Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng quy định của UBND TP.Hội An về điều kiện kinh doanh đối với loại hình homestay phải là người địa phương, không có vợ hoặc chồng là người nước ngoài… là có dấu hiệu trái với các quy định của Luật Đầu tư và Luật Du lịch về điều kiện kinh doanh.
UBND TP.Hội An vừa ban hành một số quy định về kinh doanh loại hình homestay (khách du lịch lưu trú tại nhà dân) tại thành phố này. Trong đó có một số điều kiện như chủ kinh doanh homestay phải là người dân Hội An, không có vợ -chồng là người nước ngoài, có hộ khẩu tại căn nhà làm dịch vụ thì mới được kinh doanh; đảm bảo ít nhất hai thế hệ đang sinh sống tại ngôi nhà đó và hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tại thời điểm xin chủ trương đầu tư…
Về kiến trúc xây dựng, chính quyền thành phố này cũng quy định: Nhà có số tầng tối đa là 2 tầng, phải có không gian thờ tổ tiên hoặc ngũ tự gia đường, có phòng sinh hoạt chung, khu vực dành cho khách ở phải liền kề với gian nhà chính. Tổng số phòng ngủ tối đa trong một nhà là 7 phòng, trong đó có tối đa 5 phòng cho khách, không được xây hồ bơi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về luật cho rằng quy định này trái luật và không khả thi.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biếtkinh doanh homestay, hay gọi theo đúng quy định của luật là kinh doanh lưu trú du lịch theo hình thức “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê”, được quy định theo Luật Du lịch và các quy định liên quan.
Theo Luật Du lịch hiện hành (Luật Du lịch 2005) cũng như Luật Du lịch 2017 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018) thì điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, kể cả homestay, là có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Các quy định này của Luật không quy định về điều kiện chủ thể đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là phải là người địa phương hay điều kiện về vợ, chồng, điều kiện thường trú…
Khoản 3 điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 quy định rõ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngànhnghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Do đó, ông Vũ cho rằng quy định của UBND TP.Hội An về điều kiện kinh doanh đối với loại hình homestay phải là người địa phương, không có vợ hoặc chồng là người nước ngoài… là có dấu hiệu trái với các quy định của Luật Đầu tư và Luật Du lịch về điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc xem xét yếu tố vợ hoặc chồng của nhà đầu tư cũng có dấu hiệu bất bình đẳng và không phù hợp với chính sách về hôn nhân và gia đình. Chính sách này đang đi ngược lại với các quy định về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong các ngành nghề mà luật không cấm (theo quy định Luật doanh nghiệp), bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh và không phân biệt đối xử (theo Luật Cạnh tranh).
Theo ông Vũ, các quy định của chính sách này dù có mục đích tốt là để bảo vệ văn hóa, truyền thống địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhưng cũng phải phù hợp với quy định pháp luật chung. Theo đó, điều 6 Luật Cạnh tranh quy địnhcơ quan nhà nước không được phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp.
Quy định của UBND TP.Hội An về điều kiện chủ thể đối với hoạt động kinh doanh homestay cũng không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (TCVN 7800:2009) cũng như tiêu chuẩn của ASEAN về homestay (Tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê của ASEAN).
Đối với hoạt động kinh doanh homestay, cần phân biệt chủ thể kinh doanh dịch vụ này với người dân có nhà và phòng cho thuê; có thể điều kiện để nhà, phòng đưa vào kinh doanh homestay thì đó là phải là nhà ở tại địa phương nhưng đây là điều kiện về cơ sở vật chất; còn điều kiện về chủ thể kinh doanh thì không thể bắt buộc người kinh doanh phải là người địa phương, có hộ khẩu địa phương được, quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Du lịch không có quy định nào như vậy.
Luật sư Vũcho rằngđiều kiện kinh doanh là chỉ căn cứ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hướng dẫn các luật này, địa phương không thể ban hành các quy định riêng về điều kiện kinh doanh mang tính bất bình đẳng, cản trở quyền tự do kinh doanh. Tất nhiên, cũng cần phải có sự đảm bảo các yếu tố về văn hóa, lịch sử nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Vũ nóiNhà nước cần phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; hoạt động đầu tư kinh doanh hợp pháp của nhà đầu tư phải được bảo đảm. Nếu vì thay đổi chính sách mà ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư thì Nhà nước phải có sự bảo đảm, đền bù.
“Nếu có những quy định mới bất lợi cho nhà đầu tư hiện tại thì phải có lộ trình để họ chuyển đổi, đáp ứng các quy định mới hoặc là các quy định mới chỉ áp dụng từ thời điểm các quy định đó có hiệu lực trở về sau chứ không thể áp dụng theo kiểu “hồi tố bất lợi” đối với các nhà đầu tư đã thực hiện hoạt động đầu tư”, ông Vũ nêu.
Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằngquy định về điều kiện kinh doanh homestay của TP.Hội An có dấu hiệu trái luật, không khả thi. “Tôi hy vọng các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền sẽ xem xét lại các quy định này để hướng xử lý phù hợp, vừa đảm bảo hài hòa việc bảo tồn lịch sử, văn hóa địa phương, vừa đảm bảo được quyền tự do đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Hoài Phong