Ngày 21.8, phát biểu sĩ tại căn cứ quân sự Fort Myer ở Arlington, Tổng thống Donald Trump đã công bố về chiến lược mới của quân đội Mỹ tại Afghanistan và khu vực Nam Á, nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đã tiến hành tại Afghanistan 16 năm qua.

Chính quyền Donald Trump tiến thoái lưỡng nan ở xứ A Phú Hãn

01/09/2017, 07:34

Ngày 21.8, phát biểu sĩ tại căn cứ quân sự Fort Myer ở Arlington, Tổng thống Donald Trump đã công bố về chiến lược mới của quân đội Mỹ tại Afghanistan và khu vực Nam Á, nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đã tiến hành tại Afghanistan 16 năm qua.

Chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan không được đánh giá cao và bị xem là thiếu thực tế

Chiến lược 3 điểm của Mỹ về Afghanistan và Nam Á

Theo tường thuật của CBS News, với nội dung mới công bố (được cho là kết quả thảo luận giữa Tổng thống Trump với nhóm Cố vấn an ninh quốc gia về quyết định liên quan tới vấn đề Afghanistan, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis), chiến lược mới của Mỹ về Aghanistan và Nam Á bao gồm 3 điểm chính.

Thứ nhất, Mỹ sẽ chuyển từ cách tiếp cận phụ thuộc yếu tố thời gian - mà có thể dẫn đến lịch trình rút quân như chính quyền Tổng thống Obama - sang cách tiếp cận dựa trên những điều kiện thực tế - mà sẽ dẫn đến việc tăng quân cho chiến trường Afghanistan.

“Từ bây giờ, những điều kiện trên thực địa phải là yếu tố quyết định cho chiến lược của chúng ta, chứ không phải là những kế hoạch với thời gian biểu bó buộc”, Tổng thống Trump tuyên bố về điểm khác biệt chính trong chiến lược mới của Washington về cuộc chiến Afghanistan.

Theo ông Trump, việc rút quân nhanh chóng khỏi chiến trường Afghanistan sẽ “dẫn đến những hậu quả có thể lường trước và không chấp nhận được”. Tuy nhiên, Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ lại không tiết lộ về số lượng binh sĩ Mỹ hay kế hoạch triển khai thêm quân tại Afghanistan.

Tổng thống Trump công bố chiến lược mới về Afghanistan và Nam Á

Thứ hai, cuộc chiến tại Afghanistan cần phải được giải quyết bằng cả các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự, cùng với đó là chính phủ Afghanistan cần phải thể hiện trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa trong việc chia sẻ những gánh nặng về kinh tế và quân sự với Mỹ.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, “chỉ riêng sức mạnh quân sự sẽ không mang lại hòa bình cho Afghanistan”. Tổng thống Mỹ cũng đề nghị các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai thêm binh sĩ và hỗ trợ thêm ngân sách cho chiến trường Afghanistan.

Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng cam kết sẽ tăng quyền cho các lực lượng vũ trang Mỹ nhằm thực hiện tốt hành động và có hiệu quả cao trong cuộc chiến tiêu diệt các phần tử khủng bố và những mạng lưới tội phạm đang hoạt động tại Afghanistan.

Thứ ba, Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề tại khu vực Nam Á, nơi đang được xem là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực khủng bố. Trong cách tiếp cận mới này, Mỹ cần tăng cường mối quan hệ với các nước đối tác quan trọng trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ.

Chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan và Nam Á được Tổng thống Donald Trump công bố cho thấy Washington không tập trung vào kế hoạch “xây dựng quốc gia” ở nước ngoài, mà thay vào đó là tập trung chiến đấu chống khủng bố và bảo vệ lợi ích Mỹ khỏi các mối đe dọa an ninh.

Chiến lược mới của chính quyền Trump không được đánh giá cao

Cuộc chiến Afghanistan và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Nam Á là một trong những bài toán khó, thách thức chính quyền Mỹ hơn một thập kỷ qua. Dù gần 800 tỉ USD đã được đổ vào chiến trường này song cho tới nay, Mỹ vẫn chưa đạt được thành quả đáng kể nào trong khi Afghanistan vẫn chìm trong bất ổn.

Chính quyền của Tổng thống Trump bị cho là đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan ở Afghanistan. Rút quân thì sẽ là một thất bại lớn của Mỹ, mà nếu tiếp tục lún sâu hơn nữa, ông Trump sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối từ cử tri và sự chỉ trích từ các đối thủ.

