Trên dòng “Văn hóa chợ” ở Sài Gòn, ngoài những ngôi chợ hoành tráng bán đủ thứ mặt hàng cho người tiêu dùng, có một ngôi chợ rất độc đáo chỉ bán một mặt hàng duy nhất là trầu cau dành cho ngày thường, đám cưới, hoặc lễ Tết.

Chợ trầu cau độc nhất ở Sài Gòn

Một Thế Giới | 17/02/2015, 12:00

Trên dòng “Văn hóa chợ” ở Sài Gòn, ngoài những ngôi chợ hoành tráng bán đủ thứ mặt hàng cho người tiêu dùng, có một ngôi chợ rất độc đáo chỉ bán một mặt hàng duy nhất là trầu cau dành cho ngày thường, đám cưới, hoặc lễ Tết.

Chẳng biết từ bao giờ, có thể từ 50 năm trở về trước ở Sài Gòn, một con đường ngắn trên địa bàn quận 6 đã nổi danh là “Chợ bán trầu cau Sài Gòn”. Đó là đường Lê Quang Sung, đoạn từ đường Chu Văn An tới đường Nguyễn Hữu Thận. Không chỉ dân cố cựu thành phố, mà khách vãng lai, người tứ xứ mà đặc biệt là người vùng ven nội ô đều biết chợ trầu cau này và chắc chắn trong số họ, đã từng một lần đến đây mua trầu cau về ăn hoặc làm đám cưới cho con, cháu.
CHỢ HỌP TỪ SỚM TINH MƠ
Chợ trầu cau Lê Quang Sung nhóm họp từ lúc 3 giờ sáng tới khoảng 15 giờ trong ngày là bắt đầu tan. Trầu cau tập trung về chợ chủ yếu từ vùng Hóc Môn-Bà Điểm, bằng các loại phương tiện vận chuyển theo chân các cô gái bán trầu cau “gia truyền” về đây, mà ngày trước, phương tiện thông dụng nhất là xe ngựa, hay còn gọi là xe thổ mộ. Những chiếc xe thổ mộ với người xà ích ngồi vắt chân một bên, tay cầm sợi dây cương, tay cầm roi tre, bộ đồ bà ba dầu dãi nắng sương, đầu đội chiếc nón nỉ cũ, gương mặt phong trần đã đưa những cô gái quê chân chất từ vùng trầu cau nổi tiếng một thời về họp chợ trong những sớm tinh sương là hình ảnh rất quen thuộc và lãng mạn của Sài Gòn xưa.
Nhưng giờ đây chợ trầu cau Lê Quang Sung không còn thấy những cô gái ngồi bên gánh trầu vàng, buồng cau xanh chờ đợi người tới hỏi mua trầu, cau về làm đám cưới nữa mà thay váo đó là các cụ già ngồi lúi húi bán hàng. Những bà cụ này tuổi đã trên 60-70 ngồi đổ bóng xuống mặt đường từ khi họp chợ trong bóng chiếc đèn dầu leo lét chao ngọn trong gió sớm cho đến khi bóng nắng nhạt thếch trên vỉa hè lúc tan chợ. Mỗi cụ là một mảnh đời, một hoàn cảnh, gắn liền với ngôi chợ trầu cau này như một đoạn phim mà nếu ráp nối lại sẽ có một bộ phim hoàn chỉnh về khoảng không gian, thời gian, những biến đổi, thăng trầm giữa quá khứ và hiện tại, giữa ngôi chợ rất đặc biệt này với những phận người.
Bởi lẽ, có cụ bán trầu cau ở chợ Lê Quang Sung từ thời con gái tới bây giờ, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, và ngẫm ra, có mấy ai bán trầu cau mà giàu được đâu. Thậm chí bán trầu cau cho người ta làm đám hỏi, đám cưới, nhiều đôi, nhiều cặp đã nên vợ, nên chồng, sống trong hạnh phúc còn người bán trầu cau vẫn ở lại với số phận lẻ loi.
Cụ Nguyễn Thị Út đã 78 tuổi, có lẽ là người “thâm niên” nhất ở chợ trầu cau Lê Quang Sung, cụ bán trầu cau ở chợ này từ thời con gái 17 tuổi tới bây giờ. Cụ là dân Bà Điểm-Hóc Môn, hồi con gái cụ Út thu mua trầu, cau vùng 18 thôn vườn trầu rồi gánh về chợ bán lẻ. Bây giờ cụ Út cũng ngồi bán lẻ với gánh hàng vài ký trầu, vài buồng cau, vôi, thuốc xỉa. Mỗi ngày cụ Út đi xe buýt từ Bà Điểm về chợ Lê Quang Sung với gánh hàng trầu, cau khi vơi, khi đầy tùy theo sức khỏe, ngồi từ lúc 6 giờ sáng tới 3 giờ chiều lời được khoảng 50.000 đồng thì chi phí, ăn uống hết 30.000 đồng. Phần còn lại chỉ đủ cụ mua gạo, cơm rau đạm bạc qua ngày.
Cụ Lênh, có lẽ ít tuổi hơn cụ Út, nhưng cũng gắn với chợ trầu cau này gần 50 năm. Cụ Lênh không bán lẻ như cụ Út mà chủ yếu bán mối, nhưng dù bán mối, “làm ăn lớn” như cụ Út và vài cụ nữa một ngày lời cũng chỉ khoảng 100.000 đồng, trừ tiền vận chuyển, thuê người bốc hàng, còn lại khoảng 30.000 đồng chỉ đủ cho cụ nuôi thân không phải cậy nhờ đến con cháu.
Cho trau cau doc nhat o Sai Gon-hinh-anh-1
 
