Ông Nhâm Hùng, người có nhiều nghiên cứu về chợ nổi miền Tây cho rằng “Chợ nổi hình thành đã lâu đời ở vùng đất này. Chợ tự nhiên quần tụ để trao đổi giao lưu hàng hóa trên sông nước, nhưng hiện nay nó đã hết vai trò lịch sử”.

Chợ nổi miền Tây Nam Bộ liệu đã hết vai trò?

Văn Kim Khanh | 08/06/2023, 07:34

Ông Nhâm Hùng, người có nhiều nghiên cứu về chợ nổi miền Tây cho rằng “Chợ nổi hình thành đã lâu đời ở vùng đất này. Chợ tự nhiên quần tụ để trao đổi giao lưu hàng hóa trên sông nước, nhưng hiện nay nó đã hết vai trò lịch sử”.

Cũng theo ông Nhâm Hùng, cách nay 200 - 300 năm, vùng đất phương nam giao thông thời bấy giờ chủ yếu là trên sông nước. Vùng đất hoang vu này rất khắc nghiệt qua câu ca dao xưa:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng cọp tha”.

Khi sự đi lại chủ yếu bằng sông rạch thì giao thương trên sông nước thuở ban sơ ấy thông qua chợ nổi trên sông, là chuyện tất nhiên.

cn-cai-rang-mew.jpg
Chợ nổi Cái Răng trước kia - Ảnh: Internet

Ở miền Tây Nam Bộ, chợ nổi thường họp tại các ngã ba sông hoặc nơi nhiều nhánh sông chụm lại, tiêu biểu nhất là chợ nổi Ngã Bảy trước kia. Chợ nổi là nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp bềnh bồng trên sông, giữa một vùng sông nước hàng trăm ghe, tam bản, xuồng của cư dân tụ lại buôn bán hàng hóa trái cây, nông sản. Một số nơi có ghe hàng bán hàng bách hóa như bánh kẹo, đường đậu, nước tương, nước mắm…

cn-nga-nam-an-uong.jpg
Chợ nổi Ngã Năm - Ảnh: Internet

Nhu cầu ăn uống nảy sinh nên chợ nổi có những tam bản, xuồng bán đồ ăn thức uống như bún nước lèo, hủ tíu, bánh dân gian, tàu hủ, bánh lọt, cà phê, nước đá...

Nói chung chợ nổi ở miền Tây bán nông sản là chính, ngoài ra những gì chợ trên đất có bán thì chợ nổi cũng bán. Chợ họp từ 3 - 4 giờ sáng đến chiều, tối. Ai có nhu cầu mua bán hàng hóa cứ ghé ghe xuồng vào. Trên ghe chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây như cam, quýt, xoài, mận, sầu riêng, dưa, măng cụt, dừa khô, dừa tươi... Có nơi chợ nổi còn bán cả cừ tràm, lá chầm lợp nhà.

Nét độc đáo của những ghe thương hồ buôn bán trái cây nông sản này là treo “bẹo” hàng hóa để cho khách biết mua bán. Bẹo là trái cây mà ghe đang có hàng. Ví dụ như ghe khóm thì treo bẹo khóm; dưa hấu, bí đỏ, xoài thì treo trái ấy cho khách biết mà mua bán. Bẹo thường được treo trên cây sào, bẹo lủng lẳng như mời gọi khách hàng sản phẩm mà mình có. Khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào là có thể biết trên thuyền ghe đó có bán thứ hàng mình cần hay không.

cho-noi-ca-mau-vntri.jpg
Chợ nổi Cà Mau - Ảnh: Internet

Đồng bằng sông Cửu Long là xứ nhiệt đới trái cây, khoai, củ, rau quả rất đa dạng và phong phú, mùa nào cũng có thể đi mua bán những mặt hàng này. Từ đó, một số cư dân ở đây hình thành nên thói quen tự phát là đi mua bán các loại trái cây, rau củ quả lúc nông nhàn hoặc thành nghề truyền từ đời này sang đời khác. Người nghèo thì đi bán hàng bằng ghe, xuồng nhỏ, người giàu thì sắm ghe lớn, khá hơn nữa thì sắm ghe đi tỉnh này, tỉnh khác mua hàng nông sản. Giàu hơn nữa những chủ ghe mua nhà đất ngay vùng chợ nổi hoạt động để làm vựa trái cây, lên hàng, xuống hàng và dùng xe tải chở hàng đi Sài Gòn và lục tỉnh.

163cholongxuyen.jpg
Chợ nổi Long xuyên - Ảnh: Internet

Miền Tây với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện thuận lợi cho xuồng, ghe đi khắp nơi trong vùng. Chính vì ghe, xuồng có thể lưu thông tự do khắp nơi trong đồng bằng như vậy nên thương lái có thể len lỏi mọi ngõ ngách ở đồng bằng tìm mua các loại trái cây, khoai củ, rau quả mà nông dân, người làm vườn bán tại vườn với số lượng nhiều, giá rẻ. Từ các ngõ ngách, hàng hóa ra đến chợ nổi thỏa thuận giá, sang qua ghe là có lời. Từ những người kiếm sống trên sông nước, dần dà những thương nhân miệt vườn này thành thương nhân chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chợ nổi dần dần hết sung, một vài chợ tàn lụi, như chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Phong Điền… Chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cà Mau, chợ nổi Cái Bè giảm dần lượng khách và có những biểu hiện cho thấy chợ nổi đang sắp kết thúc vai trò lịch sử.

cn-cr-5.jpg
Chợ nổi Cái Răng bị bờ kè bê tông gây khó khăn cho việc buôn bán - Ảnh: Văn Kim Khanh

Gần đây nhiều thông tin cho rằng chợ nổi đã kết thúc vai trò lịch sử, vì vậy nó sẽ dần dần biến mất. Nếu xét về khía cạnh giao thông và phát triển, giao thông hàng hóa bằng đường thủy đã bị giao thông đường bộ và đường hàng không thay thế. Ngày nay hệ thống giao thông đường bộ mở ra đến tận ấp, xã. Giao thông nông thôn, hương lộ đang làm cho việc mua bán hàng nông sản, rau củ quả dễ dàng di chuyển bằng đường bộ. Xe tải nhỏ, xe tải lớn, xe gắn máy chở hàng nông sản ra tận những chủ vựa, nhà kho, từ đó hàng lên xe tải lớn dọc ngang nam bắc, thậm chí hàng đi tận Trung Quốc, Campuchia...

cho-noi-cai-be-tien-.jpg
Chợ nổi Cái Bè trước kia - Ảnh: Internet 

Trước thực trạng nhiều chợ nổi có nguy cơ biến mất ở ĐBSCL, TP.Cần Thơ đã có động thái bảo tồn chợ nổi Cái Răng phục vụ cho hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cần Thơ vừa ký ban hành kế hoạch Cần Thơ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch. Cần Thơ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng; tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch chợ nổi Cái Răng thành điểm đến của du khách.

Người dân và du khách mong đợi Cần Thơ  và các tỉnh miền Tây Nam Bộ có kế hoạch bảo tồn thành công chợ nổi địa phương mình để giữ lại hình ảnh chợ nổi đặc trưng, gần gũi, thân thương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ nổi miền Tây Nam Bộ liệu đã hết vai trò?