Sau buổi công bố dự thảo Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn tại xã Đồng Tâm diễn ra sáng nay 7.7, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết nếu người dân còn thắc mắc ở đâu, sẽ mời lên đối thoại trực tiếp.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Nếu còn thắc mắc, sẽ mời người dân lên đối thoại trực tiếp

namphong | 07/07/2017, 15:41

Sau buổi công bố dự thảo Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn tại xã Đồng Tâm diễn ra sáng nay 7.7, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết nếu người dân còn thắc mắc ở đâu, sẽ mời lên đối thoại trực tiếp.

Bản kết luận là chứng cứ xác đáng nhất!

Phát biểu sau ý kiến của thanh tra thành phố, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, theo đúng luật quy định, tính đến 21.6 là tròn 43 ngày kết thúc đợt thanh tra. Hôm nay (7.7), đoàn thanh tra đã thông báo rộng rãi đến các đối tượng thuộc diện thanh tra đến nghe kết luận.

"Đúng tinh thần tôi đã cam kết ngày 22.4 tại trụ sở xã Đồng Tâm, chúng tôi đã thực hiện công bố dự thảo. Tôi với tư cách Chủ tịch Hà Nội, dưới sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan, cơ quan trung ương, Quốc hội, đại diện huyện, xã, người dân thôn Đồng Mít, thôn Hoành, cũng thường xuyên đôn đốc cán bộ thanh tra làm tận tâm, tận tình, tiếp thu cung cấp toàn bộ tài liệu bản đồ đến viết tay của người dân", ông Chung nói.

Đánh giá về bản dự thảo kết luận, ông Chung cho biết đã được tổng hợp trên cơ sở tiếp thu rất nhiều tài liệu để đi đến sự thật, dựa trên chứng cứ xác đáng nhất. Tuy nhiên, sau ý kiến của thanh tra, người dân vẫn đang khúc mắc nhiều vấn đề. Ông Chung chỉ rõ những người đại diện chính quyền xã Đồng Tâm, thôn Mít... ở đây mới chỉ là đại diện cho một số người dân thôn Hoành, không phải đại diện cho tất cả nhân dân xã Đồng Tâm.

Quay lại vấn đề chính, ông Chung nói câu chuyện người dân đang khúc mắc hiện nay là đất Đồng Tâm là 96 ha hay 106 ha, nhưng tài liệu thu hồi từ trước đến nay chỉ có 64,66 ha. Vậy, thẩm quyền giao đất của Thủ tướng hay tỉnh Hà Sơn Bình? Trong quá trình giao tăng thêm tổng cộng 239,4 ha, đáng lẽ bàn giao thừa, đã nhận tiền đền bù thì tỉnh Hà Sơn Bình phải báo cáo Thủ tướng để giao quyết định 239,4 ha là hợp pháp.

Thế nhưng hoàn cảnh lịch sử những năm 1980 đất nước vẫn còn chiến tranh, rất khó khăn. Từ năm 1988 - 1989, Lữ đoàn 28 sử dụng và giao cho người dân thuê khoán. Đến năm 2012 người dân trả lại đất, nhưng từ năm 2015 sau khi có Viettel xuất hiện, có một số người dân vào lấn chiếm. Với tài liệu cơ quan công an điều tra, với tìm hiểu riêng, và chính cụ Kình đã tiết lộ thì có một nhóm người kích động xúi giục nhân dân vào lấn chiếm. Ban đầu lấn chiếm nhân dân tự chia nhau. Toàn bộ từ năm 1980 đến nay, những cột bê tông cốt thép này còn nguyên, không xê dịch

Những năm đó, chỉ một ý kiến của Đảng, Nhà nước có lẽ người dân Đồng Tâm sẽ bàn giao cả nhà cả đất. Vì an ninh đất nước, người dân sẵn sàng bàn giao cả giai đoạn 2. Vì vậy, thiếu sót này thuộc về tỉnh Hà Sơn Bình. Hiện nay, thẩm quyền giao đất thuộc về các tỉnh. Đất sử dụng hợp pháp của quân đội là 239,9 ha trừ đất làm đường còn hơn 236 ha, được Hà Nội hợp thức hóa bằng việc đo đạc mốc giới, giao đất cho quân đội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định các văn bản này đều đúng pháp luật. Nếu người dân khiếu kiện, thành phố sẽ giao cho thanh tra đối thoại.

"Tôi lắng nghe tâm tư của cụ Kình, tổ đồng thuận và một số nhân dân thôn Hoành giao cho đoàn thanh tra, đại diện Ban Dân nguyện Quốc hội, người dân thông Đồng Mít, các cơ quan trung ương đi kiểm tra 57 mốc giới còn nguyên, kể cả khu đồng Sênh giao cho quân đội quản lý chỉ có hơn 64 ha, chứ không phải 96 hay 106 ha như các cụ nói. Tôi cho rằng đây là một lý do nại ra, có sự gian dối để kích lòng tham của người dân.

Trên thực tế, không ai có quyền hỏi đất quốc phòng dùng để làm gì vì đó là an ninh, bí mật quốc gia. Chúng ta dùng đất quốc phòng để phòng thủ mà điều này không có nghĩa phải công bố cho người dân biết. Bí mật quốc gia nên không thể công bố, thậm chí đến tôi còn không biết đất đó để làm gì, vì đó là bí mật quốc gia", Chủ tịch cho hay.

Lắng nghe người dân để công bố kết luận chính thức!

Thông qua sự việc trên, Chủ tịch TP Hà Nội bày tỏ mong muốn người dân phải thượng tôn pháp luật, quyền của người dân là quyền được cung cấp tài liệu, kiến nghị... nhưng phải có giới hạn.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng lý giải thêm việc cơ quan công an TP khởi tố là điều kiện để người dân chứng minh mình không vi phạm, những gì người dân được hưởng khoan hồng. Còn trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố là có báo cáo gửi cơ quan điều tra một cách công khai, minh bạch, trong đó bao gồm việc khẳng định người dân đã cộng tác với Chủ tịch thế nào để giải quyết cuộc "khủng hoảng" này.

Bên cạnh đó, ông Chung cũng nhấn mạnh sau buổi công bố này, nếu người dân còn thắc mắc, đoàn sẽ mời lên đối thoại trực tiếp.

"Đề nghị thanh tra tiếp thu hoàn chỉnh ý kiến của bà con, trên cơ sở đó sẽ kết luận thanh tra và công khai cho Hà Nội và bà con cả nước đang theo dõi. Về phía người dân, mọi người còn gì khúc mắc thì thể hiện bằng văn bản, ý kiến của mình. Sau cuộc gặp này, tôi giao cho chính quyền xã tiếp tục tiếp thu ý kiến của người dân để đưa tới đoàn thanh tra. Những vấn đề gì đoàn thanh tra tiếp thu hay không tiếp thu thì đều phải có văn bảntrả lời", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Nếu còn thắc mắc, sẽ mời người dân lên đối thoại trực tiếp