PHẬN NGƯỜI KẺ CHỢ
Nhưng đâu phải ngày nào các cụ cũng “thu nhập” ổn định như thế. Chợ trầu cau có đặc điểm chỉ bán chạy hàng vào mấy tháng giáp Tết, tức mùa đám cưới, còn ngày thường chỉ bán lai rai, ngày xưa có nhiều người ăn trầu cau chứ bây giờ lớp người này không còn mấy, giới trẻ lại càng không có ai nếm món này nên dù thu nhập chẳng bao nhiêu mà có ngày các cụ phải lỗ vốn. Cau bán không hết còn để được vài ngày, nhưng trầu phải bán hết trong ngày, để lại hôm sau coi như…đổ, do đó đến chiều trầu còn ế, các cụ phải bán tháo, bán đổ cho bằng hết nên nhiều lúc đứt luôn vốn. Để có thể tiếp tục hành nghề, các cụ phải vay vốn với lãi suất 20% để “kinh doanh”, nhiều cụ không có khả năng chi trả nên nợ vốn lẫn lãi lên đến cả trăm triệu và với số nợ quá lớn lao này so với công việc bán trầu cau của các cụ thì có lẽ ngồi ở chợ trầu cau đến hết đời cũng không trả hết nợ.
Cho trau cau doc nhat o Sai Gon-hinh-anh-2
 
 Ngày trước, chợ trầu cau Lê Quang Sung thường xuyên có đến 40 “tiểu thương” vừa bán mối vừa bán lẻ, người mua, kẻ bán tấp nập tạo nên dấu ấn về một ngôi chợ đặc biệt của Sài Gòn. Nhưng theo thời gian và thực tiễn cuộc sống, quy mô chợ thu hẹp dần bởi bây giờ chỉ còn khoảng 10 cụ bán trầu cau. Và không khéo, cũng theo thời gian, mai này ngôi chợ đặc trưng mang nét văn hóa cưới hỏi, lễ tục của dân gian ở một góc Sài Gòn cũng sẽ không còn người họp, hình ảnh ngôi chợ sẽ biến mất trong tâm thức người đời và phôi pha cùng năm tháng.
Biết làm sao được, cái gì mà không trở thành kỷ niệm, huống chi một ngôi chợ trầu cau!
Tường Niệm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ trầu cau độc nhất ở Sài Gòn