Mua thịt heo giá rẻ rồi “phù phép” thành các “đặc sản” như nai, nhím, đà điểu… nhiều năm qua một cơ sở tại TP.HCM đã tung ra thị trường nhiều tấn thịt “đặc sản” giả lừa dối khách hàng.

Choáng với công nghệ biến thịt heo bẩn thành thịt nhím, đà điểu giữa Sài Gòn

Tuổi Trẻ | 07/06/2016, 06:34

Mua thịt heo giá rẻ rồi “phù phép” thành các “đặc sản” như nai, nhím, đà điểu… nhiều năm qua một cơ sở tại TP.HCM đã tung ra thị trường nhiều tấn thịt “đặc sản” giả lừa dối khách hàng.

Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý đối với bà Lương Thị Thu Thủy - ngụ Q.Bình Thạnh, chủ cơ sở “phù phép” thịt heo thành các loại thịt “đặc sản” bị bắt quả tang ngày 2.6.

Cơ quan chức năng còn xác định bà Thủy có mối liên hệ mật thiết với ông Lê Minh Tài (quê Đồng Tháp) trong nghề sản xuất, buôn bán các loại thịt “đặc sản” khoảng 7-8 năm nay.

“Công nghệ” thịt giả

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau nhiều lần bị “sờ gáy” bà Thủy tiếp tục thuê một căn nhà cấp 4 tại đường số 3, khu phố 7, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) làm trụ sở pha chế thịt heo thành “đặc sản”.

Là chủ cơ sở nhưng bà Thủy rất ít xuất hiện mà giao khoán việc quản lý, giao dịch bán hàng cho ông Nguyễn Vương Thắng (34 tuổi, quê Đồng Tháp).

Ngày 2.6, dưới sự điều hành của ông Thắng, nhóm công nhân thực hiện “phù phép” trên 100kg thịt bắp heo thành hai loại “đặc sản” đà điểu và nhím.

Khi số hàng này được ông Đỗ Văn Cảnh (54 tuổi, quê Quảng Ngãi), một nhân viên tại cơ sở, chở ra bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) giao cho nhà xe thì bất ngờ bị trinh sát PC49 bắt quả tang. Qua xác minh tại “lò” sản xuất, PC49 phát hiện trong kho lạnh, tủ đông chứa trên 1 tấn thịt heo.

Đồng thời, phát hiện một máy hút chân không (dụng cụ đóng gói bao bì), một xô nhựa đựng tiết heo, nguyên liệu dùng ngâm tẩm thịt heo và hàng trăm loại bao bì, nhãn mác với nội dung “thịt nhím cắt lát” hoặc “sản phẩm từ đà điểu”.

Trao đổi với PVông Thắng cho biết được bà Thủy trả lương 5 triệu đồng/tháng để quản lý việc “phù phép” thịt heo thành các loại thịt “đặc sản” từ đầu năm 2016. Hai loại “đặc sản” được sản xuất nhiều nhất gồm thịt đà điểu và thịt nhím.

Tại “lò” sản xuất còn có bốn người (một nam, ba nữ) túc trực, vận hành quy trình sản xuất, riêng ông Cảnh được giao đảm nhiệm chuyển hàng ra bến xe Miền Đông giao cho các nhà xe chở đến nơi tiêu thụ.

Trước đó, khoảng 11g ngày 28.5, chúng tôi bí mật bám theo xe ông Cảnh chở thùng xốp đựng 80kg thịt đà điểu, nhím, phóng từ cơ sở chế biến vào bến xe Miền Đông giao hàng cho nhà xe PH (Đà Nẵng).

Trên thùng xốp đựng “đặc sản” này ghi số điện thoại và tên người nhận hàng là bà Phượng (Đà Nẵng).

Theo ông Cảnh, trung bình mỗi ngày ông vận chuyển hai thùng xốp đựng các loại thịt “đặc sản” thành phẩm (80kg/thùng) vào bến xe Miền Đông giao cho các nhà xe tuồn về cho mối hàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiêu thụ.

Để qua mặt cơ quan chức năng, ông được “chỉ đạo” gắn một giấy chứng nhận photo “đủ điều kiện an toàn thực phẩm” của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho một công ty ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) với loại hình kinh doanh thực phẩm chức năng gồm nước yến, tổ yến khô.

Ông Cảnh tiết lộ giấy chứng nhận trên chỉ là “bùa” hộ mệnh chứ không phải cấp cho cơ sở và “khả năng là hết hạn sử dụng rồi”.

Về quy trình “phù phép” thịt giả, ông Thắng cho biết: “Bắp heo mua từ chợ Bình Điền về được lóc mỡ, cắt ra từng thớ nhỏ, trộn ngâm với tiết heo rồi chuyển vào kho lạnh cấp đông, cuối cùng đóng gói dán nhãn mác đi tiêu thụ”.

