Tổng thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu từ tổng cộng 13 nước, gồm 11 thành viên của TPP và 2 thành viên NAFTA, trong năm 2016 vẫn chưa thấm vào đâu so với một mình Trung Quốc. Phải chăng Donald Trump đang chọn sai mục tiêu trong việc xoay chuyển cán cân thương mại của Mỹ?

Chịu thâm hụt thương mại lớn nhất từ Trung Quốc, Donald Trump vẫn chưa hành động

19/02/2017, 14:33

Tổng thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu từ tổng cộng 13 nước, gồm 11 thành viên của TPP và 2 thành viên NAFTA, trong năm 2016 vẫn chưa thấm vào đâu so với một mình Trung Quốc. Phải chăng Donald Trump đang chọn sai mục tiêu trong việc xoay chuyển cán cân thương mại của Mỹ?

Tân tổng thống Mỹ Donald Trump đang chứng tỏ mình là một người biết giữ lời hứa, ít nhất là trong các vấn đề kinh tế-thương mại. Hai thỏa thuận thương mại quan trọng nhất mà ông Trump hứa sẽ điều chỉnh đều đã được thực hiện: nước Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), còn Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng đã được xếp vào diện bắt buộc điều chỉnh lại theo hướng có lợi cho Mỹ.

Theo quan điểm của vị chủ mới của Nhà Trắng, thì cả 2 hiệp định này đều sẽ khiến Mỹ mất việc làm và thâm hụt thương mại trầm trọng hơn. Nhưng, chỉ xét riêng trên khía cạnh thâm hụt thương mại, thì điều này có lẽ không thực sự chính xác. Tổng thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu từ tổng cộng 13 nước thành viên của TPP (11) và NAFTA (2) vẫn chưa thấm vào đâu so với một mình Trung Quốc. Và không nên quên rằng, ông Trump vẫn chưa thực hiện lời hứa quan trọng nhất về thương mại của mình, đó là nâng thuế suất hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 45%.

Một báo cáo thống kê tình hình thương mại của Mỹ với các nền kinh tế trên khắp thế giới trong năm 2016 mới được công bố dường như đang chỉ ra một thực tế rằng: TPP và NAFTA không phải là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ, ít nhất là trên khía cạnh thâm hụt thương mại. Mexico, quốc gia bị Donald Trump chỉ đích danh cho những bất công lớn mà Mỹ phải gánh chịu do các hiệp định thương mại nói chung và NAFTA nói riêng, là một ví dụ điển hình. Trong năm 2016, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico là 63 tỉ USD – một con số có vẻ lớn nhưng chỉ chiếm 12% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia lên tới 525 tỉ USD (Mỹ xuất khẩu 44% sang Mexico và nhập khẩu 56% từ nước này).

Những con số về tình hình thương mại giữa Mỹ và nền kinh tế còn lại trong NAFTA là Canada thậm chí còn gây sốc hơn: thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này chỉ vỏn vẹn hơn 10 tỉ USD, chiếm 2% trong tổng số 544 tỉ USD kim ngạch giao dịch (Mỹ xuất khẩu 49% sang Canada và nhập khẩu 51% từ nước này). Nó cho thấy Canada đang là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Mỹ trên mọi phương diện, từ tổng kim ngạch giao dịch lớn cho tới cán cân xuất nhập khẩu rất cân bằng và mức thâm hụt thương mại cực nhỏ.

Điều tương tự cũng diễn ra đối với các nền kinh tế trong TPP mà ông Trump vừa ký sắc lệnh hủy bỏ. Nhật Bản là nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong số 11 quốc gia thành viên còn lại trong TPP, khoảng 70 tỉ USD và chiếm 36% tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Nhật (195 tỉ USD). Quốc gia đứng đầu ASEAN về tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ và đồng thời cũng là thành viên TPP là Việt Nam cũng chỉ đạt mức thặng dư thương mại khoảng gần 30 tỉ USD với Mỹ trong năm 2016 mà thôi.

Bản báo cáo về tình hình thương mại 2016 cho thấy, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ hàng năm đến từ một số nơi khác. Trong số đó, đối tượng chủ yếu nhất là Trung Quốc, khi nước này đứng thứ hai về tỷ lệ thâm hụt và đứng đầu bảng về tổng giá trị thâm hụt thương mại mà Mỹ phải gánh chịu.

Theo đó, trong năm 2016, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 347 tỉ USD, chiếm 60% trong tổng số 578 tỉ USD kim ngạch giao dịch thương mại hai chiều (Mỹ xuất khẩu 20% và nhập khẩu 80% từ Trung Quốc). Con số 347 tỉ USD thâm hụt với Trung Quốc này chiếm khoảng 45% tổng mức thâm hụt thương mại mà Mỹ phải gánh chịu trong năm 2016 là 743 tỉ USD.

Xét về tỷ lệ thâm hụt, thì Trung Quốc chỉ thua Ireland khi mức thâm hụt mà Mỹ phải chịu từ nước này lên tới 66%, tuy nhiên vì quy mô thương mại Mỹ-Ireland khá nhỏ (chỉ đạt 55 tỉ USD trong năm 2016) nên giá trị thâm hụt mà Mỹ phải chịu lại khá thấp: khoảng 40 tỉ USD mà thôi.

Tất cả những điều này cho thấy: Donald Trump dường như đang chọn sai mục tiêu trong việc xoay chuyển cán cân thương mại của nước Mỹ. NAFTA đang cực kỳ có lợi cho thương mại của Mỹ, đặc biệt là trong quan hệ với Canada; TPP cũng tương tự. Tổng mức thâm hụt mà Mỹ phải gánh chịu từ cả NAFTA lẫn TPP (nếu thỏa thuận này có hiệu lực) dự tính sẽ ở mức tương đối khiêm tốn, có lẽ chỉ dao động ở mức 150-200 tỉ USD/năm, tức là chỉ chiếm khoảng chưa tới 30% tổng thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ, và chỉ bằng khoảng một nửa so với mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vốn đang là nguyên nhân lớn nhất gây ra thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ đến giờ phút này lại chưa phải nhận bất cứ tác động nào từ phía Donald Trump. Chưa khi nào người dân Mỹ nói riêng và thế giới nói chung (đặc biệt là các quốc gia thành viên NAFTA và TPP) lại mong chờ ông Trump thực hiện lời hứa ký sắc lệnh đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 45% như vào thời điểm hiện tại.

Chưa kể, về lâu dài rõ ràng NAFTA và TPP sẽ đem lại lợi ích cho kinh tế Mỹ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Ký sắc lệnh hủy bỏ TPP và đưa NAFTA vào diện đàm phán lại trong khi chưa có bất cứ động thái nào với Trung Quốc về thương mại, có lẽ ông Trump nên làm gì đó trước khi bị coi là hổ giấy.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
10 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chịu thâm hụt thương mại lớn nhất từ Trung Quốc, Donald Trump vẫn chưa hành động