Phó thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong triển khai dự án BĐS

Hồ Đông | 16/04/2023, 18:40

Phó thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Văn phòng Chính phủ ngày 16.4 vừa có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Phó thủ tướng đánh giá cao Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã thực hiện khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, rà soát từng vấn đề vướng mắc ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 500 dự án bất động sản; tiếp nhận, tổng hợp các vướng mắc của các doanh nghiệp, các hiệp hội gửi trực tiếp đến Tổ công tác. Bước đầu đã có hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.

tran-hong-ha.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ và địa phương phải cùng tháo gỡ vướng mắc - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng cũng biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời trong thực hiện các giải pháp bảo đảm tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thực hiện hạ lãi suất điều hành, yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước cũng được biểu dương việc thực hiện giảm lãi suất cho vay 1,5% đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở trực tiếp đối với mọi phân khúc; giảm lãi suất cho vay 2% đối với người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Thông báo kết luận nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng… tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 178/TTg-CN ngày 27.3.2023.

Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác như Novaland, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân… yêu cầu hoàn thành trước 20.4.2023.

Phân loại các vướng mắc để xử lý

Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các vướng mắc qua báo cáo của các địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về Tổ công tác, Phó thủ tướng giao các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phân nhóm theo nguyên tắc:

Với nhóm các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25.4.2023 để các địa phương triển khai thực hiện.

Với nhóm các vướng mắc do các quy định của pháp luật cần chỉ rõ các điều, khoản của Thông tư, Nghị định và các Luật. Cụ thể: Đối với các vướng mắc có nguyên nhân từ các quy định tại Thông tư, các Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành trong tháng 4.2023;

Đối với các vướng mắc do mẫu thuẫn giữa các quy định hoặc quy định còn chưa cụ thể hoặc chưa có hướng dẫn trong các nghị định thì báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn;

Đối với các vướng mắc có liên quan đến các Luật, các vấn đề, nội dung mâu thuẫn mâu thuẫn giữa các luật: Đối với các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong các Luật đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thì đề xuất Quốc hội cho phép thi hành sau 45 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua; các vướng mắc chưa sửa đổi được ngay trong các Luật đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết.

Riêng với các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.

Giao trách nhiệm cho từng Bộ và địa phương

Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các vướng mắc của các Thông tư khẩn trương sửa đổi, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 4.2023; chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhất là ở cấp huyện; hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý diện tích đất công xen kẹt nhỏ không thể tách thành dự án độc lập được.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bất động sản, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: điều kiện duy trì tỷ lệ góp vốn không thấp hơn 26% khi di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; về việc doanh nghiệp nhà nước có chuyển mục đích sử dụng đất; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất… Trong trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn giá đất thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, các chuyên gia tư vấn giá đất thực hiện việc xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Các địa phương cần chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định rõ các nguyên nhân kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân các vướng mắc gửi về Tổ công tác trước 25.4.2023 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bài liên quan
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội xử lý việc 'thổi giá' chung cư
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư, báo cáo bộ trước ngày 20.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong triển khai dự án BĐS