Với 96% số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, so với các DN FDI hầu hết đều từ quy mô khá và lớn trở lên thì rõ ràng là các DNTN của Việt Nam chỉ như "châu chấu đá xe".

Chính phủ kiến tạo cần làm gì để đưa DNTN trở thành động lực của nền kinh tế?

Nhàn Đàm | 09/05/2016, 08:10

Với 96% số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, so với các DN FDI hầu hết đều từ quy mô khá và lớn trở lên thì rõ ràng là các DNTN của Việt Nam chỉ như "châu chấu đá xe".

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nức lòng hơn bao giờ hết trước những cam kết cải cách được xem là mang tính bước ngoặt của Thủ tướng và Chính phủ trong những ngày qua. Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp đề xuất một cách đơn lẻ, mà Thủ tướng còn đang cam kết sẽ đặt mục tiêu trở thành Chính phủ kiến tạo và phục vụ, theo đó tập trung vào việc xây dựng thể chế tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước.

Nói cách khác, nếu mục tiêu này hoàn thành, thì hầu hết các rào cản hiện nay với doanh nghiệp sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn. Việc Chính phủ hướng tới kiến tạo và phục vụ, vì thế cũng đồng nghĩa với việc DNTN sẽ chính thức bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước(DNNN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng liệu như thế đã đủ để đưa DNTN trở thành động lực của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định?

Dĩ nhiên là DNTN đang là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế, nhưng cần phải thừa nhận rằng khu vực DNTN của chúng ta hiện nay không thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN FDI vốn vượt trội hơn cả về tiềm lực lẫn công nghệ. Với 96% số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, so với các DN FDI hầu hết đều từ quy mô khá và lớn trở lên thì rõ ràng là các DNTN của Việt Nam chỉ như "châu chấu đá xe".

Mục tiêu kiến tạo và phục vụ mà Chính phủ vừa đặt ra, vì thế phải hiểu theo ý nghĩa: Việt Nam cần quy hoạch lại khu vực đầu tư FDI theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy DNTN phát triển nhanh nhất có thể. Đây cũng là mục tiêu mà các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Thái Lan đặt ra khi mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế của họ.

Cụ thể, mục tiêu chủ đạo và quan trọng nhất mà các nước như Trung Quốc hay Thái Lan đặt ra khi mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoàilàhấp thụ và chuyển giao 3 yếu tố quan trọng nhất là vốn, công nghệ, trình độ quản lý từ các DN FDI sang cho các DNTN trong nước. Vì đây là ba yếu tố mà các DNTN trong nước không có. Điều này dẫn đến việc gần như tất cả các DN FDI vào đầu tư ở Thái Lan hay Trung Quốc đều phải tiến hành qua hình thức liên doanh, trong đó các DNTN trong nước đóng những vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các DN FDI. Quátrình chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý cũng diễn ra mạnh mẽ theo quy trình này, tạo ra những bước tiến mạnh mẽ cho DNTN của Thái Lan và Trung Quốc. Kết quả là chỉ sau khoảng một thập kỷ, phần lớn các DNTN trong nước tại các quốc gia này đã đủ sức để thế chỗ cho các DN FDI trong việc sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại Việt Nam, cách tiếp cận của chúng ta với các DN FDI trong thời gian qua chủ yếu vẫn là hai yếu tố: đóng thuế và tạo ra công ăn việc làm. Điều này có thể được lý giải bởi nguyên nhânrằng khu vực DNTN trong nước chưa thực sự có bước phát triển mạnh, không những không tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động mà còn không thể đủ khả năng hấp thụ ba yếu tố chủ đạo (vốn, công nghệ, trình độ quản lý) có thể nhận được từ các DN FDI.

Tuy nhiên, khi mà Thủ tướng đã cam kết Chính phủ sẽ đặt mục tiêu hướng tới kiến tạo và phục vụ, trong đó mọi thành phần trong nền kinh tế đều bình đẳng, đồng nghĩa với khu vực DNTN sẽ được cởi trói gần như hoàn toàn trong thời gian tới, thì Việt Nam sẽ cần phải tính toán lại chiến lược và kế hoạch của mình với khu vực DN FDI. Vì một khi khu vực DNTN được cởi trói và phát triển mạnh (mục tiêu trong 5 năm tới số DNTN trong nước sẽ tăng gấp đôi, từ mức hơn 500.000 DN hiện nay lên 1.000.000 DN vào năm 2020), thì những vấn đề về đóng thuế và tạo công ăn việc làm sẽ không còn quá quan trọng nữa. Khu vực DNTN sẽ có thể thay thế khu vực DN FDI trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng thuế cho Nhà nước. Và đó sẽ là lúc mà Việt Nam cần tính đến việc chuyển giao 3 yếu tố chủ đạo (vốn, công nghệ, trình độ quản lý) từ các DN FDI sang cho các DNTN trong nước.

Điều đáng nói là hiện nay không phải tất cả các DN FDI đang đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam đều đáp ứng được các tiêu chí về 3 yếu tố chủ đạo trên. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)thìhiện tại 67% DN FDI hoạt động tại Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và có khả năng phát thải độc hại cao. Và hiện chỉ có khoảng 4-5% các dự án đầu tư FDI là thuộc diện công nghệ cao mà thôi.

Điều này có nghĩa là có tới 94-95% các dự án FDI hiện nay sẽ nằm trong diện phải đào thải trong tương lai. Khi mà khu vực DNTN trong nước đảm đương được vai trò tạo công ăn việc làm và đóng thuế cho Nhà nước thay cho khu vực FDI, thì rõ ràng là không có lý do gì để chúng ta tiếp tục níu kéo các DN FDI kém cỏi cả về công nghệ lẫn giá trị gia tăng, thậm chí là có nguy cơ gâyô nhiễm môi trường rất cao.

Nếu như trước đây khi khu vực DNTN trong nước chưa phát triển và chúng ta buộc phải chấp nhận các dự án đầu tư FDI lạc hậu và kém cỏi, thì rõ ràng giờ đây điều đó đã không còn đúng nữa. Vụ việc ô nhiễm biển miền Trung đang là một dấu hiệu mang tính báo động về tính cấp thiết cần xem xét lại một cách toàn diện các dự án FDI ở miền Trung nói riêng và trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nói chung.

Song song với quá trình đào thải 94-95% các dự án FDI kém cỏi trong tương lai là sự cần thiết của việc thu hút các dự án FDI công nghệ cao cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ. Nếu không có sự chuyển giao 3 yếu tố chủ đạo (vốn, công nghệ, trình độ quản lý) từ các DN FDI lớn sang cho các DNTN trong nước, thì sẽ rất khó có thể đưa các DNTN trong nước phát triển mạnh như mức chúng ta mong muốn. Để Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế thì cần phải có những tập đoàn nội địa hùng mạnh cùng một cộng đồng DNTN phát triển mạnh mẽ. Chưa khi nào mà lời phát biểu của Thủ tướng “doanh nghiệp hùng mạnh thì đất nước mới hùng mạnh” lại chính xác hơn ở thời điểm hiện tại.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ kiến tạo cần làm gì để đưa DNTN trở thành động lực của nền kinh tế?