Chủ tịch nước cho rằng, TP.HCM là địa phương có thời gian giãn cách kiểm soát dịch bệnh lâu nhất và chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất của đại dịch, do vậy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP phải cao hơn mức trung bình cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP.HCM phải cao hơn mức trung bình cả nước

Tú Viên | 12/10/2021, 20:03

Chủ tịch nước cho rằng, TP.HCM là địa phương có thời gian giãn cách kiểm soát dịch bệnh lâu nhất và chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất của đại dịch, do vậy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP phải cao hơn mức trung bình cả nước.

Chiều 12.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP.HCM.

Tại buổi giám sát, các ĐBQH đã nêu ra nhiều ý kiến đóng góp báo cáo kết quả công tác phòng chống dịch COVID-19

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, ngân sách TP.HCM đang gặp khó khăn. Ngoài chi ngân sách cho các gói an sinh xã hội, TP.HCM còn chi rất nhiều cho công tác phòng chống dịch COVID-19. ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM cân nhắc trong đầu tư công sắp tới, không thể thực hiện dàn trải mà phải tập trung đầu tư khắc phục những điểm vướng, điểm nghẽn, những lĩnh vực cần thiết hiện nay, nhất là lĩnh vực y tế. Bởi hiện nay, đa số người dân, đội ngũ y tế quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế xã phường, thị trấn. Do đó UBND TP.HCM cần có kiến nghị đề xuất về cơ chế chính sách đãi ngộ, ưu đãi để thu hút nhân lực, đầu tư củng cố hệ thống y tế cơ sở.

nghia.jpeg

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa góp ý tại buổi giám sát-Ảnh: Internet

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng và ban hành chiến lược “bình thường mới” tổng thể trong cả nước để có thể sống thích nghi an toàn với COVID-19. Trong đó, bao gồm chiến lược thành phần ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với các giải pháp, chính sách mang tính vĩ mô.

Đặc biệt, không nên để tình trạng gỡ bỏ rồi áp dụng lại, rồi lại gỡ bỏ rồi lại áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nhiều lần trên phạm vi rộng, vì sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và làm mất đi ưu thế ổn định của môi trường đầu tư, phát triển kinh tế.

Tại buổi giám sát, ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM đề nghị, khi tiêm phủ một tỷ lệ nhất định vắc xin cho trẻ em, có thể kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp. Cần cơ cấu lại các môn học, môn nào chỉ có thể học trực tiếp được thì học trực tiếp; môn nào có thể học trực tuyến được thì học trực tuyến.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, tái cấu trúc lại dân cư và lao động, quy hoạch lại hạ tầng vùng kết nối với Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, thống nhất cơ chế lưu thông về lao động và hàng hóa một cách thông suốt, tránh trở ngại ách tắc nhằm giảm áp lực dân cư với TP.HCM

giamsat_nguyenxuanphuc_qcej(1).jpeg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc cùng các lãnh đạo tại buổi giảm sát-Ảnh: Internet

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế TP.HCM từ nay đến cuối năm 2025 nhằm giúp TP lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.

Người đứng đầu nhà nước đặc biệt nhấn mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 23% ngay năm 2022 để TP có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước. TP.HCM là địa phương có thời gian giãn cách kiểm soát dịch bệnh lâu nhất và chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất của đại dịch, do vậy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP phải cao hơn mức trung bình cả nước. Đặc biệt đối với các đối tượng được miễn, giảm thuế; giảm nợ, khoanh nợ; giảm lãi suất vay các gói tín dụng ưu đãi…

Bên cạnh đó, TP cũng cần nghiên cứu phối hợp giữa TP và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt ba địa phương Long An, Bình Dương, Đồng Nai để có liên kết vùng rõ hơn.

"Viêc tái cấu trúc, tái phát triển, tái kiến thiết là nhiệm vụ trọng tâm của TP, trong đó có việc phát triển hạ tầng, làm nhanh đường vành đai để kết nối với các trung tâm xung quanh. Muốn làm được việc này TP phải đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để lấy tiền. Cùng với đó phát triển một số thành phố vệ tinh, bên cạnh triển khai TP.Thủ Đức...", Chủ tịch nước nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP.HCM phải cao hơn mức trung bình cả nước