Nhật Bản sẽ sớm đánh dấu kỷ niệm 80 năm cuộc tấn công của họ vào hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Thái Bình Dương ngày 7.12.1941.

Chiến tranh Nhật - Mỹ 80 năm trước và bài học cho Bắc Kinh, Washington

Hoàng Vũ | 08/12/2021, 12:09

Nhật Bản sẽ sớm đánh dấu kỷ niệm 80 năm cuộc tấn công của họ vào hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Thái Bình Dương ngày 7.12.1941.

Liệu có thể học được gì từ sự kiện của 8 thập niên trước, khi sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, đỉnh điểm có thể là chiến tranh ở eo biển Đài Loan.

Lịch sử đôi khi lặp lại nhưng không theo lối cũ. Rõ ràng thế giới ngày nay khác với thế giới của những năm 1930-1940. Không giống như thời kỳ trước chiến tranh khi các quốc gia được phân chia thành các khối kinh tế phân biệt rõ ràng, giờ đây Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt kinh tế.

biden-tap-2.png
Chiến tranh Nhật - Mỹ thế kỷ trước liệu có mang lại bài học cho Bắc Kinh và Washington trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc - Ảnh: AP

Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa các cường quốc đã vượt ra khỏi những tranh chấp kinh tế và địa chính trị, thu hẹp không gian thỏa hiệp như từng có trong quá khứ.

Trong những ngày trước Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã bắt tay với các quốc gia phát xít như Đức, Ý. Cả ba đối đầu chống lại Mỹ, Anh - những nước ủng hộ nền dân chủ. Thế kỷ 21 bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có những yếu tố có thể so sánh với trước đó, mặc dù ở mức độ rất khác nhau.

Những điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc gặp trao đổi trực tuyến ngày 16.11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, cả hai ông Biden và Tập không chỉ tuân theo các "gạch đầu dòng" đã chuẩn bị sẵn mà còn thảo luận qua lại về các vấn đề nổi cộm giữa hai nước.

Sau cuộc gặp, vẫn còn những khác biệt lớn, từ cách thức hình thành trật tự thế giới mới cho đến các chi tiết cụ thể về Đài Loan và nhân quyền. Điều này một phần là do Washington cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đang củng cố thái độ cứng rắn. Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng Mỹ muốn làm suy yếu và nhằm lật đổ chế độ của Trung Quốc.

Ông Toshikazu Inoue, giáo sư tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản) phân tích: “Từ những năm 1930 đến 1941, thế giới bị giằng xé giữa trục Nhật Bản - Ý - Đức và khối do Mỹ - Anh dẫn đầu. Hình thức này là xung đột ý thức hệ giữa chủ nghĩa phát xít và dân chủ. Tình hình ngày nay tương tự những năm 1930, khi Trung Quốc đang khoe khoang về sự thành công của mô hình chuyên chế và thách thức các nước dân chủ".

Bên cạnh đó, việc hoạch định chính sách của Trung Quốc đã trở nên cứng nhắc, giống như của Nhật Bản trước chiến tranh. Vào thời điểm đó, Nhật bận tâm đến các cuộc tranh giành quyền lực giữa lục quân và hải quân, khiến tầm nhìn chiến lược của nước này bị mờ đi. Do đó, Nhật Bản buộc mình vào một cuộc chiến tranh hai mặt trận - một ở phía nam chống lại Mỹ - Anh, và một ở phía bắc chống lại Liên Xô.

Chuyên gia về các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc tế, ông Hiroyuki Akita cho rằng Trung Quốc dường như đang đi theo con đường tương tự. Nếu Trung Quốc muốn tập trung nỗ lực vào cạnh tranh chiến lược với Mỹ, họ nên nâng cấp quan hệ với châu Á và châu Âu, từ đó cô lập Mỹ. Nhưng Trung Quốc đang đi theo hướng ngược lại. Thông qua những lời nói và hành động cứng rắn, Trung Quốc, vào thời điểm bấp bênh với Mỹ, cũng đang đối đầu với Úc, châu Âu, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Những điều rút ra được từ mối quan hệ Trung - Mỹ hiện tại

Thứ nhất, các con đường cho ngoại giao và an ninh nên được mở giữa hai bên, ngay cả trong bối cảnh đối đầu về ý thức hệ và nhân quyền.

Về mặt này, chính sách ứng xử của chính quyền Biden với Trung Quốc thông qua 3 kênh chiến lược: đối đầu, cạnh tranh và hợp tác. Washington cho rằng nên hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu nhưng vẫn tiếp tục thách thức Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền và Đài Loan.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Tập Cận Bình vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Mỹ, từ chối hợp tác trong bất kỳ lĩnh vực nào cho đến khi Washington sửa đổi chính sách, một nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết. Xem xét điều này, sẽ là khôn ngoan hơn nếu Trung Quốc thể hiện sự linh hoạt hơn một chút.

"Chỉ có ông Tập mới có thể đưa ra các quyết định quan trọng về các vấn đề như Biển Đông và Đài Loan. Mỹ và Trung Quốc, cũng như Nhật Bản và Trung Quốc, nên tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh nhiều hơn. Ngay cả khi vấn đề không thể được giải quyết bằng cách làm như vậy, điều quan trọng là phải duy trì một thế ổn định”, ông Shinichi Kitaoka - Chủ tịch tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản nhận xét.

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh Nhật - Mỹ 80 năm trước và bài học cho Bắc Kinh, Washington