Chính phủ đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6 - 6,5%

Lam Thanh | 20/10/2021, 11:53

Chính phủ đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Chỉ tiêu đặt ra là tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Theo đó, Chính phủ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của trung ương. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế. Hoàn thiện thể chế, quy định về phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư, bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện.

Chính phủ sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi.

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo trước Quốc hội

Song song với đó, ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu phải quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công hiệu quả, bảo đảm khả năng trả nợ.

Đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thác hiệu quả không gian tăng trưởng mới và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp.

Báo cáo cũng nêu cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu... Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức hợp tác đối tác công tư.

Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội; tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị...

Ngoài ra, Chính phủ sẽ phê duyệt, triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đưa học sinh trở lại trường học an toàn với dịch bệnh; phát triển phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch trong năm 2022. Đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới.

Gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Đặc biệt là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm thể chế, cơ chế, chính sách và kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; triển khai các hoạt động đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác, gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích, xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn.

Bài liên quan
Báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu
Về kinh tế - xã hội, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý 3 giảm 6,17% do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6 - 6,5%