Chính vì vậy mà vị tổng thống doanh nhân phải thay đổi chiến lược nhằm cải thiện tình hình tại Afghanistan và khu vực Nam Á, để từ đó có thể hy vọng vào chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố tại xứ Á-Phú-Hãn cũng như tái lập ảnh hưởng của Mỹ tại Nam Á, song chiến lược mới lại không được đánh giá cao.

Ngay sau khi chiến lược mới của Mỹ được công bố, The Telegraph ngày 22.8 đã bình luận rằng cứ tưởng ông Trump có thể chạy khỏi cuộc chiến dài nhất nước Mỹ, nhưng khi nắm quyền thì ông ta mới nhận ra rằng mọi thứ không hoàn toàn khác với những gì ông ôm ấp và có thể thực hiện.

"Vì vậy thay vào đó, ông ta phải đưa ra một chiến lược mới, một chiến lược sẽ kết hợp sức mạnh ngoại giao, kinh tế với sức mạnh quân sự của Mỹ, hướng tới mục tiêu đảm sẽ không cho phép Talian có thể chiếm được Afghanistan một lần nữa, song thực ra ông Trump đang lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm".

Trong khi đó, ngày 28.8, trả lời phỏng vấn của Bloomberg, tân Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi cũng cho rằng chiến lược mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới công bố nhằm cứu vãn cuộc chiến ở Afghanistan sẽ cùng chung số phận thất bại như các kế hoạch của những người tiền nhiệm.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận ra chiến lược quân sự của Mỹ ở Afghanistan không hiệu quả và mọi việc sẽ luôn như vậy”, ông Khaqan Abbasi khẳng định. Ngài thủ tướng của Hồi quốc cho rằng Washington cần phải có một giải pháp toàn diện cho chiến trường này.

Ngay giới quan sát Afghanistan cũng cho rằng dù Mỹ có gửi thêm nhiều quân tới Afghanistan cũng chẳng giải quyết được vấn đề, bởi người Mỹ bị cho là mắc đã sai lầm trong chiến lược ngay từ khi tấn công vào Afghanistan sau sự kiện 11.9.2001.

Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi cho rằng Mỹ sẽ thất bại với chiến lược mới tại Trung Nam Á

Ông Abdul Bari Barakzai, một thành viên cao cấp của Hội đồng Hòa bình Afghanistan cho biết: "Hiện nay, Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công vào quân đội Afghanistan, quyết đưa Kabul vào thế bất lợi và không thể đảo ngược”, The Washington Post tường thuật.

Theo nhà chính trị Afghanistan, việc Taliban có thể chiếm ưu thế trước Kabul là do người dân Afghanistan đã mất lòng tin vào chính quyền. Do vậy, không làm thay đổi được điều đó thì dù có bao nhiêu quân Mỹ được đưa đến Afghanistan cũng chẳng giải quyết được điều gì.

Giới chức Afghanistan cho rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ chỉ cần thiết với Afghanistan trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì phải hỗ trợ kỹ chiến thuật cho quân đội Afghanistan có thể độc lập chiến đấu và đặc biệt quan trọng là hỗ trợ khả năng quản trị cho chính quyền trung ương tại Kabul.

Tại sao chiến lược mới của Mỹ bị xem là không phù hợp và thiếu tính khả thi?

Giới phân tích cho rằng, chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan và Nam Á không được đánh giá cao vì nó không phù hợp nên thiếu tính khả thi, mà nguyên nhân là do chính quyền Trump không có sự thay đổi trong nhận thức về Afghanistan cũng như lý do Mỹ thất bại tại khu vực Nam Á.

Có thể thấy rằng nhà nước Afghanistan mang tính chất trung ương phân quyền rõ nét nhất hiện nay. Dù không hoàn toàn bị phân chia bởi tính cát cứ nhưng quyền uy và sức mạnh của chính quyền trung ương tại quốc gia này đối với các bộ tộc rất hạn chế.

Theo báo Le Monde, chính sách của Kabul sẽ không được thực thi tại một khu vực nếu không được phép của bộ tộc tại đó. Vì vậy, chính quyền trung ương tại Afghanistan thường không có sức mạnh thật sự. Chính phủ nào muốn khẳng định sức mạnh mà bỏ qua các bộ tộc thì đều thất bại - thể chế luôn chông chênh và chế độ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Đây được xem là sai lầm chết người của Liên Xô trước đây khi đưa quân vào Afghanistan. Tuy nhiên, Mỹ vẫn lặp lại sai lầm ấy trong việc xây dựng chính quyền thân Mỹ tại Afghanistan. Trong hàng chục năm trời chính quyền Hamid Karzai chỉ nắm được Kabul và vùng lân cận, còn các bộ tộc ở những vùng xa lại là đất sống của Taliban. Và khi Mỹ rút đến đâu thì Taliban trỗi dậy đến đó.

