Báo Guardian ngày 15.8 đưa tin Chính quyền Ả rập Saudi bắt cóc 3 ông hoàng chống đối chính phủ hoàng gia, đưa họ về nước từ tháng 9.2015 đến tháng 2.2016.

Chính quyền Ả rập Saudi bắt cóc 3 ông hoàng chống đối

16/08/2017, 10:12

Báo Guardian ngày 15.8 đưa tin Chính quyền Ả rập Saudi bắt cóc 3 ông hoàng chống đối chính phủ hoàng gia, đưa họ về nước từ tháng 9.2015 đến tháng 2.2016.

Hoàng tử Sultan với đoàn tháp tùng - Ảnh: Guardian

Theo chương trình tài liệu Bị bắt cóc! Những ông hoàng Ả rập Saudi mất tích mà BBC sẽ phát sóng trong tuần này, 3 ông hoàng từng là những thành viên chế độ, trước khi họ tham gia các hoạt động hòa bình chống chính phủ Ả rập Saudi, và họ là nạn nhân của chương trình bắt cóc những thành phần chống đối và bỏ trốn ra nước ngoài của chính quyền.

Trong chương trình tài liệu của BBC, Hoàng tử Sultan bin Turki bị bắt cóc ngày 1.2.2016, cùng với 20 thành viên gồm nhiều người phương Tây.

Tường thuật của đoàn tháp tùng người phương Tây

Hai người phương Tây thuật rằng họ đã nhận ra chuyến bay chở đoàn cất cánh từ Paris (Pháp) đã không đến Cairo (Ai Cập) như dự kiến, mà chuyển hướng bay về thủ đô Riyadh của Ả rập Saudi.

Hai người mô tả Hoàng tử Sultan la hét, đánh nhau với tổ tiếp viên, khiến tổ này rút súng để áp chế ông hoàng và kiểm soát các hành khách khác, lúc máy bay mang cờ hiệu Ả rập Saudi hạ cánh.

Cửa máy bay vừa mở, hàng chục xe quân sự ập tới, các binh lính và cảnh sát vũ trang tận răng vây quanh. Ông hoàng hét la, cố gắng tung cú đá nhưng bị lôi xềnh xệch vào một chiếc xe không biển số.

Hoàng tử Sultan cố báo cho đoàn biết họ đang bị bắt cóc và họ nên báo động với sứ quán của nước họ.

Từ đó, ông hoàng không còn xuất hiện trước công chúng.

Báo Guardian ngày 29.3.2016 cũng từng gặp bạn và cộng sự của Hoàng tử Sultan, cho biết ông hoàng tính đến Cairo để thăm bạn bè và người cha (anh lớn của Vua Salman) và cả đoàn đã đặt phòng khách sạn Kempinski, nhưng họ đã không thể nhận phòng.

Theo chương trình tài liệu của BBC, đoàn đi cùng ông hoàng gồm nhiều nữ hành khách phương Tây trẻ trung, bị giữ 3 ngày ở Ả rập Saudi. Hộ chiếu và các thiết bị điện tử của họ bị tịch thu, rồi họ bị binh lính áp giải đến một khách sạn khác.

Trong số binh lính áp giải có người của tổ bay, đến lúc đó mặc quân phục Ả rập Saudi và cầm súng máy.

Cả đoàn bị canh gác chặt chẽ, không có hộ chiếu và nhóm nữ hành khách không có trang phục thích hợp để mặc ra ngoài, nên họ không thể rời khỏi khách sạn.

Sau đó, họ được trả lại điện thoại di động và các phương tiện điện tử, nhưng tất cả hình ảnh chứng minh vụ bắt cóc bị xóa, nhưng trong máy của một người còn sót lại một ảnh chụp bên trong chiếc máy bay của Hoàng tử Sultan.

Vào ngày bị nhốt thứ ba, từng người phương Tây bị đưa vào một phòng của khách sạn, để một sĩ quan quân đội Ả rập Saudi "xin lỗi vì sự bất tiện", rồi bắt họ ký tên vào những văn bản viết bằng tiếng Ả rập, nên họ không biết chúng viết gì.

