Bà Hạnh “ôm” 1 can xăng gần 10 lít đặt ngay vị trí đất gần khu vực trạm biến áp và tuyên bố “khai hỏa” nếu bất cứ ai xâm phạm đến trạm biến áp trước đó ngang nhiên đặt tại vị trí đất của gia đình bà…

Chủ đất ôm can xăng ‘tử thủ’ vì trạm biến điện

Ngọc Tùng | 09/05/2017, 15:23

Bà Hạnh “ôm” 1 can xăng gần 10 lít đặt ngay vị trí đất gần khu vực trạm biến áp và tuyên bố “khai hỏa” nếu bất cứ ai xâm phạm đến trạm biến áp trước đó ngang nhiên đặt tại vị trí đất của gia đình bà…

Ra “tối hậu thư” và “tử thủ” với can xăng

Gần 1 tuần qua khoảng 450 hộ dân khu vực chợ xã Trường Thành, còn gọi chợ Ba Mít, thuộc xã Trường Thành (H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) phải chịu cảnh mất điện. Mùa khô nắng nóng như thiêu đốt, mọi nhu cầu sử dụng điện sản xuất, phục vụ sinh hoạt bị cắt đứt, nhưng nhân viên ngành điện cũng bó tay, không thể tiếp cận vị trí xảy ra sự cố để sửa chữa mà chỉ biết đứng nhìn từ đằng xa…

Bắt đầu từ chiều 2.5, toàn khu vực chợ Trường Thành bỗng đột nhiên mất điện do quá tải. Những lần cúp điện trước đó, nhân viên điện lực đến khắc phục sự cố rất nhanh chỉ với thao tác đơn giản là đóng lại cầu dao. Còn lần này khi nhân viên điện lực đến, chủ đất nơi đặt trạm biến áp ngăn cản không cho tiếp cận khu vực trạm biến áp, nơi xảy ra sự cố điện.

Bà Dương Tuyết Hạnh - đại diện chủ đất nơi đặt trạm biến áp, đã ngăn cản nhân viên ngành điện và rào chắn không cho bất cứ ai đến gần khu vực trạm biến áp. Lãnh đạo UBND xã Trường Thành đã đến hiện trường, tìm cách can thiệp với gia đình để tạo điều kiện khắc phục sự cố, cấp điện lại cho dân. Tuy nhiên bà Hạnh đã cương quyết không đồng ý tất cả các nội dung vận động của địa phương mà giữ nguyên tình trạng.

Bà Dương Tuyết Hạnh

Và bà Hạnh đã chuẩn bị sẵn 1 can xăng gần 10 lít đặt ngay vị trí đất gần khu vực trạm biến áp và tuyên bố sẵn sàng “khai hỏa” nếu bất cứ ai xâm phạm đến vị trí đất của gia đình bà khi chưa có sự cam kết theo yêu cầu và được sự đồng ý của bà.

1 cán bộ đại diện tổ công tác của Điện lực H.Thới Lai cho biết, trạm biến áp này có công suất 250KVA. Sự cố mất điện xảy ra ở trạm này do nhu cầu sử dụng điện tăng cao gây quá tải trên thiết bị CV (cầu dao tự ngắt - PV). Để khắc phục việc gián đoạn cung cấp điện này chỉ cần nhân viên ngành điện đóng lại CV là dòng điện sẽ liên tục trở lại. Tuy nhiên, việc này đã không thực hiện được, bởi bà Hạnh cản trở công tác sửa chữa của nhân viên ngành điện.

Để yêu cầu sử dụng điện của người dân toàn khu chợ được đáp ứng, phương án hiện giờ chỉ là lắp thêm 1 trạm biến áp ở vị trí khác, dẫn điện từ 1 lưới trung thế khác về phục vụ cụm dân cư này. Dự kiến phải mất thêm vài ngày thi công thì nhánh điện mới mới có thể đóng điện hoạt động được. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực chợ Trường Thành phải tê liệt suốt cả tuần.

Điện lực “kinh doanh miễn phí” trên đất của dân

Bà Sáu H., 1 người dân ở chợ Trường Thành cho biết: “Những ngày qua, cô Hạnh đã“tử thủ”với can xăng, tối đến cũng giăng võng ngủ ngay bên cạnh mấy cái bình điện để“bảo vệ”sự cố cúp điện từ mấy ngày nay”.

Theo ông Trần Long Hồ, Chủ tịch UBND xã Trường Thành, hiện tại không 1 cán bộ địa phương hay nhân viên điện lực nào có thể tiếp cận được khu vực trạm biến áp. “Bà Hạnh đòi buộc lãnh đạo điện lực phải có cam kết thực hiện các yêu cầu của bà trước mặt nhiều người dân thì bà mới cho nhân viên vào khu vực đất của bà để khắc phục sự cố điện hoặc tháo gỡ, di dời trạm biến áp”, ông Hồ nói.

