Bất chấp tình hình chiến tranh thương mại trên toàn thế giới cũng như dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tình hình xấu nhập khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều khả quan.
Dù gặp nhiều trở ngại trong môi trường thương mại quốc tế, nhưng tính đến hết tháng 9.2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 352,61 tỉ USD, tăng 13,7% (tương ứng 42,44 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2017 và vượt mức kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2016 (351,38 tỉ USD). Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 179,47 tỉ USD, tăng 15,8% và nhập khẩu đạt 173,14 tỉ USD, tăng 11,6%.
Do xuất khẩu tăng nhanh hơn đà nhập khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 thặng dư 1,61 tỉ USD. Kết quả thực hiện này đã làm tăng mức xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm lên con số kỷ lục là 6,32 tỉ USD.
Trong các thị trường, Trung Quốc là nơi mà hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh với kim ngạch 28,81 tỉ USD, tăng 29,9%. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc và Ấn Độ cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với hơn 20%.
Các thị trường lớn khác như Mỹ, EU và ASEAN cũng đều đạt tốc độ tăng trưởng dương, lần lượt là 13,2%, 10,5% và 14,5%.
Ở chiều ngược lại, trong số 58 thị trường chính có kim ngạch nhập khẩu trên 100 triệu USD trong 9 tháng đầu năm thì có tới 45 thị trường có tốc độ tăng dương. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản đều có tốc độ tăng 2 con số, nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam trong 9 tháng qua, với tổng kim ngạch nhập khẩu là 47,26 tỉ USD tăng 12,8%.
Các nhóm hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 8,65 tỉ USD, tăng 5,7%; điện thoại các loại và linh kiện: 6,09 tỉ USD, tăng 7,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: 5,48 tỉ USD, tăng 7,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Thiên Hà (theo Tổng cục Hải Quan)