Chính phủ xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng chống COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc.

Chính phủ khóa 15 họp phiên đầu tiên: Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết

Lam Thanh | 11/08/2021, 10:54

Chính phủ xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng chống COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc.

Ngày 11.8, Chính phủ khóa 15 họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ...

Dân là gốc, lợi ích quốc gia trên hết

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ khóa 15 nhận nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới và ở Việt Nam, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Phiên họp sẽ tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trên các lĩnh vực của đất nước trong 5 năm tới.

hop-cp.jpg
Chính phủ khóa 15 họp phiên toàn thể đầu tiên - Ảnh: VGP

Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ khóa 15 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ xác định 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành của giai đoạn 2021-2025. Trong đó, báo cáo nhấn mạnh cần quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc; chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Đồng thời, phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, coi nội lực là yếu tố cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng; biến nguy thành cơ, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu để vươn lên; tăng cường đổi mới, sáng tạo, có cách tiếp cận mới, tạo đột phá trong bối cảnh mới.

“Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Phó thủ tướng nêu.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời thấm nhuần phương châm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; “dân là gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%

Chính phủ phấn đấu nước ta đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế-xã hội; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Đó là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Chú trọng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

hop-cp-2.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp - Ảnh: VGP

Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại…

“Giai đoạn 2021-2025 và đặc biệt trong những tháng còn lại của năm 2021 có những thời cơ thuận lợi nhưng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc này đòi hỏi Chính phủ và các cấp các ngành phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư trong Lời kêu gọi phòng chống đại dịch COVID-19: "đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa" để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.

Bài liên quan
Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16.4.2024 quy định về hoạt động lấn biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ khóa 15 họp phiên đầu tiên: Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết