Cà Mau – tỉnh cuối cùng ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở địa phương này liên tục tăng cao với trên 1.000 ca mắc mỗi ngày.
Trước thực trạng ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh “chóng mặt” như hiện nay, tỉnh Cà Mau đã đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ thuốc, nhân lực phục vụ phòng chống dịch đạt hiệu quả. Vậy nguyên nhân nào đã khiến COVID-19 ở Cà Mau lây lan nhanh?
Chủ quan, lơ là
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ ra rằng, ý thức chủ quan, lơ là của nhiều người dân (kể cả cán bộ, đảng viên) trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện chưa nghiêm quy tắc 5K. Cụ thể, không đeo khẩu trang khi đi lại, giao tiếp; không giữ đúng khoảng cách giữa người với người; tổ chức đám, tiệc có tập trung đông người; không thường xuyên khử khuẩn theo quy định.
“Nhiều người dân chưa hiểu đúng tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tiêm vắc xin nên không tự giác, né tránh, không hợp tác với lực lượng tiêm ngừa. Một số người đã tiêm 2 mũi vắc xin đã có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch nên mang mầm bệnh về lây lan cho người lớn tuổi và trẻ em trong gia đình. Trong khi những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm giảm dân theo thời gian, còn những người mới tiêm vắc xin thì cần phải có thời gian để tạo ra miễn dịch nên dễ bị lây nhiễm”, ông Việt đánh giá.
Cùng với đó, việc thực hiện cơ chế quản lý mới theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế quy định các hoạt động trở lại bình thường. Từ đó, người dân giao lưu, đi lại bình thường, các địa phương nới lỏng các biện pháp quản lý để người dân vừa phòng chống dịch một cách linh hoạt, vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt, nhằm ổn định đời sống người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế… Đây cũng là nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.
Tiến độ bao phủ vắc xin được triển khai nhanh, đến nay tỷ lệ người dân từ 12 tuổi trở lên tại Cà Mau được tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 96%, mũi 2 đạt gần 90%. Hiện các địa phương trong tỉnh triển khai tiêm mũi 3 cho các đối tượng theo quy định. Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, hiện vẫn còn một số người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi nên tình trạng lây nhiễm trong các đối tượng này rất cao. Chủ yếu là người lớn tuổi, người có bệnh nền và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng.
Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu trong cộng đồng từ đợt dịch lần thứ 4 kết hợp với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và biện pháp khoanh vùng, cách ly dập dịch như trước đây không còn phù hợp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, thêm một nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng cao ở địa phương trong những ngày qua nữa là, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa kịp, còn lơ là, bị động. “Nhiều nơi có trường hợp F0 rất chậm việc truy vết F1, khâu quản lý F1 còn buông lỏng. Một số chủ doanh nghiệp còn lơ là trong phòng chống dịch, nhiều ổ dịch tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bùng phát nhưng chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa có biện pháp dập dịch kịp thời dẫn đến mất kiểm soát ở một số cơ sở”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá.
Một nguyên nhân khách quan nữa là hiện toàn tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện xét nghiệm định kỳ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, vận động người dân tự xét nghiệm test nhanh để kịp thời, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nên số lượng F0 tăng cao.
Giải pháp nào để khống chế dịch bệnh?
Đánh giá của chính quyền tỉnh Cà Mau, từ những nguyên nhân cơ bản trên đã dẫn tới dịch bệnh trong tỉnh diễn biến nhanh chóng và phức tạp như những ngày vừa qua. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì dịch bệnh rất khó kiểm soát, ngăn chặn và sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế, nguy cơ số ca chuyển nặng và tử vong tăng cao.
Dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, biến chủng Omicron đã xuất hiện và lây lan nhanh tại nhiều quốc gia, châu lục. Khuyến cáo của các Tổ chức Y tế Thế giới, tốc độ lay lan của Omicron có thể cao gấp nhiều lần so biến thể Delta.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, nhất là triệt để thực hiện nguyên tắc 5K. “Người dân phải là chủ thể trong phòng chống dịch, nên mỗi người không được chủ quan, lơ là, phải thay đổi hành vi, lối sống lành mạnh, tích cực. Phải xác định mối quan hệ, sinh hoạt phù hợp với từng cấp độ dịch bệnh ở địa phương, địa bàn cư trú.
Các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền đủ mạnh, có định hướng, bám sát địa bàn cơ sở. Xác định nội dung tuyên truyền phù hợp, đúng trọng tâm và được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Kêu gọi, động viên, hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm tại nhà, hưởng ứng và có trách nhiệm cao với đợt sàng lọc cộng đồng lần này. Trường hợp người dân phát hiện dương tính phải báo cáo ngay cho cơ sở y tế”, ông Việt chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các huyện, TP.Cà Mau khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm vắc xin trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ mũi cho 100% người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trước 31.12.2021 và người từ 12 – 18 tuổi hoàn thành trước 30.1.2022. Các trạm y tế xã, trạm y tế lưu động có trách nhiệm tiêm vét tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người di chuyển khó khăn. Sở Y tế khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện tiêm mũi bổ sung, tăng cường theo quy định của Bộ Y tế.
Người đứng đầu chính quyền Cà Mau giao các địa phương kiểm tra, rà soát và thực hiện tốt việc quản lý, điều trị F0 tại nhà. Huy động các lực lượng thực hiện tốt việc phân loại, chăm sóc, theo dõi người bệnh và phát huy tối đa vai trò trạm y tế lưu động.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh như ứng dụng các phần mềm nhập dữ liệu xét nghiệm, trả kết quả cho người dân; phần mềm quản lý F0 tại nhà. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội và tăng cường tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở xử lý những trường hợp vi phạm an toàn về phòng chống dịch theo quy định pháp luật.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Tây nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Do vậy ý thức của người dân trong phòng chống dịch sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong trận chiến này. Vì vậy, người dân chớ chủ quan, lơ là với dịch bệnh.