Tại sao trong cuộc đời rất nhiều biến cố sinh tử của đại gia đình tôi và cả dân tộc, tôi lại nhớ nhiều đến thím Năm? Bởi vì bà là mẫu người hiền lành và chịu đựng một cách hiếm thấy của những người phụ nữ mà tôi từng gặp.
Bà thím tôi vừa qua đời hôm kia. Thím Năm Hồng, tên mà tôi thường gọi trong gia đình. Theo cách xưng hô của người miền Trung, vợ ông chú, em ruột ông già tôi, tôi gọi là thím.
Thím Năm hiền như cục bột. thím là bà con gần cả với bên mẹ tôi ở tộc Lê. Thím lấy chồng về bên nhà nội tôi, trong khi ông chú tôi đi lính địa phương quân ở xa, lâu lâu mới thấy ông về. Về chưa kịp nhìn ai, ông lại đi.
Thời gian hai vợ chồng chú thím tôi ở với nhau không nhiều. Hai người chỉ có với nhau một mặt con. Hai người sinh ra một cô con gái duy nhất tên là Thủy.
Tại sao trong cuộc đời rất nhiều biến cố sinh tử của đại gia đình tôi và cả dân tộc, tôi lại nhớ nhiều đến thím Năm? Bởi vì bà là mẫu người hiền lành và chịu đựng một cách hiếm thấy của những người phụ nữ mà tôi từng gặp.
Bà về nhà chồng. Chồng luôn ở xa. Bà chăm sóc ông bà nội tôi vô điều kiện, thương yêu gia đình chồng, làm lụng vất vả không một lời than vãn.
Tôi cũng từng ăn những bữa cơm đạm bạc do thím nấu. Mẹ tôi cũng là người phụ nữ chịu đựng mà tôi thán phục, nhưng lại ở một mẫu người khác. Hai người con gái họ Lê về nhà chồng có những tương đồng và khác biệt đều rất đáng yêu.
Tôi và Thủy, con gái của chú thím cùng sống chung trong một gia đình suốt tuổi thơ dại. Nghèo khó và trong lành.
Tôi nhìn những gia đình ở Sài Gòn cùng thời với tôi, đứng chụp hình với những chiếc xe hơi Pháp trong Thảo Cầm Viên mà thời đó, chúng tôi, trong giấc mơ cũng không nhìn thấy được. Sài Gòn lúc đó cũng có một gương mặt rất khác, hiền hoà và thanh lịch so với những giai đoạn sau này.
Đừng cho là thế hệ tôi hay sống “hoài cổ” và hay “hoài cố nhân”.
Làm sao mà tìm lại được hình ảnh của những phụ nữ như Mẹ và thím tôi trong lúc này.
Tôi cũng thích hình ảnh đẹp của những người phụ nữ đương đại, trong đó có vài người tôi từng chấm cho họ trở thành hoa hậu hoặc có thể được xếp thấp hơn. Nhưng dứt khoát không phải như những cuộc thi “nhăng cuội” được cho tổ chức gần đây. Xin lỗi trước anh Vương Duy Biên.
Tất nhiên, con người mỗi thời đại mỗi khác. Không ai bê nguyên si nó vào những hoàn cảnh xã hội đã thay đổi.
Nhưng thỉnh thoảng tôi thấy những chiếc áo dài lụa Việt Nam với “tầng tháp cổ” của Trịnh Công Sơn, tôi lại “ngẩn tò te” ra. Và nhớ.
Làm sao tìm lại ngày xưa trong mỗi con người của chúng ta hôm nay đây, hỡi thời thế đã đổi thay đến khủng khiếp?
(viết trong những ngày nằm bệnh sau khi đi Đắk Nông về)
Nguyễn Công Khế