Có thể nhận định rằng, trong gần nửa thế kỷ qua, chính quyền Taliban mới là chính quyền có quyền lực nhất tại đất nước Afghanistan. Nhiều người cho rằng điều đó là do Taliban hà khắc nên gây ra sự sợ hãi cho dân chúng Afghanistan chứ không phải chính quyền trung ương của Taliban mạnh.

Song thật sự thì Taliban có sức mạnh của một chính quyền, một nhà nước và điều đó được hình thành từ sự phân chia quyền lợi giữa chính quyền trung ương và các bộ tộc. Và đây mới là nguyên nhân chính của việc Taliban không thể bị tiêu diệt sau hơn chục năm bị quân đội Mỹ lật đổ và tìm diệt.

Chính quyền Taliban bị xóa sổ bởi bom đạn của Mỹ và NATO nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt bằng những thứ vũ khí ấy bởi chúng có một lá chắn rất lợi hại – đó là sự ủng hộ và che chở của các bộ tộc tại Afghanistan.

Hiện nay chính phủ Afghanistan đang mất dần thế kiểm soát vào tay phiến quân Taliban khi lực lượng này này đã chiếm được 40% diện tích đất nước. Theo giới chức Mỹ thì chiến tích Taliban có được là nhờ vào sự trợ giúp của quân đội Pakistan và đây được xem là sai lầm tiếp theo của Washington.

Kết quả hình ảnh cho Picture of Taliban
Taliban có là chắn vững chắc là các bộ lạc khiến chúng không thể bị tiêu diệt bởi bom đạn Mỹ

Thủ tướng Pakistan Abbasi ngay lập tức phản ứng khi khẳng định rằng Islamabad không có ý định cho phép bất cứ nước nào sử dụng lãnh thổ Pakistan để tiến đánh Afghanistan, và cho rằng những gì xảy ra ở xứ A-Phú-Hãn không dây dưa đến Pakistan và nước này không chứa chấp khủng bố.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Pakistan đã công bố số liệu cho thấy cuộc chiến chống khủng bố đã làm kinh tế Pakistan thiệt hại tới hơn 120 tỉ USD và hơn 60.000 người đã thiệt mạng. Pakistan là một trong những nơi tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất thế giới, trong đó nhiều nhất là người Afghanistan.

Điều đó cho thấy Pakistan cũng là nạn nhân của khủng bố chứ không phải là đồng phạm khủng bố. Vì vậy, việc Washington nhìn nhận Islamabad tiếp tay cho Taliban trong cuộc chiến chống lại chính quyền Kabul là không thể chấp nhận được, từ đó tạo ra chia rẽ trong quan hệ Mỹ - Pakistan.

Và đó được xem là thời cơ cho Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược ở Nam Á. Bắc Kinh được cho là đã rót hơn 50 tỉ USD vào các dự án hạ tầng ở Pakistan. Trong 4 năm qua, vốn FDI của doanh nghiệp Trung Quốc tại Pakistan đã lên tới 2,8 tỉ USD, trong khi con số này từ doanh nghiệp Mỹ chỉ là 533 triệu USD.

Theo nhận định của ông Harsh Pant, Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học King’s London thì “Trung Quốc hiện là lá chắn để Pakistan tiếp tục trò chơi kép của mình”. Khi Mỹ tạo ra mâu thuẫn trong quan hệ với Pakistan sẽ giúp Bắc Kinh nhanh chóng thay thế ảnh hưởng của Washington tại Hồi quốc.

Có thể thấy rằng, cả Afghanistan lẫn Pakistan - những thế lực chịu tác động trực tiếp bởi chiến lược mới của Mỹ đều không đánh giá cao sự thay đổi trong quan điểm của Washington, vì vậy Tổng thống Trump khó có thể kỳ vọng vào chiến thắng bằng chiến lược mới của mình.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mô hình AI có thể dự báo lũ lụt ở mọi con sông trên Trái đất với khả năng vượt trội
7 phút trước Nhịp đập khoa học
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển ra mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên ED-DLSTM, có thể dự báo nguy cơ lũ lụt và dòng chảy qua nhiều khu vực, vùng miền khác nhau trên thế giới, ngay cả ở các lưu vực thiếu dữ liệu thủy văn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Donald Trump tiến thoái lưỡng nan ở xứ A Phú Hãn