Với những cống hiến cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 nước Việt - Nhật suốt thời gian dài, GS-TS Võ Tòng Xuân được Chính phủ Nhật Bản tặng Huân chương Mặt trời mọc.
Chiều 13.4, tại Trường đại học Nam Cần Thơ, lễ trao tặng huân chương đã diễn ra ấm cúng và trang trọng. Chính phủ Nhật đã từng quyết định trao Huân chương Mặt trời mọc cho GS Võ Tòng Xuân từ 1 năm trước, nhưng vì lý do dịch COVID-19, đến nay mới được tổ chức.
Có mặt tại buổi lễ, ông Watanabe Nobuhiro - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM phát biểu Huân chương Mặt trời mọc, tia sáng vàng và ruy băng đeo được trao cho những người có nhiều thành tích, cống hiến cho sự phát triển nước Nhật hoặc cộng đồng trong lĩnh vực quan hệ ngoại giao. GS Võ Tòng Xuân là người đã đóng góp trong sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa 2 nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này đã được Chính phủ Nhật Bản công nhận và quyết định trao tặng.
Ông Watanabe nói rằng GS Võ Tòng Xuân đã góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu gạo trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới. Chính vì lý do đó, ông được bạn bè quốc tế yêu mến đặt là “Dr Rice” (Tiến sĩ Lúa gạo).
“Thành tích nghiên cứu lúa gạo của GS Xuân không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn lan rộng ra ở Nhật và nhiều nước trong khu vực. Danh hiệu "Dr Rice" của GS Xuân không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới”, ông Watanabe nói và cho biết dù GS Xuân du học ở Nhật Bản vào những năm 70 thế kỷ trước đến nay nhưng mối quan hệ giao lưu học thuật với trường đại học ở Nhật vẫn được duy trì. Nhiều nhà nghiên cứu tại Nhật dưới dự dẫn dắt của GS Xuân vẫn tiếp tục hoạt động cho đến giờ.
GS Võ Tòng Xuân bày tỏ rất tự hào khi được sự công nhận của Chính phủ Nhật. Ông cũng cho rằng đây là thành quả không chỉ của riêng ông mà còn nhiều thế hệ đã học tập, nghiên cứu, duy trì cho đến nay.
Năm 1974, Võ Tòng Xuân là du học sinh tại Trường đại học Kyushu (Nhật) và đã hoàn thành chương trình tiến sĩ nông học tại đây với đề tài nghiên cứu kỹ thuật trồng lúa tại vùng nhiệt đới.
Sau khi về nước, ông công tác tại Trường đại học Cần Thơ và cùng các nhà nghiên cứu Nhật tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu các kỹ thuật trồng lúa. Với tư cách là người tiên phong trong việc giao lưu học thuật giữa 2 nước Việt - Nhật trong lĩnh vực nông học, ông đã xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và phát huy hết mình.
Năm 1997, ông đến Nhật 1 năm và có nhiều nghiên cứu liên quan đến mô hình hợp tác xã nông nghiệp của Nhật, cũng như làm đầu mối thu xếp cho chương trình tham quan học tập cho nông dân và các nhà xây dựng chính sách Việt Nam tại Nhật. Ông cũng có nhiều cống hiến cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 nước thông qua các chương trình hợp tác ODA.