được mục tiêu xác định bằng việc tĩnh tâm và hướng suy nghĩ vào bên trong. Điều này thường dẫn đến việc khám phá và sử dụng giác quan thứ sáu – chính là cách để con người có thể giao tiếp với Trí tuệ Vô biên.
Nghịch cảnh khiến một người phải nhận ra sự cần thiết của trí tuệ ở những nguồn bên ngoài tâm trí của anh ta. Nghịch cảnh phá vỡ những thói quen tư duy cũ kỹ và cho con người cơ hội hình thành những thói quen mới; nhờ đó, nó có thể giúp phá vỡ vòng kiềm tỏa của nhịp điệu thôi miên và thay đổi hướng vận hành của nó, từ mục đích tiêu cực sang mục đích tích cực.
H: Như vậy thất bại luôn luôn là một vận may khi nó khiến một người buộc phải hiểu biết hoặc xây dựng được những thói quen giúp họ đạt được mục đích chính yếu của cuộc đời mình. Có đúng không?
Đ: Đúng vậy, và còn hơn thế nữa! Thất bại là một vận may khi nó buộc một người giảm bớt sự phụ thuộc vào các sức mạnh vật chất và tìm đến nhiều nguồn sức mạnh tinh thần hơn.
Rất nhiều người chỉ khám phá ra “cái tôi khác” của mình – phần nội tại vận hành thông qua sức mạnh của tư duy – sau khi họ đã trải qua một tai họa nào đó khiến họ không còn khả năng sử dụng cơ thể của mình một cách tự do và đầy đủ như trước. Khi một người không còn sử dụng được đôi tay và đôi chân của mình, anh ta sẽ bắt đầu thật sự sử dụng trí não; như thế, anh ta mới tạo điều kiện để bản thân khám phá sức mạnh tâm trí của chính mình.
Bài học quan trọng là con người không thể kiểm soát bất cứ việc gì và không thể đảm bảo khả năng sử dụng vĩnh viễn bất cứ thứ gì ngoài sức mạnh tư duy của chính mình.
Mỗi nghịch cảnh đều có hạt mầm của lợi ích
H: Liệu nghịch cảnh có thể phá vỡ ý chí tự lực của một người và khiến người đó mất hy vọng hay không?
Đ: Điều này chỉ xảy ra với những người thiếu sức mạnh ý chí do thói quen buông thả lâu ngày. Nghịch cảnh có tác dụng ngược lại đối với những người không giảm sút ý chí do thói quen buông thả. Người không buông thả cũng gặp phải những thất bại tạm thời và vấp ngã, nhưng họ luôn phản ứng tích cực với mọi dạng nghịch cảnh. Thay vì từ bỏ, họ chiến đấu tới cùng và thường chiến thắng.
Cuộc sống không trao cho bất cứ ai khả năng miễn dịch trước nghịch cảnh, nhưng tất cả mọi người đều được ban cho sức mạnh tư duy tích cực, đủ để họ làm chủ được mọi hoàn cảnh bất lợi và chuyển chúng thành hoàn cảnh có lợi cho mình. Mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng đặc quyền tư duy trong nghịch cảnh để đạt được những mục tiêu xác định và tích cực, hoặc sử dụng sức mạnh này cho những mục đích tiêu cực. Không thể có sự thỏa hiệp hay từ chối sử dụng tâm trí của mình.
H: Từ lời ngươi nói, có phải ta nên hiểu rằng mọi nghịch cảnh đều là vận may không?
Đ: Không, ta không nói như vậy. Ý ta là trong mỗi nghịch cảnh đều có hạt mầm của một lợi ích tương đương. Ta không nói rằng lợi ích đó đã được đơm hoa kết trái, mà chỉ là hạt mầm thôi. Hạt mầm đó thường là một dạng kiến thức, một ý tưởng hay một kế hoạch nào đó, hoặc một cơ hội mà con người sẽ không nhìn thấy được nếu nghịch cảnh không khiến họ thay đổi thói quen tư duy của mình.
H: Đó có phải là tất cả những lợi ích con người có thể có được thông qua thất bại hay không?
Đ: Không phải, thất bại là ngôn ngữ chung mà tự nhiên dùng để trách phạt con người khi họ không màng đến việc điều chỉnh bản thân cho phù hợp với quy luật của tự nhiên.
Ví dụ, Chiến tranh Thế giới đã xảy ra là do con người và nó mang tính hủy diệt. Tự nhiên đã gieo vào các hoàn cảnh của chiến tranh hạt mầm trách phạt ở mức tương đương dưới dạng một cuộc suy thoái trên toàn thế giới. Cuộc suy thoái ấy là tất yếu và hoàn toàn không tránh được. Việc nó đến sau cuộc chiến tranh là một diễn tiến tự nhiên giống như sau đêm là ngày vậy, và cả hai đều vận hành theo cùng một quy luật – quy luật nhịp điệu thôi miên.
Hãy quan sát xem quy luật này vận hành như thế nào bằng cách để cho một thế hệ con người “hứng trọn” kết quả của cả công lẫn tội của các thế hệ trước. Theo sự vận hành của tất cả các quy luật tự nhiên, chiều không gian thứ tư – tức thời gian – là yếu tố bất biến.
Trong mọi trường hợp, độ dài của thời gian mà tự nhiên cần sử dụng trong mối quan hệ nhân quả lại tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Tự nhiên nuôi lớn một quả bí ngô trong vòng ba tháng, nhưng một cây sồi thì lại mất cả trăm năm mới đạt được kích thước lý tưởng. Tự nhiên biến trứng gà thành gà con trong vòng bốn tuần, nhưng nó lại đòi hỏi trứng của con người phải trải qua hơn chín tháng mới phát triển thành một con người hoàn chỉnh.