Nhà máy bột giấy VNT 19 ở Khu kinh tế Dung Quất đã được Bộ TN-MT phê duyệt ĐTM nhưng ngay ông Nguyễn Quốc Tân, Phó giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi thừa nhận với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới rằng mình chưa bao giờ nhận được một bộ hồ sơ. Vị này cũng thừa nhận là có độ chênh, ý kiến chưa thống nhất giữa Bộ và tỉnh liên quan VNT 19.
>> Bài 1: Quảng Ngãi: Lo ngại nhà máy bột giấy xả thải ra biển
Phá rừng dừa trăm tuổi
Để phục vụ nhà máy bột giấy VNT 19 sản xuất, một hồ chứa nước 50ha được quy hoạch ngay trên rừng dừa nước trăm tuổi tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn.
Ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết rừng dừa nước này có tuổi đời gần trăm năm rồi. “Vùng này trước đây là đất nhiễm phèn ngập mặn. Thời ông nội tôi, mọi người vào miền Nam mua giống dừa rồi đem về trồng để chống nhiễm mặn vào sâu trong ruộng”.
Cũng theo ông Nhân, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, rừng dừa nước Bình Phước là nơi che giấu cho cán bộ của ta và lực lượng vũ trang ở địa phương hoạt động. Ngoài giá trị đó, rừng dừa cho người dân thu nhập từ cá tôm, hái lá để bán làm mái nhà. Không những vậy, với diện tích rộng trên 70ha, rừng dừa nước còn được ví là một phần "lá phổi xanh" của Khu kinh tế Dung Quất.
Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi thì sắp tới đây rừng dừa 50ha này sẽ bị xóa sổ. Ông Trần Văn Nhị (60 tuổi), ở xã Bình Phước trầm ngâm: "Rừng dừa trải qua một thời gian dài để hình thành, tồn tại rồi gắn bó với người nơi đây như vậy nên giờ nghe phá bỏ cảm thấy buồn và tiếc lắm. Chỉ mong các cấp ngành của tỉnh đã có sự tính toán kỹ và quyết định đúng khi phá bỏ rừng dừa nước này để lấy đất cho dự án nhà máy giấy".
Ông NguyễnThế Nhân cho hay: “Trong số 50/70ha rừng dừa nước bị phá bỏ thì diện tích do địa phương quản lý chỉ khoảng 20ha, còn lại thuộc quyền sở hữu của người dân. Trước khi có chủ trương phá bỏ, chúng tôi đã rất nhiều lần tổ chức họp dân để nghe và ghi nhận ý kiến. Qua phân tích thiệt hơn, cuối cùng thì người dân đã đồng ý phá để làm hồ chứa nước phục vụ cho dự án”.
Cũng theo ông Nhân, ngoài tiền đền bù thì chủ đầu tư cũng đồng ý trồng lại một diện tích dừa nước tương đương ở tại địa phương và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, hiện ở Bình Phước không còn khu vực đất nào phù hợp để trồng lại. Vì vậy địa phương kiến nghị với tỉnh cho sử dụng tiền đền bù của phần diện tích được quản lý, để mua lại số diện tích dừa nước còn lại do người dân sở hữu, nhằm tạo môi trường sinh thái cho vùng.
Có "độ chênh" giữa tỉnh và Bộ
Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Dự án hồ nước cung cấp cho nhà máy giấynằm ngay rừng dừa nước. Việc xây dựng hồ nước ở rừng dừa chúng tôi rất thận trọng”.
“Tất cả các lo ngại là đúng chứ không phải không đúng. Chúng tôi đã tiến hành họp dân coi thử vấn đề mất mát cái gì, mất mát bao nhiêu và thay thế như thế nào. Thậm chí đã nghiên cứu cả hệ sinh thái, rồi đào rừng đó thì đổ đi đâu hoặc trồng rừng thay thế ở đâu. Vấn đề là không có địa điểm nào khác để làm hồ chứa nước ngoài rừng dừa đó. Và rừng dừa nước chức năng không còn như xưa nữa”, ông Tân nói.
