Sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo đã xem xét, thi hành kỷ luật mức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông đã có chia sẻ với phóng viên báo Một Thế Giới.
>> Vụ gian lận thi cử tại Hà Giang
Chiều 9.12, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã phát đi thông báo về kỳ họp 41 dưới sự chỉ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKTTW diễn ra từ ngày 4 đến 6.12.2019, tại Hà Nội.
Tại hội nghị này, UBKTTW đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh Hà Giang về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
UBKTTW kết luận: Các ông Triệu Tài Vinh và Nguyễn Văn Sơn có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong Kỳ thi nêu trên, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Sơn và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh.
Ngay sau khi thông báo nói trên của UBKTTW được phát đi, PV Một Thế Giới đã liên lạc với ông Sơn qua điện thoại và nhận được chia sẻ của ông về sự việc.
Khi được hỏi, ông có chia sẻ tâm tư, suy nghĩ gì? ông Nguyễn Văn Sơn nói: "Tâm tư, thì quýt làm cam chịu. Mình là người đứng đầu thì phải chịu thôi, mình phải nghiêm túc kiểm điểm. Trung ương đánh giá mình rất cao chứ có gì đâu.
Mình nhận rõ trách nhiệm, khuyết điểm ngay từ đầu là người đứng đầu, lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Khi Trung ương làm quy trình xem xét, xử lý, mình nhận luôn trách nhiệm, vi phạm đó và Trung ương đồng ý", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói.
Về phần mình, ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, qua điện thoại, ông Vinh cam ơn PV quan tâm và từ chối nói về sự việc.
Vợ Chủ tịch tỉnh nhờ... trường hợp củacháu
Cũng trong vụ án này, khi TAND tỉnh Hà Giang tiến hành xét xử 5 bị cáo trong vụ gian lận thi ở Hà Giang diễn ra từ ngày 14.10 tại phần tranh tụng, bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) khai đã đưa danh sách 13 thí sinh cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài để nhờ xem điểm.
Trong số này, ngoài con ông Triệu Tài Vinh, còn có các thí sinh do ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT), bà Chúng Thị Chiêng (Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang) và bà Nguyễn Thị Nga nhờ giúp đỡ thí sinh.
Theo tài liệu thu thập, vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhắn tin cho bị cáo Chính với nội dung: "Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu vừa thi 12. Bạn giúp mình với nhé". Bà Chính hồi đáp: "Em sẽ cố gắng xem xét môn tự luận. Khó khăn lắm chị ạ, thương các cháu Hà Giang mình nhưng quy chế chặt chẽ, lại chấm bằng máy nữa nên không thể làm gì được có gì chị thông cảm cho em nhé".
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Tố Oanh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, cho biết: "Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ra văn bản chỉ đạo khẩn trương xem xét xử lý đối với bà Nga".
Vụ việc nâng điểm cho 107 thí sinh tại tỉnh Hà Giang trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh này đã gây rúng động dư luận. Đặc biệt, trong số các thí sinh được sửa điểm, nâng điểm có rất nhiều con cháu lãnh đạo cao nhất của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của Hà Giang.
Hà Giang là 1 trong 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 với 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có thí sinh là con của nguyên Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh. Cơ quan chức năng sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra hành vi nâng, sửa điểm cho hàng trăm thí sinh của tỉnh này.
Vụ việc đã được xác định, có tới 151 trường hợp cán bộ đảng viên vi phạm có 46 người bị kỷ luật, trong đó có cả Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, 29 người bị chưa đến mức kỷ luật nhưng phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm…
Ngày 14.10.2019, TAND tỉnh Hà Giang đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án tiêu cực điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, xét xử 5 bị cáo. Ngày 25.10.2019, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt, với tổng mức hình phạt cho các bị cáo là 19 năm tù giam, 01 năm tù cho hưởng án treo...
Nam Phong