Rồi người bắt cóc hỏi nhóm người phương Tây muốn đi đâu. Sau đó, từng người được đưa ra sân bay, đi qua một vòng vây an ninh lên máy bay. Trước khi máy bay cất cánh, hộ chiếu của họ mới được trả cho họ.

Hoàng tử Sultan từng bị bắt cóc năm 2003

Chương trình tài liệu của BBC cũng trưng chứng cứ mới về một vụ bắt cóc Hoàng tử Sultan hồi năm 2003 nhưng không thành, dù khiến ông bị nhiều triệu chứng về sức khỏe.

Lúc đó, ông hoàng được bảo vệ 24/24, đã kiện hai quan chức cấp cao của chính quyền Ả rập Saudi là Hoàng tử Abdulaziz bin Fahd và Bộ trưởng các vấn đề Hồi giáo Saleh al-Sheikh. Vụ kiện này vẫn chưa được xét xử ở Geneva (Thụy Sĩ).

Các chứng cứ mới gồm một biên bản khám sức khỏe ở bệnh viện Vua Faisal ở thủ đô Riyadh.

Biên bản này ghi nhận Hoàng tử Sultan bị ngạt thở, được cho thông khí quản ở Geneva trước khi ông được đưa lên một máy bay về Ả rập Saudi.

Chi tiết này phù hợp với việc ông hoàng tố cáo ông bị tiêm vào cổ khi 5 người đàn ông che mặt bắt cóc ông ở Geneva.

Một thành viên người Anh trong đoàn tùy tùng của ông hoàng mô tả: vài giờ sau khi ông bị bắt cóc, Đại sứ Ả rập Saudi ở Thụy Sĩ đến dãy phòng của ông hoàng ở khách sạn Intercontinental tại Geneva, cho đoàn tùy biết rằng họ nên giải tán, vì ông hoàng đã về Riyadh.

Theo chương trình tài iệu của BBC, các chính phủ Thụy Sĩ và phương Tây không tìm cách liên hệ với Hoàng tử Sultan hoặc các ông hoàng bị bắt cóc về Ả rập Saudi.

Quan chức cảnh sát kêu gọi cải cách chính trị cũng "mất tích"

Chương trình tài liệu của BBC cũng trưng chứng cứ chi tiết vụ bắt cóc Hoàng tử Turki bin Bandar, một quan chức cảnh sát từng phụ trách giám sát các thành viên hoàng gia, nhưng rồi ông thua một vụ tranh chấp của cải thừa kế, và ông đào ngũ, bay qua Pháp.

Tại Paris, ông hoàng Turki xin tị nạn chính trị và năm 2009, ông bắt đầu kêu gọi cải cách chính trị Ả rập Saudi.

Tháng 3.2011, ông xuất hiện trên giới truyền thông Iran, bắt đầu đăng trên YouTube nhiều video chỉ trích chế độ Ả rập Saudi, và ông hứa tiết lộ mọi chuyện thâm cung bí sử.

Như các ông hoàng khác, ông chỉ kêu gọi cải cách chính trị phi bạo lực. Vidéo cuối cùng được ông đăng vào tháng 7.2015, rồi ông đi làm ăn ở Morocco, và mất tích từ đó.

Theo tài liệu, một người bạn của Hoàng tử Turki trưng một tờ giấy do ông hoàng viết và đưa cho bạn, trước khi ông bị bắt cóc hồi năm 2015. Nội dung: ông sợ chính phủ Ả rập Saudi sắp bắt cóc hoặc ám sát ông.

Hồi tháng 11.2015, báo As Sabah (Morocco) đưa tin Hoàng tử Turki bị bắt và bị giam ở nhà tù Sala ở Morocco, trong lúc ông chuẩn bị bay về Pháp.

Vài ngày sau, Hoàng tử Turki bị trục xuất về Ả rập Saudi, theo yêu cầu của chính quyền vương quốc này.

Một thành viên phe đối lập từng liên lạc với ông hoàng trước khi ông bị bắt cóc, nói: “Ai đó đã lừa để ông hoàng Turki có ấn tượng Morocco là chốn an toàn để ông làm ăn, và chính quyền Morocco đã giao ông ta cho Ả rập Saudi”.

