Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn A (79 tuổi, thương binh ở xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Hiện ông A đang gửi đơn cầu cứu đến nhiều sở ngành và lãnh đạo UBND tỉnh.
Ông A cho biết bản thân rất bức xúc khi TAND huyện Trà Ôn tuyên án buộc ông phải tiếp tục cho ông Đặng Tuấn Khanh (xã Thới Hòa, cùng huyện Trà Ôn) thuê khoảng 7.600 mét vuông đất ruộng lúa để trồng cam.
Theo ông A, ngày 25.5.2017, ông ký hợp đồng cho ông Khanh thuê đất trồng cam, thời hạn kết thúc hợp đồng là 4 năm (tức đến ngày 25.5.2021). Trong thời gian còn hợp đồng, đôi bên không tranh chấp gì, ông Khanh cũng trả đủ tiền thuê đất.
Gần đến ngày kết thúc hợp đồng, cụ thể là ngày 7.5.2021, ông Khanh đã chủ động trả 13 triệu đồng cho ông A, đây là số tiền để chủ đất cải tạo lại đất.
"Ai thuê đất ruộng trồng cam đến lúc kết thúc hợp đồng cũng trả tiền này để chủ đất thuê người cải tạo đất trả lại tình trạng ban đầu là đất trồng lúa. Coi như ông Khanh đã thanh lý hợp đồng và hợp đồng kết thúc êm đẹp. Trước đó, ông Khanh cũng đã trả tiền thuê đất là 104 triệu đồng" - ông A nói.
Đến ngày kết thúc hợp đồng 25.5.2021, ông Khanh không đến gặp ông để bàn bạc, thỏa thuận gia hạn hợp đồng. Đầu tháng 7.2021 (sau hơn 1 tháng hợp đồng hết hạn), ông Khanh tìm đến ông A xin gia hạn. Do hai bên không thỏa thuận được nên xảy ra mâu thuẫn.
Tháng 10.2021, ông Khanh kiện ông A ra TAND huyện Trà Ôn, yêu cầu ông A tiếp tục cho thuê đất để trồng cam. Là nguyên đơn, ông Khanh trình bày trong 4 năm thuê đất, ông đã 2 lần trả đủ tiền. Trong hợp đồng, cũng có điều khoản "nếu hết hợp đồng mà cam của bên B (của ông Khanh - PV) còn khả năng thu nhập thì bên A cho bên B gia hạn thêm, số tiền mỗi năm gia hạn như hợp đồng ban đầu là 4 triệu đồng". Ông Khanh yêu cầu tòa giải quyết buộc ông A cho thuê thêm 7 năm, tính từ ngày 25.5.2021 đến 25.5.2028, với giá thuê 4,5 triệu đồng/1.000 mét vuông.
Ông A sau đó có đơn phản đối, trình bày trong thời gian cho thuê đất hai bên không xảy ra tranh chấp. Khi hết hạn cho thuê vào ngày 25.5.2021, ông Khanh không tự nguyện giao đất nên mới có tranh chấp. Ông A yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng thuê đất trên, buộc ông Khanh chặt bỏ cam, trả lại đất; buộc ông Khanh bồi thường thiệt hại do chiếm dụng đất trái phép từ lúc hết hợp đồng đến ngày xét xử sơ thẩm vụ việc (ngày 29.4.2022).
Trong bản án, TAND huyện Trà Ôn nhận định hợp đồng thuê đất trên không đăng ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất theo quy định, lẽ ra bị vô hiệu. Tuy nhiên, việc thuê đất trên là hoàn toàn tự nguyện, ông Khanh đã nhận đất và khai thác sử dụng 4 năm và đã trả đủ tiền nên hợp đồng này có hiệu lực pháp luật.
HĐXX nhận định trong hợp đồng có điều 4 quy định khi hết thời hạn thuê 4 năm, bên thuê được phép gia hạn hợp đồng từng năm nếu cam còn cho thu hoạch và khi bên thuê không còn nhu cầu thuê đất. Ngoài ra, HĐXX cũng cho rằng, theo điều 8 quy định về bồi thường cây trồng khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, thì cây cam là loại cây trồng thuộc nhóm 1 giai đoạn phát triển tốt và trái ổn định là từ 3-10 năm.
Vì các lẽ đó, HĐXX tòa án huyện buộc ông A tiếp tục cho ông Khanh thuê đất trồng cam thêm 6 năm nữa (đến tháng 5.2027).
Ông A nói: "Đất tôi là chuyên trồng lúa chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển trồng cây ăn trái. Do đó, tôi muốn lấy lại chia cho các con trồng lúa nhưng không ngờ tòa sơ thẩm lại tước quyền sử dụng đất của tôi, lấy đất cho ông Khanh thuê thêm 6 năm nữa. Vấn đề này hoàn toàn ngoài ý muốn gia đình tôi, làm cho diện tích này được sử dụng không đúng mục đích và vi phạm Luật Đất đai".
Tuy nhiên, theo ông A, giá thuê đất ruộng lên vườn trồng cam ở địa phương thời điểm hiện tại là 9 triệu đồng/1.000 mét vuông/năm. UBND xã Thuận Thới cũng đã xác nhận giá thuê đất để trồng cam là 7 triệu đồng/1.000 mét vuông/năm.
"Mức giá này tôi đã cung cấp cho tòa theo yêu cầu nhưng HĐXX lại quyết định giá cho thuê trong 6 năm tiếp theo là 4,5 triệu đồng/1.000m2/năm. Đây là giá do ông Khanh đưa ra và được tòa chấp thuận không có căn cứ" - ông A buồn rầu nói.
Không đồng thuận với bản án, Viện KSND huyện Trà Ôn sau đó đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND cùng cấp. Theo Viện KSND, hợp đồng thuê đất ngày 25.5.2017 giữa ông A và ông Khanh là vô hiệu bởi trong tổng diện tích 7.600 mét vuông của ông A có một phần chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ nhận chuyển nhượng từ người khác; hai bên giao kết hợp đồng thuê đất chưa tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai theo Luật Đất đai năm 2013; đây là thửa đất trồng lúa nhưng hai bên ký kết hợp đồng thuê đất trồng cam là sử dụng không đúng mục đích. Quy định tại điều 56 Luật Trồng trọt năm 2018 cho phép chuyển đổi cây trồng nhưng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vì các lẽ trên, Viện KSND huyện Trà Ôn đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm theo hướng sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm.