Chợ Cherkizovsky (chợ Vòm) một thời bao phủ nửa nước Nga. Nó cũng là nơi tràn ngập các nhà thổ và các tay buôn bán vũ khí, nơi thịt chó được phục vụ như thức ăn và những ông trùm tội phạm tập hợp. Năm 2009, khi chợ bị đóng cửa, sự kiện này thậm chí còn được phát trực tiếp trên đài truyền hình Trung Quốc.
Cherkizovsky là một khu chợ lớn ở ngoại ô Moscow, nơi hàng chục cộng đồng sống theo luật của riêng họ, nơi hàng lậu tuôn ra một cách tự do, nơi mọi người biến mất, và nơi người ta có thể mua vũ khí và ma túy bất hợp pháp.
Trong những năm 1990, chợ Cherkizovsky từng là biểu tượng như một kiểu làm ăn chụp giật. Những người không biết gì về chợ và chưa từng đến đây cảm thấy khó mà tin được một nơi như thế có thể tồn tại - hơn nữa về phương diện pháp luật và trong quá nhiều năm. Khu chợ một thời lớn nhất Đông Âu, nó đem về hàng triệu USD cho đến khi bị đóng cửa cách đây 10 năm.
Chợ được thành lập vào đầu những năm 1990 tại khu đất hoang rộng lớn giữa xa lộ Schelkovsky và Izmaylovsky ở phía đông của Moscow. Một phần đất của chợ thuộc về Đại học Văn hóa Thể thao quốc gia. Các quầy hàng của chợ ngày càng chiếm nhiều không gian. Vào năm 2009, khi chợ đóng cửa, diện tích của nó lên tới 72 hecta (gấp rưỡi kích thước Vatican).
Đó là một nơi nơi người ta có thể mua và bán mọi thứ: quần áo đủ mọi kích cỡ, quần áo bằng lông, quần áo bằng da, giày dép, đồ chơi, đồ điện tử và thực phẩm trên thế giới. Mọi người từ khắp nước Nga đến chợ Cherkizovsky để mua sỉ, bán hàng hóa từ thành phố của họ, mua những thứ với giá rẻ hoặc bán hàng hóa của họ với giá cao gấp 10 lần giá gốc.
Đó cũng là nơi ẩn náu cho hàng giả, và bất cứ món đồ chất lượng cao nào có thể được sao chép và tái sản xuất ở đây. Ví dụ, có một cửa hàng may mặc Việt Nam nơi bạn có thể đem đến một mặt hàng mẫu và nó được tái sản xuất bằng chất liệu rẻ tiền hơn. Một cách dễ hiểu “những món hàng từ Cherkizon” đồng nghĩa với “hàng giả”, trong khi chính cái tên Cherkizovsky gắn liền với một nơi không có pháp luật, nơi những người công nhân di cư đói khát ăn thịt chó.
“Nơi đó được xem là một lỗ đen”, Ilya Daniltsev, sinh viên tốt nghiệp Đại học Văn hóa Thể thao quốc gia nhớ lại. “Đi chợ giống như bước vào một khu rừng rậm rạp nơi ánh sáng chỉ lọt qua các dãy quần áo”. Địa điểm này nhanh chóng trở thành một nơi trú ẩn cho người nhập cư, nhiều người trong số họ sinh sống bất hợp pháp ở Nga. “Bạn có thể đi đến đó nửa ngày mà không nghe một câu tiếng Nga nào. Thậm chí cảnh sát cũng ớn khi đến đây một mình”, Daniltsev nói.
Vũ khí, tiền giả và ma túy đôi khi được buôn lậu trong các kiện quần áo. Một điều khiến cho chợ độc đáo là dòng hàng hóa từ nước ngoài, một nơi nơi mà những món hàng từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Tây Ban Nha… cùng đổ về. Các cộng đồng khác nhau chia nhiều phần trong chợ thành những khu vực hàng xóm tự chế: người Azeri, người Armenia, người Trung Quốc, người Việt Nam… Đương nhiên, “cơ sở hạ tầng” thích hợp sinh ra ngay sau đó.
Có những khách sạn, nhà hàng đặc sản, giáo đường Do Thái, các dịch vụ y tế (ví dụ như các bác sĩ đa khoa và các bác sĩ phụ khoa) hoạt động trên khu vực của chợ. Có những nơi bán những tờ báo nước ngoài, có sòng bài, thậm chí các phòng trị liệu đỉa và mát xa truyền thống Trung Quốc. Chợ đông đến nỗi vào năm 2008, Tajikistan mở lãnh sự quán chính thức ở đây. Có những câu chuyện kể về sào huyệt của bọn bất lương và nhà thổ được dựng lên ở các tầng hầm tại Cherkizovsky. “Điều mà nơi đó thật sự tràn ngập là hàng lậu và người sống ở Moscow bất hợp pháp”, Sergey Molokhov, một cựu sĩ quan thuộc Cục chống Tội phạm kể.
Những người di cư đến Cherkizovsky có mục đích và ở lại. Họ sống tại chợ và cố gắng không ra khỏi chợ vì sợ cảnh sát kiểm tra giấy tờ. Tại chợ, việc kiểm tra giấy tờ rất hiếm khi xảy ra vì khu vực được các ông chủ thuê một công ty tư nhân canh giữ. Nếu họ may mắn, những người di cư có thể thuê một chỗ trong tầng hầm, trong khi những người nghèo ngủ trong những phòng tắm.
“Cuối những năm 1990, chợ Cherkizovsky đã đưa ra một cảnh tượng khủng khiếp. Nó bao gồm các toa xe và container được che phủ”, Olga Kosets, người từng bán quần áo tại chợ, nhớ lại. “Trong 11 năm, tôi sống trong container, giống như chó bị cột trong lều. Điều kiện không tốt”. Dù tất cả những chuyện này xảy ra, nhiều cư dân của Cherkizovsky tin rằng nó xứng đáng.
Theo Tập đoàn bất động sản MACON, có hơn 100.000 cửa hàng bán lẻ và quầy hàng tại chợ. Hầu hết chúng đều rất nhỏ, chật chội. Cùng thời điểm, giá cho thuê một sạp là 50.000 USD/tháng. Người ta kể rằng một quầy hàng có thể đem đến doanh số 250.000 USD/tháng, điều này có thể đúng vì ít không gian tại chợ trống.
Năm 2006, tạp chí Forbes ước tính người nhận tiền chính của chợ, Telman Ismailov, có 620 triệu USD. James Brown, Jennifer Lopez và các ngôi sao khác đã biểu diễn tại tiệc sinh nhật lần thứ 50 của ông, và thị trưởng Moscow tại thời điểm đó, Yuri Luzhkov, đã nâng cốc chúc mừng.
Telman Ismailov
Đế chế bắt đầu sụp đổ vào năm 2006, khi một đám cháy phá hủy hơn 500m2 của khu chợ và sau đó, vào cuối năm, những người cánh tả cực đoan đã đặt bom gây nổ tức thì trong chợ. Cuộc tấn công cướp đi 14 mạng người, bao gồm 2 trẻ em. Những tai nạn này thu hút sự chú ý của các nhà chức trách. Đề nghị đóng cửa chợ xuất phát từ Rospotrebnadzor, cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng nhà nước, tổ chức đã nêu nhiều vụ vi phạm vệ sinh môi trường và những quy định an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ngay sau đó, Ủy ban Điều tra tuyên bố rằng cơ quan này sẽ đóng “đáy của địa ngục” này, và Yuri Luzhkov ngay lập tức hứa làm càng sớm càng tốt. Tất cả mọi thứ chấm dứt vào ngày 29.6.2009. Ông chủ cũ của chợ, Telman Ismailov, bị bắt vắng mặt với những lời buộc tội tổ chức 2 vụ giết người và buôn lậu vũ khí. Ông bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế nhưng vẫn lẩn trốn ở Montenegro.
Trong 10 năm trôi qua kể từ khi chợ Cherkizovsky đóng cửa, không có gì được xây cất trên địa điểm này. Đầu tiên, Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất IKEA quan tâm đến việc mua nó, nhưng không đạt được kết quả và vào năm 2018, địa điểm được chỉ định xây dựng nhà ở.
Mê Linh - Ảnh: Internet