Sáng 20.8, Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch - khớp của bệnh viện vừa thực hiện thành công việc đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 2 bệnh nhân được phát hiện tình cờ khi vào viện vì viêm ruột thừa và sỏi niệu quản.

Chớ chủ quan việc khám sức khỏe định kỳ

20/08/2020, 11:42

Sáng 20.8, Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch - khớp của bệnh viện vừa thực hiện thành công việc đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 2 bệnh nhân được phát hiện tình cờ khi vào viện vì viêm ruột thừa và sỏi niệu quản.

Các bác sĩ can thiệp tim cho bệnh nhân- Ảnh: Phong Phạm

Vào lúc 23 giờ ngày 7.8, Khoa Cấp cứu BVĐKTƯCT tiếp nhận bệnh nhân Côl Thị Ph. (SN 1965, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được chuyển đến với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp - block nhĩ thất độ 2. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, nhịp tim chậm. Bệnh nhân biết mình bị rối loạn nhịp chậm nhưng không điều trị và không khám sức khỏe định kỳ.

Kết quả siêu âm bụng tổng quát cho thấy hình ảnh viêm ruột thừa; điện tâm đồ: block nhĩ thất cao độ tần số thất 30-40 lần/phút. Tiến hành hội chẩn, các chuyên khoa thống nhất chẩn đoán viêm ruột thừa cấp/block nhĩ cao độ - đái tháo đường type 2 - tăng huyết áp. Do nguy cơ trong phẫu thuật rất cao do nhịp rất chậm, các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu cho bệnh nhân trước.

Sau can thiệp, sức khỏe của bà Ph. đã ổn định - Ảnh: Phong Phạm

Sau can thiệp nhịp tim đạt 60 lần/phút, bảo đảm an toàn cho phẫu thuật cấp cứu, ê kíp Ths-BS Đặng Hồng Quân (Khoa Ngoại tổng hợp), BSCK2 Thái Đắc Vinh - Phó khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật ruột thừa cho bệnh nhân. Ngày 17.8 bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Sáng 20.8 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, nhịp tim ổn định 60 lần/phút và xuất viện.

Bệnh nhân thứ 2 là ông Nguyễn Hoàng S. (SN 1975, ngụ H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến vào lúc 10 giờ 30 ngày 12.8 vì sỏi niệu quản và thận ứ nước. Điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân bị block nhĩ thất cao độ với tần số thất 28 - 30 lần/phút. Bệnh nhân không biết tình trạng nhịp tim chậm trước đó và cũng không khám sức khỏe định kỳ.

Xác định nhịp tim của bệnh nhân rất chậm, nguy cơ đột tử cao nên các bác sĩ tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu và đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn vào ngày 18.8 do Ths-BS Thân Hoàng Minh cùng ê kíp thực hiện. Sáng 20.8 bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, nhịp tim 60 lần/phút và được chuyển khoa Ngoại thận tiết niệu để phẫu thuật.

Bệnh nhân Nguyễn Hoàng S. được bác sĩ khám lại - Ảnh: Phong Phạm

Do hoàn cảnh kinh tế, cả hai bệnh nhân đều có cuộc sống rất khó khăn, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho cả hai.

Theo BSCK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức: “Tình trạng nhịp tim quá chậm như vậy nếu tiến hành phẫu thuật thì nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao. Vì vậy để phẫu thuật an toàn cho bệnh nhân, cần đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật”.

Theo BS-CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch của BVĐKTƯCT: “Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút (trừ vận động viên hoặc người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể có nhịp tim dưới 60 lần/phút). Ở một người khỏe mạnh, nhịp tim bình thường dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần/phút. Nếu nhịp tim trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh, còn dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm.

Khi bị bệnh lý rối loạn nhịp chậm, tim đập chậm hơn bình thường, ví dụ dưới 50 lần/phút, dưới 40 lần/phút, thậm chí dưới 30 lần/phút hoặc có khi ngưng tim kéo dài. Tùy mức độ nhịp chậm, bệnh nhân có thể có biểu hiện khác nhau. Trường hợp nhịp chậm nhẹ thì bệnh nhân sẽ mệt, không có khả năng gắng sức, choáng váng, trường hợp nặng thì có thể dẫn đến ngất do thiếu máu não, có khi ngưng tim đột tử”.

Theo các bác sĩ, khi có biểu hiện mệt, choáng váng, không có khả năng gắng sức, ngất xỉu, thì cần đi khám bệnh ngay để tầm soát phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp chậm. Quan trọng nhất là phải khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Bệnh lý rối loạn nhịp chậm nhiều khi không rõ ràng, có khi biểu hiện giống các bệnh lý suy nhược, rối loạn tiền đình, có khi không có triệu chứng. Vì vậy, cần phải khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh.

Phong Phạm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chớ chủ quan việc khám sức khỏe định kỳ