Bà Hạnh lý giải: “Để đảm bảo an toàn điện và lợi ích của gia đình, tui yêu cầu cơ quan chức năng phải di dời trạm điện này ra khỏi phạm vi đất của gia đình tui trong vòng 1 tuần! Nếu không, phải bồi thường cho gia đình tui 300 triệu đồng để giữ lại nguyên trạng và tiếp tục hoạt động kinh doanh bán điện”.

Ông Dương Hồng Phúc

Sở dĩ bà Hạnh nói vậy, theo lý giải của ông Dương Hồng Phúc - em ruột bà Hạnh: gia đình đã có đơn yêu cầu giải quyết việc này từ 3 năm qua nhưng không được các cơ quan liên quan đáp ứng thỏa đáng mà cứ hẹn lần hẹn lữa.

Theo ông Phúc, phần đất có diện tích hơn 50 m2 nơi đặt trạm biến áp này nằm lọt thỏm trong khu vực dân cư của chợ, nhưng bao năm qua gia đình này không khai thác được lợi ích gì. Hơn nữa, mối đe đọa an toàn cháy nổ lúc nào cũng sát cánh với gia đình. Trong khi ngành điện vô tư đặt trạm biến áp lên đất của họ!

Ông Hồ còn cho biết, cá nhân ông Dương Văn Khuê (vừa qua đời cách nay hơn 10 ngày) - cha ruột ông Phúc, bà Hạnh là 1 thương binh, là người tốt ở địa phương nên rất được tôn trọng. Trước đây ông Khuê từng hiến đất xây trường học, làm trụ sở UBND (nay vị trí này được mở rộng thành khu vực chợ).

“Ngay cả vị trí đặt trạm biến áp của ngành điện, chính ông Khuê là người đã xác định vị trí lắp đặt mà không yêu cầu gì”, ông Hồ nhìn nhận. Tuy nhiên, “sự cố” giữa gia đình ông Khuê hiện tại và các ngành chức năng có phần nguyên nhân từ những thỏa thuận về quyền lợi lúc ban đầu.

Theo nhiều người dân ở cụm dân cư ngay cạnh chợ Trường Thành, yêu cầu của gia đình bà Hạnh hiện tại có lẽ do giá nền đất ở theo quy hoạch tại khu vực này hiện đã ở mức 700 - 800 triệu đồng/nền. Trong khi ngành điện đặt trạm biến áp, bà không thể mở cơ sở kinh doanh hay bán nền…

Lợi dụng lòng tốt?

Bà Lê Thị Hằng (67 tuổi, vợ ông Khuê) chia sẻ, ông Khuê đã theo kháng chiến từ năm 12 tuổi vào khoảng năm 1959 - 1960. Thời đó ông Khuê được điều động về công tác ở mặt trận miền Đông Nam Bộ. Bà Hằng kể, hồi chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đơn vị của ông Khuê nhận lệnh tập kích đánh vào sân bay Biên Hòa và ông được tập kết ra Bắc ngay sau đó.

Trong quá trình xây dựng địa phương ông Khuê đã tiếp tục hy sinh quyền lợi gia đình mình để hiến 1 phần không nhỏ đất đai cho các mục tiêu xây dựng công trình phục vụ công ích. “Nhẩm tính ba tui đã hiến tặng cho xã hội khoảng 3.000 m2 đất rồi chứ đâu phải gia đình tui đòi hỏi gì quá đáng đâu”, anh Phúc phân trần.

Trạm biến áp điện, nơi xảy ra vụ việc

Ông Tám B. một người dân địa phương có nhận định, công bằng mà nói thì tấm lòng rộng rãi của ông Khuê dường như đã bị chính quyền “khai thác” quá sức chịu đựng của các con ông nên sự cố tới lúc này đã bùng phát.

Ngành điện đầu tư khai thác lợi ích cho họ qua việc bán điện, nhưng họ không chia sẻ lợi ích đó với người dân như trường hợp của gia đình ông Khuê. “Đời thuở nào nền nhà của dân ở khu vực chợ lại phải bỏ trống để cho điện lực đặt nhờ trạm biến áp để kinh doanh, thu lợi? Trong khi đó là 1 gia đình chính sách ông Khuê đã có thời gian cuối đời trong cảnh thiếu thốn trăm bề”, ông B. nói.

Cũng theo ông Tám B., đành rằng phản ứng của chị em ông Phúc, bà Hạnh (con ông Khuê) tại thời điểm này gây tác động và thiệt hại đến nhiều người dân cũng như cơ quan, tổ chức khác, nhưng đó là điều xã hội rất thông cảm. “Trạm biến áp đặt trên đất ông Khuê từ năm 1994 đến nay, toàn xã hội được lợi trong khi gia đình ông Khuê phải chịu thiệt, điều này ai cũng thấy.

Nhưng sự vụ sẽ không xảy ra nếu những thỏa thuận ban đầu được ký kết đàng hoàng là thuê, mượn gì thì cũng phải có xây dựng hàng rào bảo vệ an toàn, đảm bảo quyền lợi cho dân”, ông B. phân tích.

Thanh Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ đất ôm can xăng ‘tử thủ’ vì trạm biến điện