Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), ông Đặng Thương nói chỗ ngồi bán rau giá 26 triệu ‘là phù hợp’ so với mặt bằng chung.

Chỗ ngồi bán rau giá 26 triệu ‘là phù hợp’

Một Thế Giới | 03/11/2015, 11:25

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), ông Đặng Thương nói chỗ ngồi bán rau giá 26 triệu ‘là phù hợp’ so với mặt bằng chung.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới sáng 3.11, ông Đặng Thương cho biết, sau việc hàng trăm tiểu thương ở chợ Lệ Trạch (xã Hòa Tiến, Hòa Vang) phản đối chuyện di dời chợ vào ngày hôm qua, lãnh đạo huyện đã xuống hiện trường xem xét tình hình.

Theo ông Thương, dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ đồng do thành phố làm chủ đầu tư nhưng ủy quyền cho huyện điều hành dự án. Vốn ngân sách là 50% và đóng góp từ tiểu thương một nửa. Huyện đã bỏ thêm vào 2 tỉ để đỡ phần nào cho tiểu thương.

Trả lời về việc người dân phản đối mức áp giá các ki-ốt kinh doanh ở chợ mới quá cao, ông Thương cho hay: “Cao thấp chưa xác định được, làm chợ xong bao nhiêu mới biết được chứ bây giờ biết được chính xác đâu. Bây giờ chỉ tính toán qua chứ chưa hoàn toàn, và chỉ mới công bố tạm thời”.

Ông Thương cho rằng ‘so với các chợ khác thì đâu có cao’. “Nếu họ nói cao thì xem xét lại, nhưng theo tôi giá đó thì không cao, là phù hợp với đóng góp của bà con ở đó. Còn họ không đồng tình thì dừng dự án lại, trước hết là tạm dừng”.

Về việc tiểu thương phản ánh giấy chứng nhận giao quyền sử dụng lâu dài các quầy buôn bán trong chợ cũ bị xã thông báo không còn giá trị, chủ tịch huyện Hòa Vang cho hay: ‘tôi không biết, xã nắm rõ hơn, chợ đó do xã quản lý’.

“Chợ này từng nói là vĩnh viễn, nhưng giờ xuống cấp rồi, mưa dột có nguy cơ sụp đổ nên làm cái chợ mới cho nó hoành tráng, đẹp hơn và rộng gấp đôi chợ cũ”, ông Thương nói.

Như Một Thế Giới đã phản ánh, một đơn kiến nghị tập thể đã được rất nhiều tiểu thương chợ Lệ Trạch ký tên để thắc mắc 3 vấn đề cơ bản xung quanh việc xã Hòa Tiến đang di dời họ ra khỏi chợ cũ để xây dựng chợ mới.

Thứ nhất, họ khẳng định trước đây đã bỏ ra một khoản tiền để đấu giá mặt bằng buôn bán và đã được cấp giấy chứng nhận giao quyền sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, nhiều người cho biết xã đã có thông báo giấy chứng nhận này đã không còn giá trị.

Vấn đề cốt lõi nhất là việc áp giá ki-ốt kinh doanh cho các hộ tiểu thương khi vào chợ mới. Đơn cử như sạp gia vị có giá 33,5 triệu đồng, được giảm 12%. Chỗ ngồi bán rau có giá 26 triệu đồng, được giảm 8%. Sạp cá giá 26 triệu đồng, được giảm 8%. Ki-ốt 8m2 có giá 95 triệu đồng, được giảm 30%...

“Chúng tôi không biết việc áp đặt mức giá trên là căn cứ vào đâu? Mức giá quá cao so với thu nhập của chúng tôi. Trong khi đó, trước đây chúng tôi đã được tiến hành đấu giá và phải trả một khoản lớn để có được mặt bằng kinh doanh như hiện tại rồi. Do đó, chúng tôi không đồng ý với mức giá áp đặt trên”, đơn kiến nghị cho hay.

Đồng thời, với giấy sở hữu mặt bằng lâu dài ở chợ cũ đã đấu giá và trả tiền, tiểu thương yêu cầu chính quyền giải quyết quyền lợi cho họ trong trường hợp họ không đủ khả năng tài chính mua ki-ốt ở chợ mới. 

Tiểu thương cho biết, họ hoàn toàn ủng hộ việc xây chợ mới nhưng những thắc mắc của họ cần được giới chức chính quyền giải quyết thỏa đáng.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỗ ngồi bán rau giá 26 triệu ‘là phù hợp’