Theo ông Thắng, trong các bịch thịt heo đều được xếp từ 5-10 miếng da đà điểu để “làm tin” với khách hàng. “Thực tế các mối hàng đều biết các sản phẩm này làm từ thịt heo, chỉ có người ăn không biết nên bị lừa thôi” - ông Thắng nói.

Lợi nhuận khủng

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, chỉ trong vòng bảy tháng (từ tháng 11-2015 đến tháng 6-2016), ông Lê Minh Tài và bà Lương Thị Thu Thủy đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang biến thịt heo thành các loại “đặc sản” đến ba lần, với quy mô sản xuất rất lớn.

Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần bị bắt, xử phạt, hai người này lại chuyển địa điểm tiếp tục hành vi vi phạm.

Cụ thể, ngày 3.11.2015, lực lượng công an và thú y Q.Thủ Đức bất ngờ đột kích vào cơ sở kinh doanh trái phép của bà Thủy (thời điểm này ông Tài cũng có mặt, hồ sơ ban đầu xác lập ghi tên ông Tài) trên đường Kha Vạn Cân (khu phố 4, P.Hiệp Bình Chánh), phát hiện nhiều công nhân đang biến thịt heo thành các loại “đặc sản” gồm nhím, nai, đà điểu.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng kiểm đếm được trong kho lạnh và các tủ đông chứa gần 1,9 tấn thịt heo, trong đó có lượng lớn đã qua “phù phép” đựng trong các bịch trọng lượng 1kg, phía ngoài ghi “bắp đùi đà điểu”, “thịt nhím”, “thịt nai”.

Cơ quan thú y đã lấy 25 mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy lô hàng bị nhiễm vi sinh.

Trạm thú y Q.Thủ Đức chuyển hai hành vi không giấy chứng nhận kiểm dịch và kinh doanh sản phẩm động vật nhiễm khuẩn (hai hành vi này nếu xử phạt là 16 triệu đồng) cho Công an Q.Thủ Đức xác lập hồ sơ xử phạt.

Tuy nhiên mới đây, Công an Q.Thủ Đức chỉ ra quyết định xử phạt bà Thủy 5 triệu đồng với hành vi kinh doanh trái phép.

Lý giải về việc này, một cán bộ điều tra nói: “Ban đầu, quan điểm của cơ quan điều tra là tập trung củng cố hồ sơ để xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên khi trao đổi thì Viện Kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức không đồng ý do tính chất nhân đạo, đồng thời Bộ luật hình sự mới bãi bỏ hành vi này nên chúng tôi mới quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với bà Thủy về hành vi kinh doanh trái phép”.

Thế nhưng chỉ 10 ngày sau, tức ngày 13.11.2015, thanh tra của Chi cục Thú y TP.HCM tiếp tục bắt quả tang ông Lê Minh Tài tổ chức “phù phép” thịt heo thành các loại thịt nhím, nai, đà điểu tại một ngôi nhà trên đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh).

Tang vật thu giữ lần này là gần 2 tấn sản phẩm các loại, trong đó các sản phẩm đã qua “phù phép”.

Với các vi phạm gồm không đăng ký kinh doanh, không giấy chứng nhận kiểm dịch và không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, ông Tài bị UBND Q.Bình Thạnh xử phạt 19 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

Vì sao liên tục bị bắt nhưng những đối tượng này vẫn tái phạm? Một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM cho biết việc xử phạt hiện nay là quá nhẹ, trong khi việc kinh doanh thịt giả mang lại lợi nhuận rất cao. Do đó, khi bị bắt những người này dư sức đóng phạt, kể cả bị tiêu hủy.

“Thịt heo mua từ chợ Bình Điền khoảng 50.000 đồng/kg, chỉ sau vài thao tác ngâm tẩm, “phù phép” thành các loại thịt “đặc sản” họ bán ra thị trường với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/kg, tức gấp hai đến bốn lần. Một ngày tung ra thị trường hàng trăm ký thịt “đặc sản” giả như vậy nên lợi nhuận thu vào là rất khủng” - cán bộ này lý giải.

Theo cán bộ này, các cơ sở có đăng ký kinh doanh khi xử phạt còn có các chế tài như rút giấy phép kinh doanh, còn những người này làm “chui” nên họ bất chấp.

Hoàng Lộc - Đức Phú/Tuổi Trẻ

Ảnh:Sự khác biệt về màu sắc giữa miếng thịt heo đã được tẩm ướp tiết (trái) và miếng thịt heo chưa tẩm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Choáng với công nghệ biến thịt heo bẩn thành thịt nhím, đà điểu giữa Sài Gòn