Để cân đối ngân sách 2021, TP.HCM sẽ giảm 10% chi thường xuyên, giảm hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức... TP sẽ chủ động cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao.
Chiều 12.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, đến nay TP.Thủ Đức và các quận huyện đã kiểm soát được dịch COVID-19 và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, triển khai xét nghiệm thần tốc theo kế hoạch được duyệt, hoàn thành 3 giai đoạn với hơn 17,5 triệu mẫu; tỷ lệ hệ số lây nhiễm giảm rõ rệt, từng bước chuyển hóa các "vùng đỏ", mở rộng nhiều "vùng xanh". Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát được dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh những mặt được, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu một số tồn tại, hạn chế.
Về mặt hạn chế, ông Đức nhận định thời gian đầu dịch bùng phát, việc giãn cách xã hội toàn thành phố có lúc, có nơi chưa triệt để; còn một bộ phận người dân chưa ý thức, lơ là, chủ quan; một số ca nhiễm chưa phát hiện kịp thời, chậm chuyển viện điều trị dẫn đến chuyển nặng, tử vong; bố trí và điều phối nhân lực chưa hợp lý.
Về công tác điều trị, TP.HCM đã nỗ lực rất lớn để kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong giai đoạn đầu chưa có thuốc đặc trị; đã phân tầng điều trị sát với diễn biến dịch bệnh từng thời điểm. TP.HCM đầu tư nguồn lực rất lớn để củng cố, hoàn thiện hệ thống điều trị, từng bước chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở. Áp dụng kịp thời, đầy đủ các biện pháp chăm sóc, điều trị F0 tại cộng đồng.
TP.HCM đã chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở, thành lập 536 trạm y tế lưu động, hệ thống các tầng điều trị đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận y tế của người dân, từng bước kéo giảm sâu số ca bệnh nặng và tử vong. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 98% và mũi 2 đạt trên 72% số người từ 18 tuổi trở lên. Trong thời gian tới, TP.HCM tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi ngay khi có vắc xin và được Bộ Y tế cho phép.
Tại buổi giám sát, TP.HCM kiến nghị, bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở. Trong đó kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.
Về ngân sách, TP.HCM cho biết do dịch bệnh, thu ngân sách giảm mạnh trong khi đó, nhu cầu kinh phí phục vụ phòng chống dịch tạo áp lực lớn. Do đó, thành phố phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước.
Để bổ sung cân đối ngân sách 2021, TP.HCM dự kiến khai thác nguồn thu từ đất; tăng biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ với các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và khoản thu liên quan về đất.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ giảm 10% chi thường xuyên, giảm hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức... Thành phố sẽ chủ động cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao.
TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch COVID-19, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.