Đến thời điểm hiện tại, cơ bản Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Chính phủ hối thúc hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn

Hồ Đông | 22/08/2022, 07:52

Đến thời điểm hiện tại, cơ bản Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 259/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ, chưa giao chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thông báo kết luận nêu rõ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, cơ bản Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên, còn khoảng 355.483 tỉ đồng kế hoạch vốn trung hạn phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ, giao kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (bao gồm khoảng 218.483 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương và 137.000 tỉ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương), cụ thể:

Đối với khoản 137.000 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương, việc phân bổ vốn được tính toán căn cứ vào tỷ lệ điều tiết, khả năng thu ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 của các địa phương (từ nguồn thu sử dụng đất và xổ số kiến thiết) theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án phân bổ số vốn này, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Đối với khoản 218.483 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay có khoảng 74.000 tỉ đồng của các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định và có thể giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 được ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; còn khoảng 144.483 tỉ đồng cần phải tiếp tục thúc đẩy sớm hoàn thiện phê duyệt chủ trương đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn; trong đó, số vốn 62.868 tỉ đồng đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 nhưng đến nay chưa giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn.

Do đó các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đảm bảo tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư theo đúng quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 31.7.2022; số vốn 7.942 tỉ đồng còn lại của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1.9.2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 5172/VPCP-KTTH ngày 12.8.2022.

Để sớm hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, chưa giao kế hoạch, thời hạn hoàn thành cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 22.8.2022.

Trước đó, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9.8 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (đợt 3), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 7 mới đạt gần 34,5%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi vì sao việc phân bổ vốn chậm và đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đó giải trình rằng việc giải ngân vốn chậm vẫn diễn ra 7-8 năm nay nhưng năm 2022 có nhiều điểm đặc biệt.

Ông cho biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng trong năm đầu, kế hoạch tới tháng 7.2021 mới thông qua nên việc triển khai thực chất bắt đầu từ đầu năm 2022 tới nay nên chậm.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Dũng, hiện tâm lý các địa phương đều rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm hơn so với yêu cầu.  Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trung bình tăng tới 20%. Trong khi đó, các nhà thầu thường ký hợp đồng trọn gói nên "càng làm càng lỗ". Do đó, hiện nay họ gần như "nằm im bất động" để chờ xem chính sách của Chính phủ thế nào, có điều chỉnh dự án hay không.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng năm nay giải ngân đầu tư công có thể đạt khoảng 92%.

Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là gần 456.000 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ hối thúc hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn