Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chính phủ vừa công bố đã chỉ ra hàng loạt các quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Chính phủ chỉ ra hàng loạt quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn

Lam Thanh | 05/10/2020, 09:40

Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chính phủ vừa công bố đã chỉ ra hàng loạt các quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Cụ thể, khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” đã được mở rộng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, do đó cần rà soát các văn bản QPPL có sử dụng thuật ngữ “doanh nghiệp nhà nước” để có biện pháp xử lý phù hợp

Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Kể từ thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, một số chính sách về doanh nghiệp nhà nước trong các văn bản QPPL được xác lập trên cơ sở và theo phạm vi của khái niệm này.

Tuy nhiên, khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”. Như vậy, khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi, mở rộng phạm vi so với Luật năm 2014.

Theo đó, những văn bản QPPL có quy định về doanh nghiệp nhà nước theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần được rà soát để có biện pháp xử lý, điều chỉnh quy định bảo đảm tính phù hợp của chính sách với đối tượng là doanh nghiệp nhà nước theo khái niệm mới tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Chính phủ cũng chỉ ra quy định không thống nhất về việc kiến nghị xử lý kỷ luật liên quan đến thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6.10.2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính kiến nghị xử lý kỷ luật đối với người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định và không chấp hành các khuyến nghị, chỉ đạo trong báo cáo giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính (Điều 12).

Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với chức năng của Bộ Tài chính cũng như quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, pháp luật về cán bộ, công chức đã quy định cụ thể về hình thức kỷ luật, thẩm quyền xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật, cụ thể: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật; người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan đại diện chủ sở hữu có thẩm quyền kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với các cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Phương án xử lý là bãi bỏ quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc kiến nghị xử lý kỷ luật tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.

Một quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn nữa là thiếu quy định về các trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ doanh nghiệp về cơ quan đại diện chủ sở hữu, chuyển giao từ cơ quan đại diện chủ sở hữu về các tập đoàn, tổng công ty không cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu

Thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, phát sinh các trường hợp đề xuất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ doanh nghiệp về cơ quan đại diện chủ sở hữu, chuyển giao từ cơ quan đại diện chủ sở hữu về các tập đoàn, tổng công ty không cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 chưa có quy định về các vấn đề này.

Phương án xử lý là sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 theo hướng bổ sung quy định để điều chỉnh nội dung này.

Quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không phù hợp thực tiễn.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 giao Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (điểm a khoản 2 Điều 8) ở trung ương.

Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, việc giao Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu để thực hiện công việc này là không cần thiết, làm giảm tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, bởi pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại doanh nghiệp; các cơ quan đại diện chủ sở hữu hoàn toàn đủ thông tin, công cụ, thẩm quyền để đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
6 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ chỉ ra hàng loạt quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn