Chiều 10.8, lãnh đạo đồng Đồng Nai gồm Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, các Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bí thư Đồng Nai: Chuẩn bị kịch bản với 30.000 ca bệnh, bằng mọi cách để kéo vắc xin về

Đồng Nai Online | 11/08/2021, 06:33

Chiều 10.8, lãnh đạo đồng Đồng Nai gồm Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, các Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Hệ thống chính trị Đồng Nai phải chứng minh cho nhân dân niềm tin về phòng chống dịch, đẩy mạnh tuyên truyền tinh thần lạc quan, không dao động, xử lý tin giả quyết liệt, tạo động lực cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Thậm chí, kết nạp Đảng cho các đồng chí tiêu biểu trong tuyến đầu phòng chống dịch của đơn vị đó, hậu thuẫn tối đa cho lực lượng tuyến đầu, không để thiếu ăn, không để thiếu sức khỏe, không để thiếu thiết bị, không để bị nhiễm bệnh do công tác phòng chống dịch bệnh. Đội ngũ này mà “gãy” là thất bại trong công tác chống dịch. Phải bảo vệ cho bằng được đội ngũ tuyến đầu chống dịch, chăm lo chu đáo cho lực lượng tuyến đầu”.

Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh quán triệt sâu sắc những chỉ đạo trong Nghị quyết 86 về phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đề cập đến vấn đề “không để khủng hoảng y tế”. Nếu dịch bệnh bùng phát, số trường hợp F0 tăng lên, bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu nhiều thì sẽ rơi vào khủng hoảng. Do đó, các sở, ngành liên quan phải tham mưu để chuẩn bị các kịch bản cao hơn để ứng phó với tình huống dịch bệnh phức tạp.

Về cơ chế, đề nghị phải nhuần nhuyễn chỉ đạo cơ chế như diễn tập, phải đặt trong tình huống dịch bệnh phức tạp. Cơ quan tham mưu trình báo cáo, lãnh đạo tỉnh phải xử lý thông tin ngay. Nếu không xử lý được phải trình Thường vụ để cho chủ trương ngay, không được chậm trễ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẵn sàng họp bất cứ lúc nào để cho chủ trương vận hành cơ chế.

Từ nay đến thứ Bảy, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh phải thành lập Ban chỉ huy ngay để đến ngày 1-9 kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, tức là không phát sinh F0 trong cộng đồng, trong các khu vực phong tỏa. Phải tăng cấp độ chỉ huy theo từng tình hình của dịch bệnh.

Lãnh đạo Tỉnh ủy lưu ý, phải tăng khả năng chữa bệnh cứu người của tỉnh Đồng Nai. Toàn tỉnh mới có gần 10 ngàn giường bệnh, nhưng dự báo lên đến 30 ngàn ca F0. Vì thế, UBND tỉnh cần có kế hoạch để thành lập thêm các bệnh viện dã chiến trong trường hợp các ca F0 tăng cao lên đến 30 ngàn ca bệnh.

Về vấn đề tiêm chủng, tỉnh mới tiêm được khoảng 150 ngàn liều cho hơn 100 ngàn người. Đây là con số quá thấp so với dân số toàn tỉnh và đòi hỏi thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch.

Để đạt được mục tiêu tiêm cho 70% dân số, Đồng Nai phải tiêm cho hơn 2 triệu dân, tương đương với khoảng 5 triệu liều vaccine. Phải bằng mọi cách để vừa kéo vắc xin về, vừa bằng mọi cách phải tập trung triển khai tiêm vắc xin nhanh cho nhân dân, công nhân… Nếu bỏ ra 100 tỷ để tiêm còn lợi hơn là nếu tiêm chậm để thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Ban cán sự Đảng và UBND tỉnh phải có kế hoạch ngay, nếu đụng vào ngân sách phải trình HĐND tỉnh để thông qua ngay. Nếu vận động được doanh nghiệp tự nguyện bỏ tiền để chi phí tiêm vaccine cũng đúng, không thu tiền người lao động. Vấn đề này không thể chậm trễ được nữa. Huy động nhân lực trong xã hội, từ y tế tư nhân đến bác sĩ về hưu để tiêm vaccine. Đây là vấn đề bức xúc nhất hiện nay cần phải giải quyết.

Về vấn đề an sinh xã hội, có 2 kênh là ngân sách, giao Sở LĐ-TBXH tiếp tục tham mưu thực hiện; kênh của xã hội đóng góp do MTTQ vận hành, phải làm sao để không người dân nào bị thiếu đói. Nếu số ca F0 tăng cao hơn nữa thì sẽ đặt ra thử thách cao hơn trong vấn đề an sinh xã hội.

Dứt khoát phải duy trì, bảo vệ cho được những cơ sở sản xuất các mặt hàng thiết yếu để phụ vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân; những cơ sở sản xuất các thiết bị, máy móc y tế, oxy y tế.

Về tình hình an ninh trật tự, đề nghị Công an tỉnh nắm vững tình hình, có phương án chủ động ứng phó, đảm bảo an ninh công nhân.

Tiếp tục có kế hoạch về nhân lực, tài chính để phục vụ công tác phòng chống dịch. Nhân lực phải tính đến Quân đội phải vào cuộc nhiều hơn, cán bộ công chức phải xông pha nhiều hơn, các khối y tế tư nhân phải vào cuộc mạnh hơn. Kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, đến sáng ngày 10.8, toàn tỉnh có 8.335 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, cách ly theo dõi. Có 3 địa phương đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao là TP.Biên Hòa và 2 huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh cửu. 4 địa phương xếp nguy cơ cao là các địa phương: Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất Xếp loại cả tỉnh hiện đang ở mức nguy cơ rất cao.

Những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong công tác phòng dịch của tỉnh là năng lực xét nghiệm khẳng định của tỉnh còn hạn chế, kéo theo việc bóc tách F0 chậm. Công tác điều tra, truy vết chậm. Việc chuẩn bị các bệnh viện dã chiến tuy nhanh nhưng chưa kịp với tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh. Công tác thực hiện giãn cách xã hội chưa thật sự chặt chẽ. Tốc độ lây lan của virus rất nhanh.

Các biện pháp chống dịch trong 2-3 tháng tới mà ngành Y tế đề xuất là: Bảo vệ và xanh hóa các vùng cam, vàng; làm sạch vùng đỏ. Nâng cao năng lực xét nghiệm. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội triệt để. Tăng cường năng lực thu dung và điều trị Covid-19. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19.

* Chuẩn bị kịch bản ứng phó với 30 ngàn ca bệnh

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đề nghị Sở Y tế chủ động đề xuất mua sắm máy móc, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị cho bệnh nhân. Về nhân lực, một số tỉnh bạn hứa sẽ tăng cường cho Đồng Nai khoảng hơn 300 người. Lãnh đạo tỉnh đang tiếp tục liên hệ để huy động lực lượng hỗ trợ cho Đồng Nai.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn biểu dương và đề nghị nhân rộng cách làm hay là thành lập các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh đến tất cả các địa phương trong tỉnh. Phải huy động được người dân cùng vào cuộc để thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả, bởi “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phải thực hiện nghiêm giãn cách trong khi tiêm vaccine còn hạn chế, quản lý chặt các khu nhà trọ công nhân, tăng cường lực lượng cho H.Nhơn Trạch. Dịch bệnh sẽ còn kéo dài, do vậy, vấn đề an sinh xã hội phải được quan tâm hơn nữa, nhất là đối tượng công nhân lao động bị mất việc làm.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị ngành Y tế đánh giá, phân tích cụ thể số liệu về các ca nhiễm bệnh, nỗ lực để đạt mục tiêu đến 1.9 cơ bản khống chế được dịch bệnh. Các địa phương triển khai thực hiện các chốt bảo vệ vùng xanh, lấy tiêu chí vùng xanh để đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống dịch sau 1 tháng nữa.

“Dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Do đó, ý thức của con người là quan trọng nhất. Cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của người dân trong phòng chống dịch. Huy động lực lượng y tế tư nhân, y tế học đường, y tế doanh nghiệp cùng tham gia công tác phòng chống dịch. Không thể để lực lượng này nằm ngoài hệ thống được nữa. Sau ngày 15.8, đề nghị Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh tại các địa phương để tham mưu áp dụng Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 trên các địa bàn cho phù hợp” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Đồng Nai: Chuẩn bị kịch bản với 30.000 ca bệnh, bằng mọi cách để kéo vắc xin về