Ngoài rừng dừa nước, vấn đề bảo vệ môi trường liên quan đến các hạng mục của dự án nhà máy bột giấy VNT 19 đến thời điểm hiện tại vẫn rất khấp khuỷu.
Đơn cử, Chủ tịch xã Bình Trị Ngô Văn Thính thừa nhận rằng chủ dự án chưa bao giờ tổ chức họp dân để tham vấn ý kiến cộng đồng về việc đưa ống xả thải của nhà máy đi qua địa bàn và xả xuống biển Việt Thanh. Thế nhưng, ngày 7.9.2015, Bộ TN-MT đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án giai đoạn 1!
Bình luận về việc này, ông Nguyễn Quốc Tân cho rằng: “Nhà máy với quy mô này là Bộ TN-MT thẩm định; do đó nó phải được làm đúng với nội dung hướng dẫn của Bộ, được dân đồng tình và văn bản hướng dẫn của tỉnh thì mới được thẩm định. Chứ giờ nói dân không đồng ý mà Bộ dám thẩm định thì phải coi lại”.
Tuy nói vậy nhưng ông Tân cũng thừa nhận rằng chưa hề nhận được một bộ ĐTM của dự án nào từ Bộ gửi về. “Đáng lẽ ra, Bộ thẩm định xong theo quy định phải gửi về địa phương 1 bộ cho biết. Chứ tôi đến bây giờ theo chức năng vẫn chưa nhận. Như vậy thì mọi thông tin tôi chưa nhận”.
“Bộ thẩm định xong rồi nhưng bây giờ chúng tôi còn làm những việc quan trọng nữa đó là hướng tuyến thoát nước; Bộ cho đổ thải ra biển nhưng hướng tuyến phải coi lại. Thứ 2 là công nghệ xử lý thì Bộ cũng đã cho phép”.
“Vừa rồi tỉnh có chỉ đạo đề nghị nhà máy tổ chức họp dân để công bố kế hoạch đường dẫn thải ra biển cho dân biết nhưng nhà máy xin hoãn thời gian với lý do là đang thuê chuyên gia châu Âu để điều chỉnh hệ thống thải”.
“Tôi không hiểu, hệ thống cũ thì Bộ đã thẩm định rồi giờ tại sao phải sửa lại. Tại vì trong ĐTM sẽ có quy trình công nghệ xử lý nước thải, từ nước đầu vào bao nhiêu, thành phần… đạt quy chuẩn Việt Nam. Giờ tại sao lại sửa lại? Tốt hơn hay không tôi không biết mà đang sửa lại hệ thống đó. Nhưng quy định là tất cả mọithay đổi so với ĐTM đã được duyệt thì phải được cơ quan duyệt đó chấp nhận bằng văn bản, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Tôi chỉ mới biết đến đó thôi”, ông Tân tiết lộ.
Cũng theo ông Phó giám đốc, sắp tới Sở TN-MT sẽ họp dân lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo vị này, Bộ TN-MT thẩm định ĐTM dự án và Bộ sẽ giám sát. Sở chỉ có trách nhiệm trong việc này là phối hợp giám sát. “Nhưng trước giờ Sở chưa phối hợp đi thẩm định lần nào. Sắp tới đây chắc có triển khai một đợt”, ông Tân cho biết, trong khi cơ sở hạ tầng ở dưới nhà máy giấy đang được thành hình nhanh chóng.
Nhận định về những vấn đề này, ông Tân thừa nhận: “Có độ chênh, ý kiến chưa thống nhất giữa Bộ TN-MT và tỉnh liên quan VNT 19. Tôi nghĩ là có. Ví dụ như BQL Khu kinh tếDung Quất, người ta đề nghị phải có một hồ nuôi cá trước khi xả thải ra thì văn bản đó Bộ không trả lời, và cũng không đưa vào quyết định phê duyệt ĐTM”.
Lê Đình Dũng