Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên ý kiến về một chính phủ kiến tạo. Có thể xem trở thành chính phủ kiến tạo là một Tầm Nhìn của thủ tướng.
Tôi hiểu rằng để tiến tới Tầm Nhìn đó, chính phủ phải thực hiện được Sứ Mạng “xây dựng một cách sáng tạo môi trường hành chánh công thông thoáng và tạo điều kiện cho sự phát triển nhiều mặt của xã hội”. Trên con đường tiến về mơ ước đó, Chính phủ không thể thiếu hai động cơ: tri thức và nền tảng đạo đức của xã hội.
Có lẽ không cần diễn giải và trích dẫn, nhiều người đều biết kỹ thuật số là nền tảng, các công cụ truyền bá, tìm kiếm thông tin là phương tiện căn bản để xây dựng xã hội 4.0. Đó là lý do tại sao bây giờ là thời đại của các công ty cung cấp dịch vụ thông tin mạng. Facebook, Google... đã nhanh chóng trở thành những công ty khổng lồ với tổng giá trị vốn hóa thị trường gấp rưỡi, gấp hai tổng GDP Việt Nam, và đang tăng trưởng rất nhanh.
Tất cả các nước đều cần dịch vụ do Facebook, Google... cung cấp. Có thể nói, nước nào hòa nhập vào xa lộ thông tin toàn cầu sẽ nắm bắt kỹ thuật mới, tiến bộ nhanh chóng, nước nào xa lìa nó sẽ thụt lùi, chìm vào tăm tối, u mê! Nói tiến bộ hay thụt lùi là nói trong lãnh vực khoa học kỹ thuật lẫn kinh tế xã hội, trong lãnh vực tri thức lẫn đạo đức.
Một nước Việt Nam đang khao khát phát triển giàu mạnh, khao khát khẳng định mình trên trường thế giới bằng một nền tự chủ xứng đáng, nước Việt Nam đó không thể rời bỏ xa lộ thông tin toàn cầu. Trong thực lực và hoàn cảnh đất nước hiện nay, đó gần như là con đường duy nhất cho Việt Nam phát triển tiệm tiến mà không chịu nguy cơ đứt gãy. Dân chúng đang mong mỏi, các doanh nghiệp đang mong mỏi, các tầng lớp xã hội đang mong mỏi, cả ba miền đang mong mỏi.
Mạng xã hội mang lợi ích lớn tới sự phát triển đất nước như vậy, do đó không nên vì bất kỳ lý do gì mà ban hành những điều luật, qui định có nguy cơ chặn đứt nó. Ngay cả vì mục đích chặn thông tin “những phát sinh tiêu cực ngày càng lớn như: tin giả, lừa đảo, xúc phạm lãnh đạo, chống phá Nhà nước, tuyên truyền văn hóa tiêu cực... gây khó khăn rất lớn cho cơ quan quản lý cũng như ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của đất nước” hay vì mục đích bảo vệ “an ninh mạng” (Tuổi Trẻ, ngày 3.11.2017) thì lý do này cũng không thuyết phục.
Việt Nam đã có Luật Hình sự với rất nhiều tội danh đủ sức trừng phạt người tung “tin giả, lừa đảo, xúc phạm lãnh đạo, chống phá Nhà nước”. Nếu thấy chưa đủ thì làm luật để kín kẽ hơn. Nếu để bảo vệ an ninh mạng thì điều cần nhất là nâng cao trình độ nghiệp vụ an ninh mạng chứ không phải cách ly mạng xã hội khỏi dân chúng.
Có thể dân chúng thông cảm với yêu cầu ổn định xã hội, yêu cầu bảo vệ an ninh mạng, nhưng dân chúng không đồng ý cách kiểm soát nghiệt ngã hệ thống mạng xã hội ẩn chứa nguy cơ đưa dân tộc vào đêm dày thiếu ánh sáng thông tin. Yêu cầu và đòi hỏi của dân chúng là chính quyền đủ năng lực bảo vệ sự ổn định xã hội và an ninh mạng mà không ngăn chặn mạng xã hội đến với người dân.
Trên con đường tiến tới chính phủ kiến tạo, nghị quyết 112 về hộ khẩu rõ ràng đem tới bầu không khí tự do hơn cho người dân. Trước đó, bộ Công Thương ra quyết định 3610a/QĐ-BCT bỏ 675 giấy phép con cũng đem tới các doanh nghiệp sự cởi mở hơn.
Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng tự do tới đâu, khai phóng tới đâu thì công nghệ thông tin phát huy tác dụng tới đó để mang kiến thức tới người dân, nâng cao dân trí. Không có lý do gì điều luật về an ninh mạng lại ngược chiều nghị quyết 112 về hộ khẩu và quyết định số 3610a/QĐ-BCT, chặn đường chính phủ tiến về kiến tạo và dân tộc tiến về phát triển.
Lê Học Lãnh Vân