Chính quyền Ả rập Saudi và Morocco từ chối bình luận về các chứng cứ mới.

Hoàng tử Turki (trái) từng là sĩ quan không quân, chỉ huy cảnh sát

Lo ngại người bất mãn trốn nước ngoài tiết lộ bí mật quốc gia

Cũng theo tài liệu của BBC, một người bạn của Hoàng tử Saud bin Saif al-Nasr bin Saud bin Abdulaziz al-Saud kể: trước khi ông hoàng có cái tên dài thật dài này mất tích, ông hoàng cho rằng chính quyền Ả rập Saudi sắp bắt cóc hoặc ám sát ông, vì ông chống đối chính quyền từ năm 2014.

Tháng 3 năm đó, ông mở tài khoản Twitter, kêu gọi truy tố các quan chức Ả rập Saudi "chống lưng" vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ai Cập Mubarak.

Ông cũng tố cáo hàng tỉ USD mà Ả rập Saudi viện trợ cho Ai Cập đã bị chiếm đoạt, trong những năm cuối trị vì ngai vàng của cố quốc vương Abdullah.

Theo báo Guardian, năm 2015, một tập đoàn thương mại Nga - Ý tìm Hoàng tử Saud, đề nghị ông làm đối tác. Họ thuyết phục ông lên một máy bay riêng qua Ý để ông dự một cuộc họp nhằm ký hợp đồng đối tác.

Nhưng ngày 9.9.2016, tài khoản Twitter của ông bất ngờ im lặng và ông cũng ‘biến mất”, khiến cư dân mạng xã hội đồn đoán ông đã bị bắt cóc.

Thái tử MBS nay có nhiều quyền lực

Theo báo Guardian hồi năm 2016, Hoàng tử Saud cũng công khai kêu gọi lật đổ Thái tử và Phó thái tử lúc đó là Mohamed bin Nayef (MBN) 57 tuổi, và Mohammed bin Salman (MBS), 32 tuổi.

Ngày 21.6.2017, Vua Salman đã phế ngôi Thái tử của cháu trai MBN, để đưa con trai ruột là Phó Thái tử MBS lên thay.

Sau đó, có tin MBS giam lỏng vị cựu thái tử, và có thể được Vua cha truyền ngôi trong tháng 9 tới.

Thái tử MBS cũng thay vệ sĩ của MBN bằng lực lượng trung thành với triều đình. Một quan chức nói: “Họ muốn bảo đảm không thể có bất kỳ âm mưu nào”, và còn nói hoàng gia sợ ông phóng lên máy bay đi Washington với nỗi chán chường và ở đó, “ông ấy tiết lộ tất cả những bí mật quốc gia. Vào lúc này để một nhân vật lớn bất mãn lên tiếng thì rất nguy hiểm”.

Hoàng tử giấu tên đòi lật đổ Vua Salman

Ngày 5.9.2015, một hoàng tử vô danh công bố một lá thư kêu gọi lật đổ Vua Salman, Hoàng từ Saud là thành viên hoàng gia duy nhất công khai ủng hộ ý tưởng này.

Vị hoàng tử được giấu tên, là một trong những cháu nội của nhà lập quốc Abdulaziz Ibn Saud. Ông ta cho Guardian biết: trong hoàng gia không hài lòng Vua Salman, và hồi đầu tháng 9.2015, ông ta đã viết hai lá thư bằng tiếng Ả rập, kêu gọi lật đổ nhà vua.

Vĩnh Thụy (tổng hợp)

+ Vua Salman, 81 tuổi, được cho là đang nằm bệnh viện vì bệnh mất trí nhớ Alzheimer hoặc vài dạng lú lẫn. Ông mới lên ngôi hồi đầu năm 2015.

+ Ả rập Saudi nổi tiếng về chuyện trừng trị các đối thủ chính trị rất cứng rắn ngay trong hoàng tộc.

+ Từ sau lần Vua Faisal lật đổ nhà lập quốc Ibn Saud năm 1964, chưa hề có cuộc chính biến nào, ngoài vụ một ông hoàng bất mãn đã ám sát Vua Faisal năm 1975.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Ả rập Saudi bắt cóc 3 ông hoàng chống đối